Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiến kế xây dựng nông thôn mới

03:03, 09/03/2019

Ngày 8-3, hàng trăm đại biểu từ các tỉnh, thành trong cả nước cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước… đã tham dự Hội nghị toàn quốc Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp năm 2019.

[links()]Ngày 8-3, hàng trăm đại biểu từ các tỉnh, thành trong cả nước cùng các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước… đã tham dự Hội nghị toàn quốc Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) các cấp năm 2019. Đây là dịp các địa phương chia sẻ những bài học quý trong xây dựng NTM cũng như đề ra những kiến nghị, giải pháp hiến kế cho giai đoạn tới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (thứ 4 từ trái qua) và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cùng chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm tại Hội nghị toàn quốc Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp năm 2019
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (thứ 4 từ trái qua) và Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường cùng chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm tại Hội nghị toàn quốc Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp năm 2019. Ảnh: H.Quân

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương ngay sau hội nghị cần gửi ngay báo cáo để chuẩn bị cho hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (2010-2020) dự kiến diễn ra vào cuối năm 2019. Từng địa phương phải tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm từ cấp huyện đến tỉnh để đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm. Các bộ, ngành, từng tiểu vùng cũng cần tổ chức những hội nghị tổng kết chuyên đề liên quan đến chương trình xây dựng NTM nhằm rút ra những bài học bổ ích, góp phần định hướng cho giai đoạn phát triển sau.

* Đúc kết bài học quý

Báo cáo kết quả xây dựng NTM của cả nước năm 2018, Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh đây là năm đạt kết quả nổi bật cả về mặt số lượng và chất lượng. Đến nay, số lượng xã, huyện đạt chuẩn NTM đều đạt cao hơn mục tiêu đề ra. Về chất lượng, khi lấy ý kiến hài lòng của người dân tại hầu hết các huyện đạt chuẩn NTM, mức độ hài lòng của người dân đều đạt trên 97%; tỷ lệ hiểu biết của người dân về các chương trình NTM cũng rất cao.

Phó chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương  Trần Văn Môn cho biết, hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM sẽ được tổ chức sớm 1 năm so với kế hoạch đề ra. Ngoài việc tôn vinh những tập thể, cá nhân xuất sắc trong chương trình xây dựng NTM, hội nghị sẽ tạo điều kiện cho người dân được tham gia ý kiến về kết quả cũng như đóng góp cho phong trào xây dựng NTM.

Gợi ý cho các địa phương tham gia góp ý xây dựng NTM trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chỉ ra, cái khó nhất hiện nay là khoảng cách giữa các vùng miền còn chênh lệch lớn. ”Tôi rất muốn lắng nghe ý kiến của các địa phương về giải pháp khắc phục sự chênh lệch này. Vấn đề thu nhập của người dân khi xét đạt chuẩn huyện NTM cũng chỉ đạt mức xấp xỉ theo tiêu chí đề ra. Tiêu chí môi trường, an ninh trật tự vẫn còn nhiều vấn đề. Trong thực hiện NTM nâng cao, các địa phương vẫn chỉ tập trung để đạt tiêu chí mà thiếu quan tâm đến việc tiếp tục nâng chất cho các xã đạt chuẩn NTM nâng cao” - ông Nam nói.

Chia sẻ kinh nghiệm phấn đấu từ một huyện miền núi khó khăn trở thành huyện đạt chuẩn NTM, ông Nguyễn Hữu Ký, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú cho biết ngay từ đầu huyện đã xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm mang tính đột phá và đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp thực tế của từng địa phương để tập trung thực hiện. Trong đó, sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sạch, công nghệ cao; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ để phát triển sản xuất bền vững; gắn phát triển nông nghiệp với bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường và phát triển dịch vụ, du lịch…”.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hải Quân
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hải Quân

* Định hướng cho 10 năm tới

GS-TS.Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học - công nghệ phục vụ xây dựng NTM đánh giá kết quả xây dựng NTM từ góc nhìn khoa học, chương trình khoa học - công nghệ phục vụ xây dựng NTM đã góp phần thiết kế được hệ thống khung pháp lý, thể chế, chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Nghiên cứu về nhận diện những vấn đề cơ bản của nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2010-2020. Đặc biệt, phân tích bối cảnh và nhận diện những vấn đề cơ bản trong xây dựng NTM bền vững giai đoạn sau 2020 cần xác định xây dựng NTM bền vững là yêu cầu và định hướng xuyên suốt trong giai đoạn tới. “Phát triển nông thôn bền vững phải tạo ra chất lượng mới; đồng thời cần nhận diện rõ vai trò, vị thế của cộng đồng nông thôn trong chuyển đổi của cấu trúc kinh tế nông nghiệp nông thôn gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” - ông Anh nói.

Văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM Đồng Nai cũng đưa ra kiến nghị, Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao hiện đang phân ra làm 2 loại tiêu chí là tiêu chí chung và tiêu chí để công nhận xã NTM kiểu mẫu nên rườm rà và khó khăn cho địa phương trong việc xây dựng tiêu chí cũng như trong đánh giá. Trung ương nên ban hành một loại tiêu chí, nếu đạt tiêu chí ở lĩnh vực đó là được xét công nhận kiểu mẫu. Tiếp tục nghiên cứu có cơ chế chính sách cho giai đoạn thực hiện NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu giai đoạn tiếp theo sau đạt chuẩn NTM.

Dịp này, nhiều địa phương quan tâm đến vấn đề xây dựng, hoàn thiện các thiết chế và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa ở nông thôn gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đây là một trong những trọng điểm sẽ được nhiều địa phương tập trung phát triển gắn với xây dựng NTM trong thời gian tới. Theo các địa phương, xây dựng NTM là yếu tố quan trọng tạo đà cho du lịch cộng đồng phát triển, từ đó có nhiều đóng góp thiết thực vào thực hiện các tiêu chí NTM. Trong đó, các địa phương mong được hỗ trợ về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; tạo môi trường thuận lợi, cơ chế chính sách cởi mở thu hút người dân và doanh nghiệp tham gia; đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực…

Bình Nguyên

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường: Nông thôn mới mang lại diện mạo mới, sức sống mới

Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM ở Đồng Nai, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội mang tính đồng bộ là điểm nổi bật trong xây dựng NTM, mang lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng nông thôn. Hệ thống đường giao thông kết nối từ trung tâm với các khu vực ngày càng mở rộng, hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt hơn 99%. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa, mạng lưới thông tin truyền thông, y tế, giáo dục… ngày càng có những bước phát triển rõ nét, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

 Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng:

 

Hiện nay, huyện Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng là một trong 4 huyện thí điểm của cả nước trong chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu. Trong đó, địa phương hướng đến phát triển nông nghiệp thông minh, tập trung phát triển hạ tầng nông nghiệp, tài chính thông minh, ứng dụng công nghệ sinh học, giải pháp công nghệ, ứng dụng dữ liệu lớn (big data), truy xuất nguồn gốc… Bên cạnh đó, các tiêu chí môi trường, trồng cây gây rừng, phát triển nông nghiệp bền vững, tăng cường hợp tác quốc tế… cũng được tỉnh tập trung để hướng tới phát triển mô hình NTM kiểu mẫu.

Anh_03_OngNGUYENPHUNGHOAN.jpg

Ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định:

Nam Định tiếp tục nỗ lực hoàn thành xây dựng NTM, phấn đấu năm 2019 đạt thêm 5 xã NTM kiểu mẫu. Trong đó, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, môi trường cảnh quan, vấn đề văn hóa, an ninh trật tự là những nhiệm vụ trọng tâm. Hơn thế nữa, công tác đẩy mạnh nhiều hơn tái cơ cấu nông nghiệp, triển khai có hiệu quả chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng được tỉnh lưu ý. Trong năm nay, tỉnh phấn đấu có 150 sản phẩm chương trình OCOP ở các địa phương.

 PGS-TS.Trần Văn Ơn, Tư vấn quốc gia Chương trình OCOP:

Việc thực hiện chương trình OCOP rất cần sự nhất trí, đồng lòng, cũng như nâng cao nhận thức của người dân các địa phương thực hiện chương trình. Hiện chương trình này đang ở giai đoạn đầu tiên, còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần xây dựng được hệ thống hỗ trợ cộng đồng, khuyến khích người dân tự đề xuất đăng ký sản phẩm, chứ chính quyền địa phương không chỉ định. Bên cạnh đó, công tác huy động nguồn lực của nhân dân, nguồn lực của Nhà nước cần được quan tâm, xây dựng nhận thức, hướng đi phù hợp, việc đánh giá sản phẩm để phát triển cần chú trọng các sản phẩm cấp cộng đồng.

Hải Quân (ghi)

Tin xem nhiều