Báo Đồng Nai điện tử
En

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm": Cần đi vào thực chất

09:01, 14/01/2019

Đồng Nai vừa phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập đề án Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2035...

Đồng Nai vừa phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán kinh phí lập đề án Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2035. Mục tiêu của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của cấp xã, huyện, tỉnh theo chuỗi giá trị.

Trái bưởi là một trong những nông sản thế mạnh của Đồng Nai. Trong ảnh: Vườn bưởi tại huyện Vĩnh Cửu.
Trái bưởi là một trong những nông sản thế mạnh của Đồng Nai. Trong ảnh: Vườn bưởi tại huyện Vĩnh Cửu.

Trên quy mô cả nước thì sẽ huy động 45 ngàn tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để thực hiện chương trình này trong giai đoạn 2018-2020.

* Bối rối chọn sản phẩm

Nhóm các hàng hóa, dịch vụ trong chương trình OCOP, gồm: thực phẩm đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm – nội thất – trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn. Chương trình đặc biệt ưu tiên các đặc sản vùng, miền trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện sinh thái, văn hóa, nguồn gen, tri thức và công nghệ tại địa phương. Chương trình OCOP hướng đến góp phần tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu, mang tính hàng hóa đặc trưng lợi thế của mỗi vùng, mỗi xã đáp ứng cho tiêu dùng của tỉnh, cả nước và xuất khẩu.

Sản phẩm của chương trình OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Theo đề cương của chương trình OCOP, Nhà nước sẽ tham gia định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

Tuy nhiên, các tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân là chủ thể thực hiện chương trình này hiện vẫn khá bối rối với chương trình. Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) cho biết, nhiều năm qua, hợp tác xã luôn tập trung xây dựng thương hiệu riêng cho trái xoài với mục tiêu tổ chức xuất khẩu tốt vào những thị trường khó tính để có đầu ra bền vững.

“Nghe về chương trình Mỗi xã một sản phẩm, chúng tôi rất quan tâm và mong được hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho trái xoài. Tuy nhiên, đây là một trong những cây trồng có diện tích lớn ở nhiều địa phương của Đồng Nai nên chương trình phải tính toán đến việc nhiều xã trong cùng một huyện, thậm chí nhiều huyện trong tỉnh đều chọn trái xoài làm sản phẩm tiêu biểu. Vì thế nên xây dựng thương hiệu chung cho trái xoài Đồng Nai thay cho làm thương hiệu riêng lẻ ở từng xã” - ông Bảo đề xuất.

Huy động được vốn từ nguồn xã hội hóa thực hiện chương trình OCOP cũng là bài toán khó. Theo ông Trần Văn Trung, nông dân trồng sầu riêng VietGAP tại xã Bình An (huyện Long Thành): “Nông dân chúng tôi hiện rất quan tâm làm nông sản sạch, đăng ký truy xuất nguồn gốc nông sản, tham gia vào chuỗi liên kết với mong muốn xây dựng được thương hiệu nông sản bằng uy tín, chất lượng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của nông dân khi đầu tư cho nông nghiệp là nguồn vốn. Mong Nhà nước có thêm những chính sách hỗ trợ cho nông dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi, đặc biệt được vay vốn dài hạn hơn so với quy định hiện nay”.

* Căn cứ vào thực tế

Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc cho biết, Xuân Lộc là một trong 4 huyện được chọn làm điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện Đề án xây dựng huyện Xuân Lộc đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng “phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” giai đoạn 2018-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt và đang trong giai đoạn triển khai thực hiện. Trong đó, chương trình OCOP được địa phương lồng ghép vào trong mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Từ nay đến năm 2020, huyện chỉ chọn làm 3 xã điểm đã có dự án cánh đồng lớn hoặc xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất - bao tiêu để làm thí điểm chương trình OCOP. Dự kiến đến năm 2025, toàn huyện cũng chỉ có từ 7-8 xã có sản phẩm nông thôn tiêu biểu chứ không làm đại trà toàn huyện.

Ông Phạm Minh Phước, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cũng cho rằng việc triển khai chương trình OCOP cần căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi địa phương chứ không nhất thiết xã nào cũng phải có sản phẩm tiêu biểu theo chỉ tiêu từ trên áp xuống.

“Với những nông sản cùng là thế mạnh của nhiều địa phương nên liên kết lại xây dựng một thương hiệu chung cấp huyện, cấp tỉnh chứ không nên làm riêng ở cấp xã. Vai trò của Nhà nước là tạo môi trường thuận lợi về mặt chính sách, nhất là hỗ trợ về nguồn vốn để khuyến khích hợp tác xã, nông dân mạnh dạn đầu tư” - ông Phước nói.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều