Báo Đồng Nai điện tử
En

Đeo vòng truy xuất nguồn gốc heo: Nhiều lỗ hổng

09:12, 16/12/2018

Sau gần 2 năm thực hiện, người chăn nuôi và thương lái ở Đồng Nai đã quen với quy trình đeo vòng truy xuất nguồn gốc heo khi cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh....

Sau gần 2 năm thực hiện, người chăn nuôi và thương lái ở Đồng Nai đã quen với quy trình đeo vòng truy xuất nguồn gốc heo khi cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh. 100% heo ở Đồng Nai cung cấp vào thị trường này đều được đeo vòng truy xuất.

Thương lái và cơ sở chăn nuôi của Đồng Nai thực hiện khá nghiêm túc việc đeo vòng truy xuất cho heo. Trong ảnh: Đóng heo chuẩn bị đi TP.Hồ Chí Minh tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất.
Thương lái và cơ sở chăn nuôi của Đồng Nai thực hiện khá nghiêm túc việc đeo vòng truy xuất cho heo. Trong ảnh: Đóng heo chuẩn bị đi TP.Hồ Chí Minh tại xã Quang Trung, huyện Thống Nhất.

Tuy nhiên, đến nay quá trình kiểm soát vẫn còn một số bất cập. Đây là nguyên nhân khiến những thương lái, người chăn nuôi thực hiện đúng quy định bị thiệt thòi, mà việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn cho mặt hàng thịt heo vẫn chưa đạt được như mục tiêu đề ra. 

* Chưa hiệu quả

Theo đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, từ tháng 9-2017, tất cả heo hơi nhập về các chợ đầu mối lớn của TP.Hồ Chí Minh đều phải đeo vòng truy xuất nguồn gốc có những thông tin mã hóa. Mục tiêu nhằm để cho cả cơ quan quản lý và người tiêu dùng đều dễ dàng kiểm tra được mọi thông tin về sản phẩm từ nơi sản xuất, nguồn gốc thức ăn, chủ trại, lò giết mổ... thông qua điện thoại thông minh đã cài đặt sẵn phần mềm.

Theo Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, toàn tỉnh có 600 cơ sở chăn nuôi và 15 cơ sở giết mổ đăng ký tham gia đề án. Trong đó, có 403 cơ sở chăn nuôi và 9 cơ sở giết mổ đã được kích hoạt mã truy xuất nguồn gốc với tổng sản lượng trên 2,9 triệu con heo từ khi bắt đầu thử nghiệm đề án vào tháng 12-2016 đến ngày 30-11-2018. Trung bình mỗi ngày có gần 4,8 ngàn con heo cung cấp vào TP.Hồ Chí Minh thực hiện việc truy xuất nguồn gốc.

Ông Lã Hữu Hảo, Tổ trưởng Tổ hợp tác VietGAHP chăn nuôi số 1 xã Gia Tân 3 (huyện Thống Nhất) cho biết: “Vòng đeo truy xuất nguồn gốc cho heo được cung cấp trực tiếp về tổ hợp tác và tổ trưởng có trách nhiệm thực hiện việc đeo vòng, kích hoạt phần mềm đạt yêu cầu mới xuất heo đi. Mọi việc đã vào nếp nên dễ dàng, thuận lợi”.

Tuy vậy, nhiều trang trại, tổ hợp tác mặc dù đã thực hiện việc đăng ký mã trang trại và quy trình thực hiện truy xuất nguồn gốc, nhưng không phải con heo nào xuất bán cũng đeo vòng mà tùy vào yêu cầu của người mua.

Ông Lương Hồng Đoán, Tổ trưởng Tổ heo VietGAHP xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) chia sẻ: “Hiện chỉ khoảng 10% lượng heo của tổ hợp tác cung cấp vào siêu thị có thực hiện đeo vòng truy xuất nguồn gốc. Toàn bộ số heo còn lại bán cho thương lái, tôi cũng không rõ cung cấp đi đâu nhưng đều không yêu cầu đeo vòng truy xuất”.

Theo nhiều thương lái tại các chợ đầu mối TP.Hồ Chí Minh, việc đeo vòng truy xuất nguồn gốc cho heo vẫn còn mang tính hình thức.

Ông Trần Văn Minh, thương lái chợ đầu mối Tân Xuân (TP.Hồ Chí Minh) nhận xét, tính trên số đầu heo về chợ thì mỗi ngày phải tốn hàng chục triệu đồng tiền mua vòng truy xuất. Điều này rất lãng phí khi việc thực hiện truy xuất nguồn gốc còn mang tính đối phó vì nhiều vòng đeo không được kích hoạt, hoặc có kích hoạt thì thông tin cập nhật cũng không đầy đủ. Tại chợ, thương lái khi pha lóc heo đều cắt bỏ vòng này.

“Như vậy, việc truy xuất nguồn gốc chỉ dừng lại đến chợ đầu mối; tiểu thương bán lẻ và cả người tiêu dùng đều không còn cơ sở để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Người tiêu dùng hầu như không mấy quan tâm đến chương trình này nên các thương lái bán lẻ cũng không yêu cầu chúng tôi phải giữ lại vòng truy xuất trên sản phẩm” - ông Minh nói.

* Cần siết chặt quản lý

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc nhằm đem lại nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng là cần thiết và người chăn nuôi ủng hộ chủ trương này. Nhưng việc thực hiện đeo vòng truy xuất hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề không hợp lý. Giải pháp hiện nay là thành lập các chuỗi liên kết và cần quy rõ trách nhiệm của từng khâu tham gia chuỗi liên kết từ cửa hàng, doanh nghiệp, cơ sở giết mổ…

Từ thực tế triển khai, Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong việc triển khai thực hiện việc truy xuất nguồn gốc heo như: chương trình chỉ mới tiếp nhận thông tin đăng ký từ cơ sở mà chưa có kiểm tra thực tế dẫn đến tình trạng các cơ sở xuất bán với số lượng cao hơn thực tế; có tình trạng một số cơ sở chăn nuôi có kích hoạt vòng nhận diện nhưng không đeo vào chân heo, hoặc chỉ đeo cho vài con của cả lô heo, số vòng nhận diện đã kích hoạt còn dư được giao cho thương lái để sử dụng. Ngoài ra, có cơ sở chăn nuôi cho thương lái mượn code (mã đăng ký truy xuất nguồn gốc heo) dẫn đến việc số lượng heo xuất bán lớn hơn số lượng nuôi thực tế của cơ sở. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác truy xuất nguồn gốc vì xảy ra trường hợp con heo xuất từ trại này nhưng dữ liệu lại của trại khác; có khi kích hoạt lại không thấy xuất hiện thông tin vì thương lái chỉ đeo để đối phó…

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, việc truy xuất nguồn gốc giúp các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện tương đối đầy đủ các bước liên quan đến việc quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, gà về TP.Hồ Chí Minh. Đề án góp phần làm giảm những hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đặc biệt là vấn đề sử dụng thuốc an thần trong vận chuyển, giết mổ heo.

 “Khi cơ quan quản lý lơ là thì những vi phạm về truy xuất nguồn gốc tăng cao. Bên cạnh đó, đề án chưa quản lý đối với thương nhân thu mua heo nên chưa xử lý được các trường hợp gây mất an toàn thực phẩm đối với con heo đã được gắn vòng truy xuất. Cụ thể, gần đây các thương nhân bị cơ quan chức năng xử lý hành vi bơm nước, chích thuốc an thần vào heo nhưng chưa có thương nhân vi phạm nào bị đưa ra khỏi đề án” - ông Quang chỉ ra vấn đề bất cập rất lớn hiện nay của việc truy xuất nguồn gốc heo.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều