Báo Đồng Nai điện tử
En

"Nâng" giá trị cà phê Việt Nam

09:12, 16/12/2018

Không phải là nơi trồng cà phê nhiều nhất nước, nhưng Đồng Nai lại được xem là "thủ phủ" của ngành cà phê. Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn trong và ngoài nước đều có trụ sở tại Đồng Nai...

Không phải là nơi trồng cà phê nhiều nhất nước, nhưng Đồng Nai lại được xem là “thủ phủ” của ngành chế biến và xuất khẩu cà phê. Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn trong và ngoài nước đều có trụ sở tại Đồng Nai.

Chuyên gia kiểm tra công đoạn rang cà phê tại Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa.
Chuyên gia kiểm tra công đoạn rang cà phê tại Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa.

Mới đây, có thêm một nhà máy chế biến cà phê nữa trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động nhằm gia tăng giá trị cho ngành này

* “Ông lớn” đẩy mạnh tốc độ

Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA), cả nước hiện có 20 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn với tổng công suất 75.280 tấn sản phẩm/năm. Trong đó, chỉ tính riêng 3 nhà máy chế biến ở Đồng Nai là Vinacafé Biên Hòa, Nestlé Việt Nam và Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa giai đoạn 1 đã chiếm khoảng 2/3 sản lượng cả nước.

Xuất khẩu cà phê hòa tan của Việt Nam trong niên vụ 2017-2018 đạt 2,1 triệu bao, tăng thêm khoảng 100 ngàn bao so với niên vụ 2016-2017 (khoảng 120 ngàn tấn). Hiện cà phê hòa tan của Việt Nam đã có mặt tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hai “ông lớn” trong ngành xuất khẩu cà phê là Nestlé Việt Nam và Tín Nghĩa cũng đẩy mạnh việc chế biến cà phê để gia tăng giá trị. Cụ thể, tháng 7-2018, Nestlé Việt Nam đưa dây chuyền sản xuất viên nén NESCAFÉ Dolce Gusto với công suất 2.500 tấn cà phê/năm (tương đương 130 triệu viên) ở Khu công nghiệp  Amata vào hoạt động.

Ông Ganesan Ampalavanar, Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam cho biết công suất của nhà máy sẽ được nâng lên vào những năm tới. Nestlé Việt Nam cũng vừa cho ra thị trường sản phẩm cà phê rang xay. Thị phần thu mua cà phê của Nestlé Việt Nam hiện chiếm khoảng 25% tổng sản lượng cà phê Việt Nam.

Là doanh nghiệp đứng thứ 2 trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê tại Việt Nam, đầu tháng 12-2018, Công ty cổ phần cà phê Tín Nghĩa đưa nhà máy cà phê hòa tan 3.200 tấn thành phẩm/năm giai đoạn 1 ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 vào hoạt động. Ông Quách Văn Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần cà phê Tín Nghĩa cho biết sẽ nâng sản lượng chế biến của nhà máy lên 5 ngàn tấn/năm vào cuối năm 2019 và đạt 10 ngàn tấn/năm vào năm 2021. Sản phẩm chủ lực của nhà máy chế biến của Tín Nghĩa là cà phê rang xay, cà phê hòa tan hỗn hợp và cà phê hòa tan theo công nghệ sấy lạnh.

* Gia tăng giá trị

Ông Nguyễn Cao Nhơn, Giám đốc Công ty cổ phần cà phê Tín Nghĩa cho hay, sản phẩm cà phê chế biến của công ty phần lớn được tiêu thụ ở thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và một số nước châu Á. “Tín Nghĩa đã có uy tín trong xuất khẩu cà phê những năm qua và xây dựng được mối quan hệ khách hàng ở các thị trường lớn. Sản phẩm cà phê của nhà máy sẽ gia tăng thêm giá trị cho cà phê Việt Nam” - ông Nhơn chia sẻ. 

Tương tự, ông Ganesan Ampalavanar cũng cho biết cà phê viên nén của Nestlé Việt Nam cũng nhắm vào xuất khẩu. 90% sản lượng xuất sang 13 thị trường trên thế giới. Cũng theo lãnh đạo của Nestlé Việt Nam, doanh nghiệp đang tập trung gia tăng giá trị cà phê bằng chế biến sâu ở các nhà máy.

Ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch thường trực VICOFA đánh giá, mới đây thêm nhà máy sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa tham gia vào chế biến rất có ý nghĩa với mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ sản xuất cà phê hòa tan và cà phê rang xay của Việt Nam đạt khoảng 25% sản lượng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt từ 3,8-4,2 tỷ USD. Ông Hải cho biết, hiện 90% cà phê xuất khẩu của Việt Nam vẫn là xuất khẩu cà phê nhân thô nên giá trị thấp và không có thương hiệu.

 Vân Nam

Tin xem nhiều