Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh tế tập thể thời hội nhập

09:07, 30/07/2018

Nhiệm kỳ 2012-2017, khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 287 HTX, quỹ tín dụng nhân dân...

Nhiệm kỳ 2012-2017, khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng.

Sản phẩm ca cao Đồng Nai xuất khẩu tốt nhờ xây dựng thành công chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Trong ảnh: Khách quốc tế tham quan vườn ca cao tại Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán).
Sản phẩm ca cao Đồng Nai xuất khẩu tốt nhờ xây dựng thành công chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân. Trong ảnh: Khách quốc tế tham quan vườn ca cao tại Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán).

Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 287 HTX, quỹ tín dụng nhân dân hoạt động theo Luật HTX mới (đạt gần 90%). Để kinh tế tập thể phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập, Đồng Nai không ngại giải thể những HTX yếu kém, tạo môi trường cho mô hình HTX kiểu mới vươn lên.

* Nhiều “hợp tác xã kiểu mới”

Theo ông Đỗ Phước Dũng, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh, nhiệm kỳ qua, đơn vị đã hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX đang hoạt động phát triển theo chiều sâu; hỗ trợ củng cố các HTX yếu kém; giải thể HTX không còn hoạt động hoặc tồn tại hình thức. Quỹ Trợ vốn phát triển HTX tỉnh Đồng Nai đã giải ngân gần 199 tỷ đồng cho 4.689 lượt dự án của thành viên, tổ viên, người lao động trong các HTX, tổ hợp tác và câu lạc bộ năng suất cao.

Sau khi tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX hiện hành, nhiều HTX đã kết nạp thêm thành viên, mở rộng quy mô hoạt động, đầu tư về cơ sở vật chất...

Từ nguồn vốn ban đầu khoảng 360 triệu đồng với vài thành viên, hiện HTX Hiệp Lực (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) đã nâng vốn điều lệ lên 18 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 100 lao động trực tiếp và trên 500 lao động gia công tại các hộ gia đình. Năm 2017, tổng doanh thu của HTX đạt trên 88 tỷ đồng.

Bà Lương Thị Thúy, Giám đốc HTX Hiệp Lực cho biết: “Sau khi tổ chức lại theo Luật HTX hiện hành, chất lượng hoạt động HTX từng bước được nâng lên. Các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đều tăng từ 20-30%/năm. Người lao động không chỉ được quan tâm về cải thiện tiền lương, tiền thưởng mà đời sống tinh thần cũng được chăm lo chu đáo”.

Chợ Phương Lâm (huyện Tân Phú) được quy hoạch thành chợ hạng 1, là chợ đầu mối luân chuyển hàng hóa giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông... Để làm tốt công tác quản lý, khai thác chợ, HTX thương mại dịch vụ Phương Lâm đã tổ chức lại bộ máy điều hành như một doanh nghiệp năng động. Đơn vị đa dạng các dịch vụ; vận động tiểu thương bỏ kinh phí để cải tạo chợ; cải tạo, nâng cấp đường dẫn vào chợ.

Ông Nguyễn Danh Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX thương mại dịch vụ Phương Lâm cho biết: “Thực phẩm, hàng hóa mua bán trong chợ đều phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; được chế biến, trưng bày đúng quy định; không sử dụng chất cấm. Tiểu thương thực hiện tốt việc niêm yết giá; không bán hàng gian, hàng giả; bán hàng văn minh. Nhờ đó, chợ Phương Lâm được công nhận là chợ văn hóa; HTX là doanh nghiệp văn hóa, văn minh”.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX cũng có nhiều điểm sáng. Từ tháng 5 đến nay, HTX thương mại - dịch vụ Quyết Tiến (huyện Cẩm Mỹ) đã xuất khẩu được gần 2 ngàn tấn chuối đi Hàn Quốc, Trung Quốc. Đây là HTX đầu tiên của Đồng Nai trực tiếp ký được hợp đồng xuất khẩu chuối vào được thị trường khó tính.

Để có kết quả này, ngay từ đầu năm 2017, HTX thương mại - dịch vụ Quyết Tiến đã đầu tư 16 tỷ đồng cho dự án trồng chuối già cấy mô Nam Mỹ với diện tích trên 100 hécta; đầu tư dây chuyền sơ chế, đóng gói chuối xuất khẩu. Mọi quy trình từ trồng chuối sạch đến phân loại, sơ chế, bảo quản, đóng gói... của HTX đều làm theo quy chuẩn với sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ giám sát viên từ phía đối tác. HTX này cũng đang xây dựng dự án cánh đồng lớn cây bưởi da xanh với diện tích từ 50-70 hécta cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

* Phát triển về chất

Nói về yêu cầu nâng chất của HTX trong thời kỳ mới, ông Phạm Thanh Đồng, Giám đốc HTX thương mại - dịch vụ Quyết Tiến cho rằng: “Lương giám đốc HTX nếu chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng thì không thể phát triển được. Chính vì vậy, chúng tôi đầu tư vào những ngành dịch vụ như: thu gom rác thải sinh hoạt, sản xuất cung cấp nước sạch, kinh doanh khai thác chợ... tạo ra lợi nhuận để tuyển và nuôi được bộ máy có những con người giỏi. Càng mở rộng hoạt động, chúng tôi càng chú trọng tập trung đầu tư nâng cấp cho đội ngũ con người vì đây là yếu tố quyết định sức khỏe của một HTX”.

Hợp tác xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), đơn vị xuất khẩu tốt sản phẩm tiêu vào những thị trường khó tính và là chủ đầu tư dự án cánh đồng cây tiêu lớn.
Hợp tác xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), đơn vị xuất khẩu tốt sản phẩm tiêu vào những thị trường khó tính và là chủ đầu tư dự án cánh đồng cây tiêu lớn.

Tập trung vào công tác đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ quản lý HTX cũng là nội dung mà kinh tế tập thể Đồng Nai quan tâm trong nhiệm kỳ qua. Tính đến cuối nhiệm kỳ IV, toàn tỉnh có 357 HTX, quỹ tín dụng nhân dân, liên hiệp HTX với trên 95 ngàn thành viên. Tổng vốn điều lệ trên 1.544 tỷ đồng. Ngoài ra, có trên 1 ngàn tổ hợp tác đang hoạt động. Trong đó, có 678/1.355 cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ sơ, trung cấp (đạt tỷ lệ gần 52%); số cán bộ quản lý hợp tác xã đã qua đào tạo đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên là 312 người, đạt tỷ lệ gần 25%.  

Kinh tế tập thể đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. So với đầu nhiệm kỳ, toàn tỉnh tăng thêm 126 HTX. Hiện doanh thu bình quân của 1 HTX đạt trên 3 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 35 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân năm của thành viên HTX 30 triệu đồng/năm, tăng gần gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ.

Không chỉ HTX mà chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác cũng từng bước đi vào chiều sâu. Các tổ hợp tác  hoạt động trên nhiều lĩnh vực ngành nghề như: nông nghiệp, dịch vụ, thủ công mỹ nghệ... đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển. Nhiều tổ hợp tác  trồng trọt, chăn nuôi được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản an toàn.

Toàn tỉnh hiện có 134 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp với tổng vốn điều lệ đăng ký trên 489 tỷ đồng và 3.634 thành viên. Tuy chiếm gần 38% trên tổng số HTX đang hoạt động nhưng khối HTX nông nghiệp vẫn là loại hình hoạt động gặp nhiều khó khăn, bất cập; cần tiếp tục được tập trung củng cố, hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu của thực tiễn giai đoạn hiện nay.

Trong 18 dự án cánh đồng lớn đã được phê duyệt có gần một nửa số dự án là do các HTX nông nghiệp làm chủ đầu tư. HTX đã xây dựng được những chuỗi liên kết trong sản xuất tiêu thụ nông sản như: xoài, tiêu, ca cao, rau quả, chăn nuôi heo... Một số HTX đã ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu trong thời kỳ hội nhập; đã chủ động đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và quan tâm xây dựng, phát huy hiệu quả của thương hiệu trên thị trường.

Bình Nguyên

 

 

 

Tin xem nhiều