Để giúp doanh nghiệp (DN) trong ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm xuất khẩu, Chính phủ đã có chính sách ưu đãi về vốn...
Để giúp doanh nghiệp (DN) trong ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm xuất khẩu, Chính phủ đã có chính sách ưu đãi về vốn. Theo đó, DN công nghiệp hỗ trợ ở những lĩnh vực ưu tiên sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi, từ 6,5-7%/năm. Tuy nhiên, số DN tiếp cận nguồn vốn này không nhiều, một phần do sự thiếu chủ động của DN trong việc nắm bắt thông tin.
Công ty TNHH Đại Á Thành (TP.Biên Hòa) sản xuất dây điện cung ứng cho các doanh nghiệp nước ngoài rất mong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi |
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, đến đầu tháng 7-2018, nguồn vốn vay ưu đãi cho các DN trong ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh chỉ đạt trên 500 tỷ đồng. Thời hạn cho vay tối đa 12 tháng.
* Vẫn vay vốn lãi suất cao
Đồng Nai là tỉnh được Bộ Công thương đánh giá là “cái nôi” sản xuất công nghiệp hỗ trợ, cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang các nước. Năm 2017, giá trị ngành công nghiệp hỗ trợ mang lại trên 150 ngàn tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm trước và chiếm gần 28% trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Theo Sở Công thương, ngành công nghiệp hỗ trợ của Đồng Nai trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển cả về số lượng DN lẫn giá trị sản xuất. Thời gian qua, Đồng Nai đã ưu tiên thành lập các cụm công nghiệp, phân khu sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại một số khu công nghiệp như: Giang Điền, Nhơn Trạch 6, An Phước. Ông Phan Văn Dân, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính Sở Công thương, cho biết: “Mức tăng trưởng của ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh những năm gần đây khá cao, thường vượt kế hoạch đề ra. Các DN trên lĩnh vực này đa số có quy mô nhỏ nhưng đã chú ý đầu tư máy móc công nghệ để sản phẩm làm ra đáp ứng được nhu cầu của nhiều DN nước ngoài và tham gia vào chuỗi cung ứng”. |
Các DN hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Đồng Nai hiện tập trung nhiều vào lĩnh vực: điện tử, linh kiện điện tử, nguyên liệu phụ tùng, linh kiện kim loại cho sản xuất máy móc, công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, giày dép, nhựa, cao su...
Thực tế, phần lớn DN công nghiệp hỗ trợ là DN có quy mô nhỏ nên hầu hết đang phải vay vốn để đầu tư cho sản xuất. Do đó, có được nguồn vốn vay lãi suất là mong muốn rất lớn của nhiều DN, vì sẽ bớt được một khoản chi phí khá lớn để tái đầu tư nhà xưởng, máy móc.
Đơn cử như 1 DN công nghiệp hỗ trợ nhỏ phải vay khoảng 40 tỷ đồng để đầu tư một vài loại máy móc mới hiện đại, nếu vay vốn bình thường (khoảng 8-9%/năm) thì tiền lãi khoảng 3,2-3,6 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, nếu vay được vốn ưu đãi thì tiền lãi phải trả chỉ khoảng 2,6-2,8 tỷ đồng/năm (6,5-7%/năm), giảm được khoảng 600-800 triệu đồng. Với DN nhỏ thì đây sẽ là khoản chi phí có thể giúp giải quyết được nhiều việc.
Theo ông Phạm Quốc Bảo, Trưởng phòng Tổng hợp, nhân sự - kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, nguyên nhân khiến không nhiều DN hỗ trợ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi còn do nguồn vốn này chỉ cho vay ngắn hạn, dài nhất 12 tháng, trong khi nhu cầu của rất nhiều DN là vay trung - dài hạn, từ 3-5 năm nên nhiều DN ngại ngần.
* DN cần chủ động hơn
Theo thống kê, Đồng Nai hiện có 760 DN hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng thực tế khá ít DN biết được thông tin về nguồn vốn này để vay. Ông Mai Khanh, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa), cho hay: “Công ty đang phải vay vốn ngắn hạn để đầu tư máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, đáp ứng các đơn hàng lớn với lãi suất 8-8,5%/năm. Nếu tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp, như vậy sẽ giúp DN tăng thêm khả năng cạnh tranh”.
Công nhân Công ty TNHH Đại Á Thành (TP.Biên Hòa) đang sản xuất dây điện |
Công ty của ông Khanh chuyên sản xuất các thiết bị cho ngành điện tử, máy móc. Đây là lĩnh vực Chính phủ đang khuyến khích phát triển. Cũng theo ông Khanh, thời gian qua do chưa nắm được chính sách ưu đãi này nên DN ông không biết để vay.
Nhiều DN công nghiệp hỗ trợ khác tại Đồng Nai cũng cho biết họ... không nắm rõ chính sách ưu đãi này để tiếp cận. Ông Lê Trí Minh, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai, cho biết: “Chi hội có trên 30 thành viên, trong đó có khoảng 15 DN sản xuất linh kiện cung ứng cho DN nước ngoài. Các DN công nghiệp hỗ trợ chủ yếu là vừa và nhỏ rất cần nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư máy móc, nâng cấp sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ. Thế nhưng thời gian qua rất ít DN biết đến nguồn vốn vay ưu đãi trên”.
Theo đó, hầu hết các DN trong Chi hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng đang vay vốn ngắn hạn với lãi suất 8-9%/năm, cao hơn 1,5-2,5%/năm so với mức lãi suất từ nguồn vốn vay ưu đãi.
Thực tế, DN cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm và nắm rõ thông tin về các chính sách hỗ trợ vay vốn nói riêng cũng như các chính sách khác nói chung liên quan mật thiết tới sự phát triển của DN. Điều này ngoài việc giúp bản thân DN có sự hỗ trợ trực tiếp, còn là kênh phản ánh để Chính phủ và các bộ, ngành có thêm thông tin nhằm điều chỉnh các chính sách đi đúng hướng.
Hương Giang