Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh, chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Gần đây, một số chính sách mới của Hoa Kỳ nhằm bảo hộ hàng hóa trong nước khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu vào nước này bị hạn chế.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh, chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Gần đây, một số chính sách mới của Hoa Kỳ nhằm bảo hộ hàng hóa trong nước khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu vào nước này bị hạn chế.
Sản xuất gỗ tại Công ty cổ phần Nhất Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa). Doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường Hoa Kỳ vẫn tăng. |
Theo Sở Công thương, trong 4 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp Đồng Nai xuất khẩu vào Hoa Kỳ hơn 1,5 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, ở một số nhóm hàng kim ngạch xuất khẩu lại giảm mạnh là: sản phẩm gỗ, túi xách, ví, vali, mũ, dù, sắt thép các loại, cà phê, hạt tiêu, thủy sản...
* Xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm
Trong 30 nhóm mặt hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ có kim ngạch lớn thì có đến 10 mặt hàng có kim ngạch giảm như: hóa chất, xơ sợi dệt...
Trong 6 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ lớn nhất của Đồng Nai có 2 mặt hàng giảm. Trong đó, 2 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất là giày dép, dệt may vẫn giữ được mức tăng từ 4-10% so với cùng kỳ năm trước nhưng mức tăng chậm lại. |
Bà Phạm Thị Mỹ Duyên, Giám đốc Công ty TNHH Buwon ở Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom), cho biết: “Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nên các chính sách về nhập khẩu của nước này bị siết lại hoặc thay đổi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Để không lệ thuộc vào một vài thị trường, công ty mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa và các nước khác”.
Theo đại diện Công ty TNHH gỗ Hạnh Phúc (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa), Hoa Kỳ là nước nhập khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất của Đồng Nai. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường này gặp nhiều khó khăn vì giá nguyên liệu tăng cao, nhưng giá hàng bán ra không tăng. Do đó, nhiều doanh nghiệp không dám mở rộng sản xuất và nhận những đơn hàng lớn. Các doanh nghiệp ngành gỗ đang rất lo lắng nếu chính sách nhập khẩu mặt hàng này bị siết chặt nữa sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ vào Hoa Kỳ đạt gần 233 triệu USD, giảm trên 5 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, túi xách, ví, vali, mũ, dù giảm gần 10 triệu USD, cà phê giảm khoảng 4 triệu, thủy sản giảm 5 triệu USD...
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Gần đây, hệ thống pháp lý Hoa Kỳ đặt ra nhiều quy định chặt chẽ với hàng nhập khẩu. Ngoài quy định chung thì từng tiểu bang còn có những quy định riêng về tiêu chuẩn hàng hóa. Do đó doanh nghiệp Việt muốn đưa hàng hóa vào Hoa Kỳ và cụ thể là tiểu bang nào thì phải tìm hiểu luật, những quy định riêng của tiểu bang đó”. Ông Hải cũng nhấn mạnh, thời gian tới Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bảo hộ hàng hóa trong nước bằng cách ban hành các tiêu chuẩn, quy định mới phức tạp về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là với những mặt hàng nông - lâm - thủy hải sản.
* Tìm thêm thị trường mới
Theo các chuyên gia kinh tế, Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, song các doanh nghiệp không nên chỉ tập trung vào một số thị trường lớn như vậy vì khi xảy ra những biến cố bất ngờ mức độ rủi ro sẽ rất cao. Để tránh lệ thuộc vào một vài thị trường lớn, doanh nghiệp nên tìm cách mở rộng thị trường ra các nước khác, đặc biệt là những thị trường Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do để tăng sức cạnh tranh.
Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương, cho biết: “4 tháng đầu năm có nhiều mặt hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ giảm, nên trong xúc tiến thương mại ngoài giúp doanh nghiệp giữ vững thị trường truyền thống, tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường sang các nước khác để giảm bớt rủi ro vì lệ thuộc”. Hiện Đồng Nai đã xuất khẩu hàng hóa vào 171 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng thị trường lớn vẫn là: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu.
Theo ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, ngoài Hoa Kỳ các doanh nghiệp xuất khẩu của Đồng Nai cũng rất chú ý đến thị trường những nước có ký hiệp định thương mại với Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp rất cần thông tin liên quan đến những hiệp định thương mại tự do mới ký kết để mở rộng thị trường.
Khánh Minh