Báo Đồng Nai điện tử
En

Nên chuẩn bị tốt để đón CPTPP

08:04, 24/04/2018

Đầu năm 2019, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến có hiệu lực. Khi đó, có đến 90% các dòng thuế xuất khẩu sẽ về 0%. Để làm rõ hơn về những cơ hội, thách thức từ CPTPP, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Chung Khanh (ảnh), Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương).

Đầu năm 2019, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến có hiệu lực. Khi đó, có đến 90% các dòng thuế xuất khẩu sẽ về 0%. Để làm rõ hơn về những cơ hội, thách thức từ CPTPP, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Chung Khanh (ảnh), Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương).

Theo Bộ Công thương, 11 nước thành viên của CPTPP chiếm 13,5% thương mại toàn cầu, trong đó 10 nước thuộc CPTPP chiếm khoảng 15,4% thương mại với Việt Nam. Mức cam kết của CPTPP cao hơn so với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết.

* Một trong 4 FTA lớn nhất

 Là thành viên trong đoàn đàm phán, ông có thể cho biết vì sao CPTPP đàm phán và kết thúc nhanh như vậy?

- Vào tháng 1-2017, Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước còn lại tiếp tục các vòng đàm phán và quyết định sẽ nhanh đi đến thống nhất. Tháng 11-2017, tại APEC Việt Nam, các quốc gia còn lại trong TPP quyết định đổi tên thành CPTPP. Đến tháng 1-2018, các nước kết thúc đàm phán và tháng 3-2018, CPTPP được ký kết tại Chile.

Tuy không còn Hoa Kỳ, sức hấp dẫn của hiệp định có giảm nhưng đây vẫn là hiệp định lớn mang lại nhiều thuận lợi cho giao thương của các thành viên nên tất cả đều thống nhất nhanh chóng hoàn tất đàm phán và ký kết, sớm thông qua để thực hiện. Bởi CPTPP sẽ giúp cho tăng trưởng kinh tế của các thành viên trong khối tăng trưởng tốt hơn.

 Giữa CPTPP và TPP có những điểm khác biệt gì lớn?

- Do Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định nên các nước còn lại quyết định tạm hoãn 20 danh mục có liên quan trực tiếp đến quốc gia này, còn lại phần lớn các quy định đã đàm phán trước thì giữ nguyên. So với TPP thì CPTPP thoáng hơn trong các lĩnh vực: mua sắm chính phủ (còn gọi là mua sắm công), viễn thông, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường...

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, lợi ích CPTPP đem lại không bằng TPP nhưng Việt Nam vẫn quyết tâm tham gia vì về dài hạn sẽ có lợi rất nhiều do trong tương lai sẽ có nhiều quốc gia tham gia.

Để nắm bắt được những cơ hội, thách thức từ hiệp định này, các doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu kỹ thông tin về từng lĩnh vực mình đang đầu tư hoặc dự tính đầu tư để có sự chuẩn bị kịp thời nhằm hưởng các ưu đãi, vì thời gian chỉ còn gần 1 năm. Hàng hóa xuất khẩu vào 10 nước thành viên CPTPP phải đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đáp ứng các rào cản về kỹ thuật mới hưởng được thuế suất bằng 0%.

 Hoa Kỳ liệu có quay trở lại CPTPP?

- Đây là câu hỏi được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm vì Hoa Kỳ là thị trường xuất, nhập khẩu lớn của các nước trong CPTPP. Việc các nước thành viên cùng thống nhất hoãn thực thi lại 20 điều khoản là hy vọng Hoa Kỳ sẽ quay lại tham gia hiệp định. Đến thời điểm này, CPTPP là một trong 4 hiệp định thương mại lớn nhất trên toàn cầu.

 CPTPP có dự định mở rộng thêm với các quốc gia khác nữa không?

- Đây là hiệp định mở nên trong tương lai có thể sẽ có thêm các nước khác tham gia. Cụ thể, thời gian qua Anh, Thái Lan và một số nước khác cũng rất quan tâm tới CPTPP. Một số nước trong CPTPP hiện đang có nền kinh tế xếp trong tốp 20 nước dẫn đầu thế giới như: Nhật Bản, Canada, Mexico... nên tham gia CPTPP là cơ hội hấp dẫn.

* Hàng xuất khẩu của Việt Nam được lợi

 Xin ông cho biết lộ trình cắt giảm thuế xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào những nước thành viên CPTPP?

- Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, khoảng 78-95% dòng thuế xuất khẩu của Việt Nam vào các nước thành viên trong CPTPP được xóa bỏ hoàn toàn. Phần lớn những mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình giảm thuế trong 5-10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất bằng 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3-5 năm là: giày dép, dệt may, sản phẩm từ gỗ, cao su, điện tử... Trong đó, 3 quốc gia: Canada, New Zealand, Australia sẽ xóa bỏ thuế với trên 93% mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

 Cam kết cắt giảm thuế hàng của các nước trong CPTPP nhập khẩu vào Việt Nam thì ra sao, thưa ông?

- Lộ trình cắt giảm thuế hàng hóa từ các nước thành viên CPTPP vào Việt Nam chậm hơn. Cụ thể, sẽ có gần 66% các dòng thuế về 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, 85% dòng thuế nhập về 0% vào năm thứ 4 và 97,8% các dòng thuế được xóa bỏ vào năm thứ 11 và những mặt hàng còn lại sẽ xóa bỏ hết thuế vào năm thứ 16. Những mặt hàng Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế chậm là: ô tô, sắt thép, xăng dầu, thuốc lá, thịt heo, gà.

 Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều