Báo Đồng Nai điện tử
En

Người có tư duy toàn cầu là người biết quý trọng di sản riêng của dân tộc mình

10:03, 17/03/2017

Bà Nguyễn Phi Vân là thành viên sáng lập và phát triển của Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á; là thành viên sáng lập và điều hành Công ty Retail & Franchise Asia - đơn vị đại diện cho gần 1 ngàn thương hiệu quốc tế tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương,

Bà Nguyễn Phi Vân
Bà Nguyễn Phi Vân

Bà Nguyễn Phi Vân tốt nghiệp MBA tại Úc, là thành viên sáng lập và phát triển của Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, là thành viên sáng lập và điều hành Công ty Retail & Franchise Asia - đơn vị đại diện cho gần 1 ngàn thương hiệu quốc tế tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời đại diện cho nhiều thương hiệu châu Á phát triển ra thế giới. Bà cũng là thành viên hội đồng, cố vấn tổ chức các giám đốc marketing quốc tế CMO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thành viên hội đồng cố vấn phát triển thương hiệu quốc gia qua mô hình nhượng quyền cho Chính phủ Malaysia.

Năm 2015, bà được Tổ chức Bán lẻ và nhượng quyền châu Á trao tặng danh hiệu “Lãnh đạo xuất sắc” của ngành bán lẻ và nhượng quyền châu Á. Bà là tác giả của 3 cuốn sách xuất bản trong năm 2015 và 2016, bao gồm: Nhượng quyền khởi nghiệp - con đường ngắn để bước ra thế giới; quảy gánh băng đồng ra thế giới Sổ tay ra thế giới.

* Tôi chỉ tập trung làm điều mình mong muốn

 Sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài, khi quay lại môi trường Việt Nam, bà có phải “thích nghi lại” không? Những đổi thay của Việt Nam sau nhiều năm đem lại cho bà những suy nghĩ lạc quan hay bi quan?

- Khi thay đổi một môi trường, nhất là sau nhiều năm không sinh sống hay làm việc trong môi trường đó, ta đều cần phải “thích nghi lại”. Đây là chuyện hết sức bình thường, cũng giống như người ở tỉnh sau một thời gian sống và làm việc ở TP.Hồ Chí Minh, khi trở về quê cũng phải thích nghi trở lại vậy. Người hiểu biết về phong tục tập quán, mức độ phát triển của vùng miền, quốc gia và dễ thích nghi với môi trường mới sẽ thấy việc này hết sức bình thường. Người không dễ thích nghi hoặc có cái nhìn hạn hẹp theo định kiến của bản thân sẽ tỏ ra bực bội, khó chịu, hay phàn nàn, chê trách, nhất là khi phải thích nghi lại với hoàn cảnh Việt Nam sau khi sống và sinh hoạt tại các quốc gia phát triển hơn.

Vì là người dễ thích nghi và hiểu được quy luật của sự phát triển, tôi không tỏ ra lạc quan hay bi quan dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Hiểu và chấp nhận sự thật. Hiểu quy luật phát triển và tại sao ta nằm đâu trong quá trình phát triển đó cho ta một cái nhìn thoáng hơn, giúp ta đưa ra những lựa chọn và quyết định đúng đắn hơn, nhẹ nhàng hơn. Theo tôi, hoàn cảnh chỉ là một trong những thông tin, dữ liệu nền giúp ta lên kế hoạch hành động cho cuộc đời mình. Tôi không quan tâm đến lời khen tặng hay sự thị phi, phàn nàn của thế giới xung quanh. Tôi chỉ tập trung làm những điều mình mong muốn, những điều mình tâm huyết và những điều có thể giúp người.   

 Nhượng quyền thương hiệu là khái niệm không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Song với cách làm mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang áp dụng, bà thấy ổn và chưa ổn ở chỗ nào?

- Nhượng quyền là mô hình đã được minh chứng là hiệu quả nhất trong vòng 100 năm qua trên thế giới. Tuy nhiên tại Việt Nam, đây là mô hình khá mới. Nhượng quyền thật ra chỉ mới bắt đầu phát triển tại Việt Nam từ những năm 2009 khi một số thương hiệu ngoại bắt đầu thử nghiệm tại Việt Nam. Do đó, từ đây đến năm 2020, chúng ta sẽ tiếp tục nhìn thấy sự phát triển của ngành dựa trên chiều đổ vào của các thương hiệu nước ngoài, cả quốc tế và khu vực, nhất là từ các thị trường Bắc Á có chiều dài phát triển hơn Việt Nam. Đây là thời gian mà nhiều doanh nghiệp nội địa sẽ mua nhượng quyền, trải nghiệm hệ thống tại thị trường địa phương, rút ra được những kinh nghiệm thực tế trong ngành. Từ đó, doanh nghiệp sẽ học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm này ngược trở lại cho các mô hình và thương hiệu Việt.

Hiện tại, do hiểu biết và kinh nghiệm, trải nghiệm trong ngành còn rất ít, hầu hết các thương hiệu nhượng quyền Việt Nam vẫn chưa chuyên nghiệp và chưa xây dựng đủ nền tảng để phát triển vững bền.

 Bà từng chia sẻ, câu hỏi mình thường gặp là “Làm thế nào để ra thế giới nhanh nhất?”. Nhưng theo bà, doanh nghiệp Việt Nam  có thể “nhanh” đến mức nào và liệu rằng “nhanh” có phải là yếu tố chúng ta cần theo đuổi lúc này không khi nền tảng còn chưa vững?

- Người làm kinh doanh ai cũng mong muốn phát triển nhanh. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Nhanh là chuyện có thể đạt được nhưng cần phải theo quy luật bền vững của sự phát triển. Nếu có thể bình tĩnh, nằm gai nếm mật xây dựng nền tảng vững chắc trong vòng 6 tháng đến 1 năm, sau đó bung ra phát triển thật nhanh nhờ vào sự chuẩn mực của mô hình và thương hiệu, nhanh là điều cần thiết và nằm trong kế hoạch. Nếu vì lý do gì đó mà không hiểu tư duy dài hạn, tư duy bền vững, chỉ chăm chăm “ăn xổi ở thì”, lo cho lợi ích cá nhân, người ta có thể sử dụng mác nhượng quyền chỉ để thu những khoản lợi vụn vặt, ngắn hạn. Chính tư duy này sẽ làm cho mô hình và thương hiệu chết yểu, không có khả năng thành công tại Việt Nam, chưa nhắc đến khu vực hay thế giới.

Do đó, lời khuyên của tôi dành cho doanh nghiệp Việt là chậm ban đầu, bền vững về sau, hoặc đầu tư tìm cố vấn giỏi, có trải nghiệm thực tế trong ngành khi xây dựng và phát triển mô hình. Đừng làm sai rồi sửa. Tốc độ phát triển và tình hình kinh tế thị trường hiện nay không cho phép ta sai đâu sửa đó nữa. Sai có thể dẫn đến rủi ro, bị đào thải khỏi thị trường.

* Hãy trân trọng giá trị riêng

 Bà nghĩ gì về “dân tộc tính” - yếu tố có thể đẩy doanh nghiệp lên, cũng có thể dìm doanh nghiệp xuống trong một cuộc chơi kinh tế toàn cầu không?

- Người có tư duy toàn cầu nhất thật ra là người biết quý trọng di sản riêng của dân tộc mình nhất. Khi ta tư duy toàn cầu, ta hiểu rất rõ những giá trị nền tảng chung của nhân loại, nhưng ta cũng học cách tôn trọng và yêu quý những giá trị riêng của từng dân tộc. Điểm chung, ví dụ như sự tử tế là nền tảng để ta tương tác với mọi người dù họ là ai, từ đâu đến, thuộc nhóm xã hội hay sắc tộc nào. Thiếu nó, ta không chia sẻ giá trị chung, không có điểm tương đồng để kết nối và tương tác. Ngược lại, chính sự khác biệt, đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán... lại là chất xúc tác để những kết nối của ta trở nên phong phú hơn, ý nghĩa hơn, thú vị hơn. Thế giới sẽ vô cùng nhàm chán khi ai cũng giống ai. Nhưng thế giới sẽ rất cô đơn nếu con người không chia sẻ một số giá trị chung nào đó.

 Hiện tại, người ta bàn rất nhiều về khởi nghiệp. Theo bà, tại Việt Nam đã có môi trường khởi nghiệp tốt hay chưa? Với những doanh nghiệp tại các tỉnh như Đồng Nai hay Bình Dương thì điều kiện khởi nghiệp ngay tại địa phương có khó khăn không?

- Khởi nghiệp, theo tôi hiện tại là một phong trào, chưa có định hướng chung rõ ràng hay bền vững. Dù là quốc gia hay địa phương, tôi nghĩ là người lãnh đạo nên hiểu rất rõ điểm mạnh, điểm yếu của địa phương mình về ngành nghề, nguồn lực và chuỗi giá trị. Từ đó, cần phải có lộ trình định hướng doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung vào những ngành nghề thế mạnh nào, tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ khác nhau trong chuỗi cung ứng của ngành nghề thế mạnh ra sao, và định hướng phát triển chuỗi giá trị cho những ngành nghề đó thế nào. Khi có định hướng chung rõ ràng và có sự chuẩn bị nguồn lực hỗ trợ tương ứng, khởi nghiệp không bị giới hạn bởi vị trí địa lý. Ngày nay, kết nối là online. Tại Đồng Nai hay Bình Dương, bạn cũng có thể tham gia vào start-up toàn cầu.

 Nhìn nhận của bà về giới trẻ Việt Nam hiện tại? Họ có đang loay hoay trên con đường trở thành công dân toàn cầu và họ phải làm sao?

- Trong quá trình chia sẻ tại hơn 30 trường đại học Việt Nam về chủ đề công dân toàn cầu, tôi nhận thấy sinh viên Việt Nam - những người đại diện cho giới trẻ Việt Nam, còn rất mơ hồ về khái niệm này. Do khái niệm còn rất mới, các em rất cần được tiếp cận nhiều hơn với tư duy công dân toàn cầu bằng những con người thật, những câu chuyện thật để có thể bắt đầu định hướng cho cuộc đời mình. Ngoài ra, nhà trường và xã hội cần có những hoạt động đưa tư duy toàn cầu, kỹ năng công dân toàn cầu vào giáo trình, vào các hoạt động thanh niên để góp phần làm thay đổi tư duy, góp phần chuẩn bị hành trang cho các em bước ra thế giới, trở thành những doanh nhân hay những chuyên viên, lãnh đạo tầm khu vực và thế giới sau này.

 Xin cảm ơn bà!

Đối với tôi, hạnh phúc là được làm điều mình yêu thích, giúp được người khác và mang lại những thay đổi hay ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng và xã hội. Cố gắng để thành đạt cho cá nhân là thành đạt có giới hạn. Phấn đấu để mang lại lợi ích cho cả một cộng đồng, dù là cộng đồng trong một quốc gia hay xuyên biên giới, mới là di sản mà con người ai cũng muốn để lại cho thế giới này.

Kim Ngân (thực hiện)

Tin xem nhiều