Báo Đồng Nai điện tử
En

Hơn 40 năm nấu đường mía

09:02, 15/02/2017

Ông Lê Văn Mười (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) là chủ lò đường có thâm niên hơn 40 năm. Gia đình ông Mười có nghề nấu mía đường 3 đời, từ ông nội truyền lại cho cha và ông là đời thứ 3 theo nghề.

Ông Lê Văn Mười (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) là chủ lò đường có thâm niên hơn 40 năm. Gia đình ông Mười có nghề nấu mía đường 3 đời, từ ông nội truyền lại cho cha và ông là đời thứ 3 theo nghề. Theo ông Mười, lúc 9-10 tuổi, sau mỗi buổi học ông theo cha và ông nội ra đồng chăm sóc mía và đến mùa thì ban ngày chặt mía, ban đêm ép mía nhóm lò nấu đường. Vì thế, từ 15-16 tuổi, ông đã thông thạo tất cả mọi quy trình từ chọn giống trồng mía đến thu hoạch mía, ép mía và nấu thành các loại đường khác nhau. Lớn lên, ông Mười trở thành thợ nấu mía đường có tiếng trong vùng. Sau khi lập gia đình, ông được cha chia cho 1 hécta đất để trồng mía và chút vốn để mở một lò nấu đường. Vốn giỏi nghề cộng sự cần cù và đam mê, chẳng mấy chốc ông Mười xây dựng cho mình một cơ ngơi khang trang.

Ông Lê Văn Mười bên mẻ đường mới ra lò. Ảnh: H. Giang
Ông Lê Văn Mười bên mẻ đường mới ra lò. Ảnh: H. Giang

Ông Mười kể: “Ngày trước vào mùa nấu mía đường, các thợ chính mỗi đêm chỉ tranh thủ ngủ được 3-4 tiếng là nhiều. Quy trình nấu mía đường của các lò là ban ngày chặt mía, ban đêm thắp đèn ép mía, nấu đường. Các công đoạn hầu hết làm thủ công. Nhưng mấy năm trở lại đây, các cơ sở bớt vất vả vì đưa máy móc vào một số công đoạn nên không còn phải làm đêm”. Nghề ép mía làm đường có ở xã Bình Lợi từ rất lâu. Vào thời điểm thịnh nhất, xã Bình Lợi có đến hơn 30 lò nấu đường, nhưng hiện chỉ còn khoảng 3 lò vì đường thủ công dần không còn cạnh tranh được với đường công nghiệp. Nghề ép mía nấu đường bắt đầu từ tháng 11 kéo dài đến tháng 4 năm sau và khá vất vả so với những nghề khác.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề nấu mía đường, đến nay ông Mười đã có trong tay hơn 20 hécta đất chuyên trồng mía. “Khoảng 6-7 năm trở lại đây, lò nấu mía đường thủ công hầu như không còn cạnh tranh được với nhà máy, phải đóng cửa. Một lò đường nấu ra hơn 1 tấn đường/ngày, trừ chi phí chỉ còn lời 300-400 ngàn đồng, bằng công của một thợ chính. Với hơn 20 hécta đất, nếu chuyển sang trồng bưởi, sau vài năm có thể thu cả chục tỷ đồng mỗi năm. Song, vì nghề nấu mía đường gắn bó với gia đình tôi đã 3 đời nên không muốn bỏ” - ông Mười chia sẻ. Đường của lò ông Mười có mùi vị thơm ngon đặc biệt nên một công ty nước giải khát đã ký hợp đồng mua toàn bộ. Đó cũng là yếu tố thôi thúc ông giữ nghề dù nghề này đã qua “thời hoàng kim” từ lâu.

Hương Giang

Tin xem nhiều