Báo Đồng Nai điện tử
En

Xăng, dầu tăng giá: Doanh nghiệp vận tải như "ngồi trên lửa"

10:01, 09/01/2017

Năm 2016, liên bộ Tài chính - Công thương đã có 23 lần điều chỉnh giá xăng dầu với 10 lần giảm giá và 13 lần tăng. Giá xăng, dầu tăng khiến các hãng vận tải như "ngồi trên lửa".

Năm 2016, liên bộ Tài chính - Công thương đã có 23 lần điều chỉnh giá xăng dầu với 10 lần giảm giá và 13 lần tăng. Thời điểm tăng giá mạnh nhất diễn ra vào cuối năm 2016. Giá xăng, dầu tăng khiến các hãng vận tải như “ngồi trên lửa”.

Bốc dỡ hàng tại Cảng Gò Dầu (huyện Long Thành).
Bốc dỡ hàng tại Cảng Gò Dầu (huyện Long Thành).

Ở thời điểm giáp Tết Nguyên đán 2017, lượng hàng hóa cần lưu thông mạnh mẽ, song giá xăng dầu lại tăng đã gây áp lực không nhỏ cho ngành vận tải. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, do đó sẽ có những tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.

Vận tải giảm lãi

Ông Đặng Văn Điềm, Giám đốc Công ty TNHH Thông Quan (TP.Biên Hòa), doanh nghiệp vận tải hàng hóa, cho hay với mức giá xăng dầu như hiện nay, doanh nghiệp vận tải đang giảm lãi mạnh. Ông Điềm tính toán, một chiếc xe đầu kéo container hiện tại chạy 100km phải bù thêm gần 300 ngàn đồng so với thời điểm tháng 2-2016. Ông Điềm ngao ngán nói: “Từ đầu năm đến cuối năm 2016, chi phí vận chuyển chỉ tính tiền dầu đã tăng lên 40%, trong khi đó giá cước vẫn giữ nguyên, doanh nghiệp vận tải gần như không còn lãi”.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thành, chủ của 6 chiếc xe tải ở phường Tân Biên, TP.Biên Hòa, cho biết hiện tại nhà xe đang ăn vào tiền duy tu bảo dưỡng vì giá xăng, dầu cao đã chiếm hết lãi. Ông Thành cũng cho hay, hiện nay ông rất cân nhắc việc nhận chở các chuyến hàng đường dài vì phát sinh nhiều chi phí phụ sẽ khó kiểm soát được, rất dễ bị lỗ. Sau Tết Nguyên đán, xe của ông Thành thường nhận chở hàng cho một số doanh nghiệp chế biến hạt điều từ tỉnh Bình Phước ra tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, với mức giá dầu như hiện nay, ông Thành sẽ phải xem xét lại giá cước vận chuyển.

Theo nhiều chủ doanh nghiệp, việc điều chỉnh tăng mạnh giá xăng dầu thời điểm này sẽ có tác động đến giá cả hàng hóa cuối năm khi nhu cầu mua sắm đang tăng. Tính toán của các nhà xe cho thấy, giá dầu cứ tăng 1 ngàn đồng/lít thì chi phí tăng thêm khoảng 5%. Đây là lý do khiến doanh nghiệp rất khó để cầm cự để không tăng thêm cước vận chuyển.

Cố giữ giá cước

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát (doanh nghiệp hoạt động trong ngành logistics tại TP.Biên Hòa), hiện tại giá cước vận chuyển được các doanh nghiệp cố giữ, chưa dám tăng do phải cạnh tranh rất gay gắt. Ông Hưng cho biết, các doanh nghiệp vận tải dùng giá để cạnh tranh nên rất áp lực mỗi khi giá xăng, dầu tăng, thời điểm này chưa thể tăng cước vận chuyển vì phải giữ khách hàng.

Giám đốc một công ty vận tải ở phường Long Bình
(TP.Biên Hòa) cũng cho biết công ty ông đang đề xuất với đối tác tăng cước để bù cho giá dầu lên, tuy nhiên 2 bên vẫn chưa thống nhất được. Giám đốc công ty này cho rằng cước vận chuyển hàng hóa hiện phải tăng thêm khoảng 5% mới đảm bảo cho hoạt động. Ông Đặng Văn Điềm cũng cho biết thêm, việc tăng cước vận chuyển ở các doanh nghiệp chuyên giao nhận hàng xuất nhập khẩu như công ty ông không hề dễ dàng bởi hàng xuất khẩu giá đang ở mức thấp, nên các nhà sản xuất rất khó chấp nhận tăng giá cước, vẫn phải chấp nhận chia sẻ khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng nếu giá xăng, dầu tiếp tục tăng thì giá cước vận chuyển sẽ buộc phải điều chỉnh. Các chuyên gia kinh tế phân tích, giá xăng, dầu tăng đang tác động đến chi phí đầu vào của vận chuyển. Như vậy, một khi cước vận chuyển tăng sẽ kéo theo giá hàng hóa tăng lên, tác động đến sản xuất và mặt bằng chung về giá cả thị trường. 

Vân Nam

Tin xem nhiều