Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo đột phá để phát triển kinh tế

10:12, 28/12/2016

Ngày 28-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước để triển khai nhiệm vụ, kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017.

Ngày 28-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước để triển khai nhiệm vụ, kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ.

Năm 2016, đất nước đối mặt với nhiều khó khăn nhưng kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát. Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, trong năm 2016 tăng trưởng GDP cả nước đạt hơn 6,2%, thu ngân sách tăng, lãi suất giảm, thị trường vàng và ngoại tệ ổn định. Trong bối cảnh thương mại thế giới giảm mạnh, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng 8%, xuất siêu gần 3 tỷ USD. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 15,8 tỷ USD - mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Nhiều chỉ tiêu tăng cao

Không đi thăm, tặng quà lãnh đạo trong dịp tết

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tết này các đồng chí ở miền Nam và miền Bắc không phải đi thăm Thủ tướng, Phó thủ tướng. “Thực tế ở nhiều địa phương cứ đến tết là lo ngay ngáy quà tết biếu Trung ương. Không đến thì băn khoăn, tới thì xếp hàng rất khổ cực. Làm được vấn đề này thì nhẹ nhàng cho các địa phương và cũng tránh được tình trạng làm hóa đơn, chứng từ để trí trá” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Thủ tướng cũng yêu cầu khi Thủ tướng, các Phó thủ tướng xuống địa phương nên tiếp đón đơn giản, không phải cử đoàn xe đưa đón rầm rộ, sống giản dị để gần dân hơn.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong năm 2016 trên lĩnh vực kinh tế - xã hội có 10 kết quả nổi bật, cụ thể: huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 32,5% GDP, 110 ngàn doanh nghiệp thành lập mới, thu hút hơn 10 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam... Các lĩnh vực an sinh xã hội, xây dựng pháp luật, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường được chỉ đạo quyết liệt, kịp thời giải quyết những vấn đề người dân bức xúc.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế là: ngành khai khoáng giảm mạnh, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn và sự cố môi trường biển tại miền Trung; vẫn còn để xảy ra một số dự án cả ngàn tỷ đồng bị thua lỗ; xếp hạng quốc tế về đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Năm 2016, Việt Nam đạt được nhiều kết quả toàn diện về kinh tế -  xã hội, an ninh - quốc phòng và hội nhập quốc tế. Tăng trưởng GDP cả năm hơn 6,2%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Cổ phần hóa và thoái vốn 52 doanh nghiệp, thu về hơn 7 ngàn tỷ đồng. Niềm tin vào thị trường tăng lên, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, an ninh chính trị được giữ vững... là những yếu tố quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong năm 2017”.

Cần giải pháp để phát triển

Chăm sóc hoa ở huyện Thống Nhất chuẩn bị phục vụ tết. Ảnh: Nguyễn Văn Hòa
Chăm sóc hoa ở huyện Thống Nhất chuẩn bị phục vụ tết. Ảnh: Nguyễn Văn Hòa

Cũng tại hội nghị trực tuyến, Chính phủ đã đưa ra 10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu  để phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2017. Trong đó, có 3 chỉ tiêu quan trọng nhất là GDP đạt 6,7%, lạm phát bình quân ở mức 4% và thu ngân sách phải đảm bảo chỉ tiêu ở cả Trung ương lẫn địa phương.

Về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các bộ trong tổ điều hành kinh tế vĩ mô phải theo dõi sát diễn biến, cập nhật nhanh tình hình các đối tác kinh tế lớn để có phản ứng chính sách phù hợp. Ngân hàng Nhà nước chủ động, linh hoạt trong điều chỉnh chính sách, tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng; lưu ý ổn định lãi suất trong năm 2017, cố gắng giảm lãi suất trung, dài hạn, quản lý thị trường vàng, ngoại tệ hiệu quả. Trong năm 2017, tiết kiệm chi tiêu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư ngân sách ngay từ đầu năm.

Chính phủ sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế;  đồng thời ưu tiên hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể để chuyển thành doanh nghiệp. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Trong năm 2017, các bộ phải có những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đổi mới khoa học - công nghệ, chú trọng đến sản xuất chế biến sâu, xuất khẩu và tiêu thụ thị trường nội địa”.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua có những thay đổi, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thế nhưng, chỉ số về môi trường kinh doanh vẫn xếp mức trung bình. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), xếp hạng trong 3 năm (2014-2016) của Việt Nam là 82. Song vẫn còn một số tiêu chí bị đánh giá thấp là: khởi sự kinh doanh đứng thứ 121; thuế, bảo hiểm xếp thứ 167; giải quyết tranh chấp, phá sản là 125. “Để lọt vào ASEAN-6 Việt Nam phải tiến tới vị trí xếp hạng 56, còn nếu vào được ASEAN-4 thì phải đứng thứ 43 thế giới” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Muốn nâng hạng, các bộ, ngành phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, bỏ bớt những thủ tục gây phiền hà. Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, bản chất của việc cải thiện môi trường kinh doanh là vấn đề cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bức xúc nhưng ngại kiến nghị vì sợ lộ danh tính dẫn đến bị định kiến. Do đó, cần có cơ chế tiếp thu kiến nghị nhưng giữ kín danh tính của doanh nghiệp ở bên dưới.

Đồng Nai kiến nghị 8 vấn đề

Tại đầu cầu Đồng Nai, tham dự có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, các phó chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành, địa phương.

Trong năm 2016, kinh tế của Đồng Nai tiếp tục phát triển đúng định hướng. So với cùng kỳ, giá trị sản xuất, kinh doanh các ngành, lĩnh vực đều tăng. Hầu hết các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đều tăng cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước. Tỉnh có 23/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Dù xuất khẩu không đạt kế hoạch, nhưng năm 2016 lại là năm đạt kỷ lục về xuất siêu với hơn 2 tỷ USD, bằng 2/3 xuất siêu của cả nước. Thu ngân sách trên địa bàn Đồng Nai năm 2016 là gần 43 ngàn tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm trước và tỉnh thành lập mới trên 3 ngàn doanh nghiệp. Toàn tỉnh có 103/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đồng Nai kiến nghị Chính phủ 8 vấn đề chính, là: xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, kéo dài tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên về Đồng Nai, kinh phí xử phạt an toàn giao thông, xây dựng nhà ở xã hội, cơ chế vốn đầu tư dự án cải tạo môi trường nước...

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đề xuất: “Chính phủ cho chủ trương về cơ chế đặc thù trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và trong năm 2017 cần bố trí trước 1 ngàn tỷ đồng cho công tác này. Đề nghị kéo dài tuyến metro số 1 từ Suối Tiên đến ngã tư Vũng Tàu với chiều dài tuyến khoảng 4,7km. Tỉnh đã bố trí sẵn hành lang để triển khai dự án nên rất thuận lợi cho việc xây dựng”. Cũng theo ông Đinh Quốc Thái, tỉnh đề xuất cho quy đổi quỹ đất làm nhà ở xã hội ở một số dự án không có nhu cầu về nhà ở xã hội để đầu tư những khu vực có nhu cầu lớn. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng chấp thuận và yêu cầu dự án nào cần quy đổi thì kiến nghị trực tiếp với Chính phủ.

Ngăn chặn lợi ích nhóm, “sân sau”

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, trong dự thảo Chính phủ đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp, lưu ý các địa phương phải rà soát thực thi quyền lực phải công khai, minh bạch góp phần xóa bỏ tiêu cực trong cơ chế xin - cho, duyệt - cấp để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lợi ích nhóm và “sân sau” nhằm trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, khoáng sản, thuế, hải quan, quản lý sử dụng biên chế...

Hương Giang

 

 

 

 

Tin xem nhiều