Trên thị trường hiện đang bán khoảng 11 ngàn loại phân bón. Chủng loại quá lớn khiến đơn vị quản lý "quá tải", nông dân bất an vì khó phân biệt được thật, giả, kém chất lượng...
Trên thị trường hiện đang bán khoảng 11 ngàn loại phân bón. Chủng loại quá lớn khiến đơn vị quản lý “quá tải”, nông dân bất an vì khó phân biệt được thật, giả, kém chất lượng. Đặc biệt, khi phát hiện ra phân bón giả hoặc kém chất lượng thì mọi việc đã trễ, cây trồng bị ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất.
Một đại lý phân bón uy tín ở huyện Vĩnh Cửu được nhiều người lựa chọn. |
Tréo ngoe là hiện chất lượng phân bón hữu cơ do ngành nông nghiệp quản lý, phân bón vô cơ do ngành công thương quản lý. Tuy nhiên, với số loại phân bón khổng lồ như trên thì cả 2 ngành đều khó kiểm tra, quản lý chặt được chất lượng. Tại Đồng Nai, hiện có khoảng 521 cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón hữu cơ, vô cơ và chỉ kiểm tra được hơn 20% số đó.
Cứ kiểm tra là vi phạm
Số cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ tại Đồng Nai khá nhiều, song do lực lượng chuyên ngành ít, chỉ kiểm tra được 1 đợt/năm. Mỗi địa phương, lực lượng thanh tra chỉ chọn ra 3-5 cơ sở để kiểm tra về chất lượng, điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố tiêu chuẩn, áp dụng hợp quy và quy chế ghi nhãn hàng hóa. Phía Chi cục Trồng trọt - bảo vệ thực vật tỉnh hiện cũng chỉ có 2 công chức thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành về phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, việc quản lý chất lượng phân bón hữu cơ trên thị trường Đồng Nai không dễ, tình trạng vi phạm về chất lượng xảy ra thường xuyên.
Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - bảo vệ thực vật Đồng Nai, cho biết: “Đồng Nai là tỉnh có diện tích nông nghiệp lớn, cơ cấu cây trồng đa dạng nên nhu cầu về các sản phẩm phân bón rất lớn. Trong tỉnh có rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, nhưng lực lượng thanh tra chuyên ngành lại quá mỏng nên việc quản lý chất lượng rất khó khăn. Quản lý phân bón được chia cho 2 ngành, gây khó khăn trong thanh tra, kiểm tra vì số đông các cơ sở thường sản xuất, kinh doanh cả phân vô cơ và hữu cơ”. Cũng theo ông Sinh, trong 10 tháng của năm 2016, ngành nông nghiệp kiểm tra 66 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ và lấy 50 mẫu để kiểm tra chất lượng thì phát hiện 9 mẫu phân bón giả, 5 mẫu không phù hợp với tiêu chuẩn công bố và 1 mẫu hết hạn sử dụng.
Quản lý phân bón vô cơ tại Đồng Nai do Sở Công thương chủ trì cũng rơi vào tình trạng “quá tải”. Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai là đơn vị được giao trực tiếp kiểm tra chất lượng phân bón. Với lực lượng có hạn và phải kiểm tra, kiểm soát hàng ngàn mặt hàng khác nhau thì siết chặt về chất lượng của trên 7 ngàn loại phân bón vô cơ khác nhau là điều không dễ.
Ông Huỳnh Kim Hóa, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai, cho hay: “Lực lượng quản lý thị trường chỉ kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón khi có nghi vấn vi phạm. Trong 10 tháng của năm 2016, đơn vị kiểm tra 69 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ thì phát hiện tất cả đều vi phạm, trong đó có 5 vụ sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng với số lượng lớn”. Ngay cả một vài doanh nghiệp lớn có tên tuổi trên thị trường cũng phát hiện sản xuất phân bón giả, kém chất lượng.
Mua bằng… niềm tin
Theo các đơn vị quản lý về chất lượng phân bón hữu cơ, vô cơ thì việc phân biệt phân bón giả, kém chất lượng phải lấy mẫu để phân tích mới biết chính xác. Còn kiểm tra bình thường chỉ phát hiện các sai phạm, như: ghi nhãn hàng hóa, công bố tiêu chuẩn chất lượng, có được cấp phép sản xuất hay không?... Hiện lực lượng chức năng cũng rất khó phân biệt được phân bón giả, kém chất lượng nên nông dân gần như phải đặt cả niềm tin vào đại lý bán hàng.
Ông Đặng Bá Hồng (ấp Cây Điều, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) chia sẻ: “Tôi trồng gần 10 hécta tiêu nên sử dụng khá nhiều phân bón vô cơ, hữu cơ. Để hạn chế phân bón giả, kém chất lượng, phân hữu cơ, tôi tự ủ rồi bón cho cây; còn phân vô cơ mua phân đơn của những thương hiệu nổi tiếng về phối trộn”. Thực tế qua kiểm tra, ngay cả những doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn cũng vi phạm về chất lượng. Mới đây nhất, hàng trăm nông dân bức xúc khi lực lượng quản lý thị trường phát hiện ra 22 bao phân đạm hạt vàng Con Cò Vàng 463A+ của Công ty TNHH Con Cò Vàng giả. Và câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu bao phân bón giả, kém chất lượng đang được bán trên thị trường mà nông dân đã mua phải và sử dụng?
“Chủng loại phân bón trên thị trường quá nhiều, cái nào cũng quảng cáo hay khiến nông dân rất khó phân biệt hàng thật, giả, kém chất lượng. Hiện hợp tác xã khuyến cáo nông dân chỉ dùng những phân bón của các doanh nghiệp có thương hiệu và uy tín trên thị trường” - ông Trần Quang, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (huyện Xuân Lộc), nói. Theo ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - bảo vệ thực vật Đồng Nai, nông dân nên mua phân bón của các công ty có uy tín trên thị trường, không nên lựa chọn các loại phân có giá thành thấp hơn mặt bằng chung quá nhiều; đồng thời mua phân bón từ các cửa hàng, đại lý uy tín, có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chất lượng phân bón, yêu cầu cửa hàng, đại lý xuất hóa đơn khi mua hàng để khi có nghi vấn về chất lượng báo ngay với lực lượng chức năng để kiểm tra xử lý.
Hương Giang