Báo Đồng Nai điện tử
En

Máy nông nghiệp Việt thất thế

10:07, 10/07/2016

Thị trường máy móc, thiết bị nông nghiệp nhập khẩu hiện ngày càng đa dạng khi có thêm sự góp mặt của nhiều nước thuộc khu vực lân cận, như: Thái Lan, Campuchia, không còn tập trung chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... như trước.

Thị trường máy móc, thiết bị nông nghiệp nhập khẩu hiện ngày càng đa dạng khi có thêm sự góp mặt của nhiều nước thuộc khu vực lân cận, như: Thái Lan, Campuchia, không còn tập trung chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... như trước.

Thị trường máy móc, thiết bị cũ vẫn được bày bán tràn lan thiếu sự quản lý về chất lượng.  Trong ảnh: Cửa hàng kinh doanh máy nông nghiệp cũ tại TP.Biên Hòa.
Thị trường máy móc, thiết bị cũ vẫn được bày bán tràn lan thiếu sự quản lý về chất lượng. Trong ảnh: Cửa hàng kinh doanh máy nông nghiệp cũ tại TP.Biên Hòa.

Trong khi đó, dù có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngành cơ khí nông nghiệp phát triển, nhưng máy móc nội địa mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% thị trường với chủng loại máy nghèo nàn, lạc hậu.

* Ưu đãi vốn, máy nội vẫn ế

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 2-2016, tổng doanh số cho vay theo các Nghị định 63, 65 và 68 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp là 5,3 ngàn tỷ đồng. Có khoảng 20,5 ngàn lượt khách hàng đã vay vốn theo chính sách này. Con số này không lớn so với nhu cầu thực tế của nông dân, nhưng đã được cải thiện rất nhiều sau khi được bổ sung thêm Nghị định 68 là nông dân mua máy móc, thiết bị  nông nghiệp nhập khẩu cũng được vay vốn ưu đãi. Nguyên nhân chính vì thị trường máy móc, thiết bị nông nghiệp nội địa quá nghèo nàn, lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân nên dù có chính sách ưu đãi vốn mua sản phẩm vẫn không tạo được sự chuyển biến của thị trường.

Chủ cửa hàng kinh doanh các loại máy móc, thiết bị Vũ Loan (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) nhận xét, tại cửa hàng hiện chỉ bán 1 nhãn hàng máy nông nghiệp Việt nhưng tiêu thụ rất chậm, còn lại là sản phẩm của Trung Quốc, Nhật Bản... Hiện nay, hàng nhập từ Thái Lan, Campuchia... cũng bắt đầu được người tiêu dùng biết đến nhiều, sản phẩm cũng đa dạng hơn trước. Người chủ cửa hàng này cho biết thêm: “Máy móc nông nghiệp Việt ít chủng loại giá cao hơn từ 15-20% so với hàng Trung Quốc nên khó cạnh tranh; hàng Việt cũng không có ưu thế về chất lượng nên so với các nhãn hàng nhập từ các nước lân cận mới tham gia thị trường sau này cũng không được khách chuộng bằng”.

Tại hội nghị toàn quốc “Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp” vừa tổ chức tại Đồng Nai, ông Lê Huy Bích, Trưởng khoa Cơ khí - công nghệ Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh, đặt câu hỏi: “Tại sao máy gặt đập liên hợp của Việt Nam chỉ 300 triệu đồng dân không mua, mà lại chọn máy Nhật Bản có giá gấp đôi là 600 triệu đồng? Thực tế, do máy nội địa nhanh hư hỏng và thường không có phụ tùng thay thế, trong ngày mùa nông dân phải mất rất nhiều thời gian để tìm thợ sửa máy”.

* Quản lý còn nhiều kẽ hở

Thị trường máy nông nghiệp ngày càng đa dạng, nông dân có nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm với giá cạnh tranh nhất. Nhưng điều này cũng đặt ra vấn đề cần phải siết chặt khâu quản lý. Đại diện Công ty TNHH Kubota Việt Nam (tỉnh Bình Dương) chia sẻ: “Theo khảo sát của doanh nghiệp từ đầu năm 2015 đến nay có cả ngàn máy nông nghiệp, chủ yếu là máy gặt đập liên hợp từ Campuchia tràn về, không có tem bảo hành, không có hướng dẫn bằng tiếng Việt... Chúng tôi đã nhiều lần gửi kiến nghị đến các cơ quan quản lý thị trường, nhưng tình trạng sản phẩm nhập khẩu không tem nhãn vẫn bán tràn lan ngoài thị trường. Mong các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn, vì trình trạng này đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước”.

Vấn đề quản lý thị trường sản phẩm máy móc, thiết bị nông nghiệp không chỉ là nỗi lo của doanh nghiệp mà các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực này cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị cần thay đổi. Hiện thị trường máy nông nghiệp Việt Nam rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, xuất xứ mà không qua khảo nghiệm, giám định chất lượng bởi bất kỳ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào. Không ít chuyên gia trong lãnh vực cơ khí nông nghiệp lo ngại Việt Nam sẽ thành bãi chứa rác thải vì hiện các loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được nhập khẩu về rất nhiều, bán tràn lan ngoài thị trường mà thiếu sự kiểm soát về chất lượng.

Theo báo cáo của Trung tâm giám định máy và thiết bị (Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch), do đặc thù của sản xuất nông nghiệp là từng nước, từng vùng, từng địa phương có các điều kiện đất đai, cây trồng, khí hậu, điều kiện canh tác... rất khác nhau dẫn đến điều kiện làm việc và đối tượng tác động của các máy móc, thiết bị cơ điện nông nghiệp không giống nhau. Việc khảo nghiệm, giám định chất lượng để có cơ sở khoa học lựa chọn được công nghệ và thiết bị tiên tiến đưa vào thực tiễn sản xuất bảo đảm tính phù hợp và có hiệu quả là rất cần thiết. Nhưng trong thực tế, tất cả các mẫu máy nông nghiệp có thể tự do chế tạo và nhập về miễn là cơ sở có chức năng và kinh phí.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều