Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhơn Trạch đạt huyện nông thôn mới: Khơi dậy sức dân

11:06, 15/06/2016

Trong giai đoạn 2011-2015, Nhơn Trạch đã huy động gần 11 ngàn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn xã hội hóa chiếm tỷ lệ trên 77%. Đạt được điều này là nhờ ngay từ khi mới bắt đầu triển khai chương trình, huyện đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động để huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia phong trào.

Trong giai đoạn 2011-2015, Nhơn Trạch đã huy động gần 11 ngàn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn xã hội hóa chiếm tỷ lệ trên 77%. Đạt được điều này là nhờ ngay từ khi mới bắt đầu triển khai chương trình, huyện đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động để huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia phong trào.

Mô hình trồng rau cho thu nhập cao của nông dân xã Phước An.
Mô hình trồng rau cho thu nhập cao của nông dân xã Phước An.

Tiếp tục huy động sức dân cũng là giải pháp hàng đầu của địa phương trong xây dựng hậu nông thôn mới.

 * Đổi mới từ nhận thức

Trong định hướng phát triển thành thành phố loại II đến năm 2020, Đảng bộ, chính quyền huyện Nhơn Trạch luôn đặt nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở vị trí chiến lược, là cơ sở để phát triển bền vững. Xác định đầu tư cho hạ tầng, như: đường, trường học, y tế...là yếu tố quan trọng để đổi mới bộ mặt nông thôn và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân, huyện đã bằng nhiều giải pháp tích cực huy động các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa.

Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới được thực hiện một cách sâu rộng đến từng tổ dân, hộ gia đình với nhiều hình thức đa dạng. Theo đó, thu hút được cả doanh nghiệp và  đông đảo nông dân đóng góp. Cụ thể, như: Công ty TNHH Hwaseung Vina hỗ trợ cả chục tỷ đồng xây dựng trường mầm non, phòng khám nhân đạo; hỗ trợ trang thiết bị cho bệnh viện huyện và trạm y tế xã; hàng năm đóng góp khoảng 500 triệu đồng cho hoạt động từ thiện, hiếu  máu nhân đạo. Công ty TNHH dệt may Eclat Việt Nam hỗ trợ 5 tỷ đồng xây dựng trường mầm non. Công ty TNHH Hyosung Việt Nam hỗ trợ trên 2 tỷ đồng mua máy tính, làm thư viện, xây bếp ăn...

Với phương châm người dân có khá, có giàu thì mới có điều kiện đóng góp xây dựng nông thôn mới, huyện đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng nông nghiệp phục vụ phát triển đô thị và sản xuất hàng hóa. Kết quả, tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân hàng năm của huyện đạt trên 4%. Về cơ bản, huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp mang tính tập trung; giá trị sản xuất đạt 115 triệu đồng/hécta/năm; cá biệt có một số diện tích cây trồng có giá trị thu nhập từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/hécta. Đời sống dân cư nông thôn có bước cải thiện rõ nét với thu nhập bình quân đầu người đạt 38,5 triệu đồng/người/năm.

Ngoài ra, rất nhiều gương cá nhân là nông dân đã hiến đất, hiến công, hiến của trong xây dựng nông thôn mới.  Ông Lang Văn Út, Bí thư Đảng ủy xã Phú Hội, cho biết: “Công tác tuyên truyền, vận động sát sườn với cuộc sống của người dân, hợp lòng dân nên họ rất đồng tình, ủng hộ. Chúng tôi cũng liệu cơm gắp mắm, lấy sức dân là chính, người có đất hiến đất, người góp của, người bỏ công cùng làm nên các tuyến đường vào ngõ xóm đều được làm rất chắc chắn, chất lượng”. Không chỉ bê tông hóa, nhựa hóa mở rộng các tuyến đường vào tận ngõ, xóm, các ấp trong toàn xã đều có các tuyến điểm sáng - xanh - sạch - đẹp, đường được trồng hoa, thắp sáng từ công sức đóng góp của dân và chính người dân bỏ công hàng ngày quét rác, dọn cỏ để các tuyến đường luôn sạch, đẹp. 

 Kết quả, 5 năm qua huyện đã đầu tư bê tông hóa, nhựa hóa gần 107km đường; 100% các tuyến đường huyện, xã quản lý, đường trục ấp, ngõ xóm, đường nội đồng đều đạt chuẩn. Đến nay, điện lưới quốc gia đã phủ kín đến các khu dân cư, khu sản xuất tập trung của các xã. Tỷ lệ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt tỷ lệ trên 99,8%. Hệ thống trường học, y tế không ngừng được đầu tư, củng cố. Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển rộng khắp các xã trên địa bàn. Nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp trên 16 ngàn căn nhà, căn hộ. Ngoài ra, Ban vận động vì người nghèo huyện, xã đã vận động xây dựng, sửa chữa 325 căn nhà tình thương cho người nghèo.

 * Sẵn sàng hậu nông thôn mới

Trong giai đoạn hậu nông thôn mới, địa phương vẫn đặt công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu. UBND các xã đều định kỳ 2 tuần/lần tổ chức ra quân phát động phong trào bảo vệ môi trường, trồng cây xanh trên địa bàn xã, tại các tuyến đường giao thông, khu công cộng; làm việc với các chủ xe đưa rước công nhân và các nhà máy sản xuất trên địa bàn huyện vận động không vứt rác bừa bãi... Nhờ đó tình hình vứt rác bừa bãi đã giảm rõ, nhiều hộ gia đình có ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường, tham gia trồng, chăm sóc cây xanh, hoa cảnh tại khuôn viên, đầu ngõ.

Huyện đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, huy động các ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã cùng nhân dân trên địa bàn thực hiện tạo cảnh quang đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp. Đến nay,  hàng chục tuyến đường ngõ ấp, ngõ xóm vào các xã đều được lắp hệ thống đèn chiếu sáng do kinh phí của người dân đóng góp; nhiều tuyến đường triển khai thực hiện đường hoa, và các mô hình này đang được người dân tích cực nhân rộng theo chuẩn sáng - xanh - sạch - đẹp.

Bình Nguyên

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều