Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng Việt lo giữ sân nhà

12:03, 26/03/2016

Gần đây, hàng ngoại tràn vào Việt Nam khá nhiều, trong đó hàng Việt chịu sự cạnh tranh gay gắt nhất là hàng đến từ các nước: Thái Lan, Malaysia, Indonesia,... Cuộc chiến giành thị phần của hàng Việt sẽ còn khốc liệt hơn khi các nhà đầu tư Thái mua lại các tập đoàn bán lẻ lớn tại Việt Nam.

Gần đây, hàng ngoại tràn vào Việt Nam khá nhiều, trong đó hàng Việt chịu sự cạnh tranh gay gắt nhất là hàng đến từ các nước: Thái Lan, Malaysia, Indonesia,... Cuộc chiến giành thị phần của hàng Việt sẽ còn khốc liệt hơn khi các nhà đầu tư Thái mua lại các tập đoàn bán lẻ lớn tại Việt Nam.

Trái cây nhập khẩu bày bán tại Lotte Mart Biên Hòa.
Trái cây nhập khẩu bày bán tại Lotte Mart Biên Hòa.

Dù đại diện các siêu thị, trung tâm mua sắm tại Đồng Nai đều khẳng định hàng Việt vẫn chiếm thị phần từ 85-90% trong hàng hóa trưng bày, nhưng khảo sát thực tế cho thấy hàng ngoại đã xuất hiện trên kệ tại các siêu thị, trung tâm mua sắm và cả các đại lý, sạp hàng ngoài chợ ngày một nhiều hơn.

* Nhiều mặt hàng bị lấn sân

Hàng ngoại tràn vào thị trường Việt Nam đến từ nhiều quốc gia, như: Pháp, Chile, Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Song hàng đến từ các quốc gia trên hầu hết là những mặt hàng Việt Nam ít có, mẫu mã chưa đa dạng và đối tượng nhắm đến hầu hết là khách hàng có thu nhập cao. Tuy nhiên, hàng ngoại đến từ các nước trong khối ASEAN lại phần lớn là những mặt hàng Việt Nam đang sản xuất nhiều. Cùng mặt hàng, giá lại cạnh tranh nên một số mặt hàng ngoại đã bắt đầu lấn sân hàng Việt từ các siêu thị đến đại lý và sạp ngoài chợ truyền thống. Cụ thể, là mặt hàng nước giải khát từ trái cây, mỹ phẩm, điện máy, đồ gia dụng.

Chị Lê Thanh Hà, phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa), cho hay: “Mới đây tôi có tìm mua một chiếc tủ lạnh mới, đảo một vòng một số trung tâm điện máy lớn của Biên Hòa thấy hàng phần lớn có xuất xứ từ Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Hàng Việt cũng có nhưng không nhiều. Cùng một thương hiệu, mặt hàng, nhưng hàng đến từ Thái Lan giá có phần mềm hơn hàng Việt và tiết kiệm điện hơn, nên tôi đã chọn mua chiếc tủ lạnh xuất xứ Thái Lan”.

Một số chủ đại lý điện máy tại Đồng Nai nhận xét, mặt hàng điện máy nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN về chiếm 60-70% trong tổng lượng hàng hóa đang bán, như: tủ lạnh, máy lạnh, quạt, nồi cơm điện và một số thiết bị sử dụng điện khác. Ông Trần Văn Lợi, Phó giám đốc điều hành chi nhánh Công ty TNHH mua sắm Đệ nhất Phan Khang (TP.Biên Hòa), cho hay: “Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức, thuế các mặt hàng điện máy nhập khẩu giảm sâu, trong khi hàng trong nước chưa đa dạng mẫu mã nên phải nhập khẩu về đáp ứng nhu cầu của khách hàng”. 

Các loại nước trái cây, bánh kẹo, mỹ phẩm, dầu gội trên thị trường cũng đang bị hàng Thái Lan lấn sân. Bà Phạm Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Metro Biên Hòa, chia sẻ: “Gần đây, hàng ngoại nhập về trong hệ thống siêu thị tăng lên, như: nước giải khát, rượu, mỹ phẩm, bánh kẹo, trái cây để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đây là hệ thống bán sỉ nên hàng hóa nhập về bán luôn đảm bảo chất lượng, đa dạng mẫu mã và giá cạnh tranh”. Trong các hệ thống siêu thị, trái cây nhập ngoại, rượu, bánh kẹo... luôn được dành kệ trưng bày rất bắt mắt.

* Áp lực của hàng Việt

Thực tế, hàng hóa Việt trong các trung tâm mua sắm, siêu thị không nhiều. Tuy cũng mang xuất xứ Việt Nam, nhưng nhiều mặt hàng do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, như: Unilever (Anh - Hà Lan), Samsung (Hàn Quốc), Sony, Ajinomoto (Nhật Bản), Vedan (Đài Loan)...

“Hàng thuần Việt hiện trong Siêu thị Lotte Mart Biên Hòa không nhiều. Hầu hết là những mặt hàng thực phẩm rau, thịt heo, cá, gạo, dầu ăn, đường. Còn những mặt hàng khác tuy mang “made in Viet Nam” nhưng phần lớn của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam” - ông Phạm Hữu Trí, Giám đốc Lotte Mart Biên Hòa, cho hay. Các hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm đều khẳng định sẽ ưu tiên cho hàng Việt, đặc biệt là hàng thuần Việt, nhưng phải đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cạnh tranh. Song hàng thuần Việt của các doanh nghiệp, hợp tác xã thường yếu thế hơn hàng Việt của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và khâu yếu nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Siêu thị Co.op Mart Biên Hòa luôn ưu tiên cho hàng thuần Việt nên các doanh nghiệp, hợp tác xã có hàng hóa đáp ứng được các quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm và giá cạnh tranh, hệ thống siêu thị sẽ ký hợp đồng mua hàng. Nhiều doanh nghiệp thuần Việt sản phẩm khó vào các hệ thống siêu thị là do còn yếu trong khâu an toàn vệ sinh thực phẩm” - Phó giám đốc Siêu thị Co.op Mart Biên Hòa Hoàng Thị Tố Uyên nói.

Việt Nam đã và đang tham gia hội nhập sâu, thuế các mặt hàng xuất nhập khẩu tiếp tục giảm theo lộ trình. Như vậy, thời gian tới hàng ngoại tràn vào Việt Nam sẽ ngày một nhiều và cuộc chiến giữ thị trường nội của hàng Việt sẽ ngày càng gay gắt hơn.

Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều