Báo Đồng Nai điện tử
En

Đã đến lúc con người phải quan tâm đến thiên nhiên

10:07, 11/07/2014

Là tiến sĩ, bác sĩ thú y chuyên về cứu hộ các loài linh trưởng, 17 năm trong nghề, bà Ulrike Streicher ngược xuôi khắp các quốc gia để tham gia hàng trăm dự án bảo tồn và cứu hộ các loài thuộc nhóm linh trưởng.

Là tiến sĩ, bác sĩ thú y chuyên về cứu hộ các loài linh trưởng, 17 năm trong nghề, bà Ulrike Streicher ngược xuôi khắp các quốc gia - những nơi mà ý thức bảo vệ thiên nhiên hoang dã còn chưa cao, như: Lào, Việt Nam, Campuchia… để tham gia hàng trăm dự án bảo tồn và cứu hộ các loài thuộc nhóm linh trưởng. Nữ tiến sĩ quốc tịch Đức này đã làm việc tại Vườn quốc gia Cát Tiên 5 năm nay, vẫn miệt mài với công việc của mình. Bà nói, đã đến lúc con người phải thực sự quan tâm đến thiên nhiên, nuôi dưỡng và bảo tồn nó một cách thực sự để giữ gìn chính cuộc sống của mình.

* Tại sao bà lại chọn Việt Nam, Lào hoặc Campuchia để làm việc - nơi có những điều kiện sống còn khó khăn và ý thức bảo vệ thiên nhiên chưa cao?

- Tôi đến Việt Nam năm 1997 để tham gia các dự án bảo tồn đời sống hoang dã. Tôi đã từng làm việc ở Trung tâm cứu hộ linh trưởng Cúc Phương trong thời gian 8 năm, ở Campuchia 2 năm, Lào 2 năm, và hiện tại là Trung tâm cứu hộ linh trưởng Đảo Tiên (Vườn quốc gia Cát Tiên) hơn 5 năm nay. Việt Nam, Lào hay Campuchia - những quốc gia mà điều kiện kinh tế còn chưa phát triển, hầu như chỉ có bác sĩ thú y cho heo, gà chứ không có bác sĩ thú y cho linh trưởng, gấu hay voi. Đó là những nơi cần chúng tôi nhất. Lúc nào cũng có rất nhiều việc và tôi không thể bỏ đi được. Hiện tại, chúng tôi có 3 dự án ở Việt Nam, cụ thể là ở Cát Tiên, Cúc Phương và Sông Trà (Đà Nẵng), đều liên quan đến bảo tồn linh trưởng.

* Công việc hàng ngày của bà ra sao? Trước nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài thú quý hiếm, chúng ta có thể làm gì?

- Tôi bắt đầu làm việc ở Cát Tiên từ năm 2001, vì vào năm đó có một dự án ở  đây. Tôi đã đến Việt Nam nhiều lần thông qua nhiều dự án. Và kể từ cách đây 5 năm, tức là năm 2009, tôi đến Việt Nam thường xuyên hơn để tham gia một dự án về bảo tồn loài linh trưởng ở Đảo Tiên với công việc thường xuyên là kiểm tra sức khỏe cho các loài linh trưởng. Đây là dự án của Chính phủ Việt Nam hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm bảo tồn các loài linh trưởng, cứu những con linh trưởng bị buôn bán bất hợp pháp. Họ mang chúng đến Đảo Tiên, ở đó chúng tôi chữa trị, huấn luyện chúng và thả chúng về rừng. Chúng tôi cũng cho chúng đeo vòng cổ điện tử để theo dõi sự hòa nhập trở lại của chúng với thiên nhiên, để xem chúng có thể sống sót khi trở lại với cuộc sống hoang dã hay không.

Trước nguy cơ tuyệt chủng của các loài thú quý hiếm, điều duy nhất có thể làm là ra sức bảo vệ chúng, từng chút một.

* Bà nhận xét ra sao về công tác bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam hiện tại? Điều gì là khác biệt căn bản nhất giữa một quốc gia đầu tư nhiều vào bảo tồn thiên nhiên và một quốc gia chưa chú trọng đến điều này?

- Hiện tại, Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến đời sống hoang dã, môi trường xung quanh do còn bận tâm về nhiều thứ, như: làm sao để làm ra tiền, xây dựng đường sá... Nhưng tôi cho rằng 10 năm nữa, khi điều kiện hạ tầng đã phát triển thì Việt Nam sẽ bắt đầu trân trọng thiên nhiên hơn.

Còn sự khác nhau căn bản giữa công tác bảo vệ môi trường ở nước phát triển và đang phát triển, có thể so sánh đơn giản như sau: Ở một đất nước phát triển, xã hội rất quan tâm đến môi trường sống xung quanh. Ví dụ, khi động vật hoang dã vào nhà bạn, kể cả khi con thú hoang đó giết chết con gà của nhà bạn thì bạn cũng không được quyền bắn nó. Bạn có thể bị kiện. Vì họ đã có đủ tiền, pháp luật và những quy định chặt chẽ để phát triển những chương trình bảo vệ thiên nhiên. Nhưng ở những quốc gia chưa phát triển, hầu như chưa thể có sự trừng phạt thích đáng cho các hành động săn bắt do người dân còn nghèo và ý thức kém, và nhà chức trách có khi còn thông cảm cho điều đó. Chính phủ cần giáo dục người dân về môi trường thiên nhiên và cần làm ngay do có vài loài đã tuyệt chủng.

Việt Nam là một nước đang phát triển nên các nguồn lực thường được tập trung cho phát triển, chưa có nhiều điều kiện chú trọng đến thiên nhiên. Các nước cần có nền kinh tế phát triển càng nhanh thì đời sống hoang dã càng dễ bị lãng quên. Rừng ngày càng mất đi, kinh tế càng phát triển thì thiên nhiên càng ít được quan tâm. Đó là lý do chính giải thích vì sao tôi ở đây, đơn giản là vì khu vực này là một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới đang cần được bảo tồn thiên nhiên và đời sống hoang dã.

* Vì sao bà chọn công việc này, đời sống hoang dã có ý nghĩa thế nào với cá nhân bà? Và người ta có thể học được những bài học gì từ đó?

- Từ nhỏ tôi đã yêu động vật và khi lớn lên, tôi muốn trở thành bác sĩ thú y, tôi đã xem gần hết các chương trình truyền hình về đời sống hoang dã và mong muốn bỏ ra cả đời mình để bảo vệ chúng. Công việc có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng khi nhìn thấy các loài động vật khỏe mạnh, tự do trong môi trường sống của chúng, tôi cảm thấy rất hãnh diện, hạnh phúc. Và tôi có thể nói với mọi người bên ngoài rằng, chính tôi là người đã góp phần làm cho cuộc sống của bạn, môi trường sống quanh bạn tốt đẹp hơn. Niềm hạnh phúc đó chính là động lực cho tôi. Khi nghe tiếng những loài linh trưởng kêu, tôi thậm chí còn phân biệt được chúng thuộc họ nào, đực hay cái và là thành viên của gia đình linh trưởng nào. Chúng là niềm vui hàng ngày của tôi.

* Một ngày của bà tại Vườn quốc gia Cát Tiên như thế nào?

- Tôi luôn trực điện thoại để xem có bất cứ loài động vật nào bị bệnh hay không. Thời gian thất thường, đôi khi rất vất vả. Do sức khỏe và dụng cụ cho thú y không đủ nên nhiều lúc không thể làm gì hơn là nhìn những con thú phải dần chết - điều này làm tôi rất buồn. Nhưng khi giúp được những con khác và thấy chúng hồi phục dần, tôi cảm thấy mình hạnh phúc trở lại. Nhìn chung, đây là một công việc rất vất vả, khắc nghiệt và không phủ nhận rằng, đã có những lúc tôi nghĩ đến chuyện từ bỏ. Song tôi lại gắng sức theo dự án đến cùng, và khi hoàn thành có kết quả, tôi lại thấy rất vui, lại muốn tiếp tục theo đuổi công việc.

* Vì sao động vật hoang dã vẫn luôn bị săn bắt? Ăn thịt và sử dụng các vật dụng làm từ da hay thịt của chúng tại một số quốc gia có thể được “thông cảm” như một sự khác biệt văn hóa hay không?    

- Đa số người dân trên thế giới cũng dùng thịt động vật hoang dã, nhưng ở các quốc gia đang phát triển, tình trạng này nặng nề hơn bởi nhiều người dân vẫn xem nó như đặc sản, đắt và quý. Cách hiểu sai lầm này làm nhiều người điên cuồng săn bắt chúng. Điều này không liên quan đến văn hóa, truyền thống, vấn đề chính là họ thiếu kiến thức về bảo vệ đời sống cho động vật hoang dã. Về mặt chuyên môn, thịt của các loài thú hoang dã không khác các loại thú nuôi lấy thịt chút nào, không làm cho người ta khỏe hơn như họ vẫn lầm tưởng.

* Việt Nam có thể làm gì để cải thiện ý thức bảo vệ đời sống động vật hoang dã? Bà có lời khuyên nào từ kinh nghiệm của mình không?

- Mọi thứ phải bắt đầu từ giáo dục. Trẻ em được dạy yêu động vật, lớn lên sẽ có ý thức bảo vệ chúng. Nên đưa các kiến thức về bảo tồn thiên nhiên hoang dã vào chương trình học. Ngoài ra, cũng cần có các sản phẩm truyền thông về thực trạng đời sống thiên nhiên và động vật hoang dã ở Việt Nam. Mỗi chương trình nói về một loài động vật khác nhau. Các bạn cũng cần có những hình phạt cho các hành động săn bắt động vật hoang dã một cách thích đáng. Không thể chờ đến lúc thích hợp, cần phải làm ngay trước khi mọi việc quá muộn.

 Xin cảm ơn bà!

Kim Ngân (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều