Báo Đồng Nai điện tử
En

Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Lê Viết Hưng: Chúng tôi trăn trở trước những hành vi nhũng nhiễu, bị dân phiền trách

09:04, 11/04/2014

Là người ngồi trên chiếc ghế "nóng" với 2 lĩnh vực được dư luận quan tâm: quản lý đất đai và bảo vệ môi trường, ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, nói quá trình phát triển kinh tế với tốc độ nhanh sẽ kéo theo nhiều vấn đề nảy sinh cần phải quan tâm, trong đó quản lý đất đai và môi trường luôn bị đặt vào những tình huống khó khăn giữa việc thu hút đầu tư để tăng trưởng kinh tế với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Là người ngồi trên chiếc ghế “nóng” với 2 lĩnh vực được dư luận quan tâm: quản lý đất đai và bảo vệ môi trường, ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, nói quá trình phát triển kinh tế với tốc độ nhanh sẽ kéo theo nhiều vấn đề nảy sinh cần phải quan tâm, trong đó quản lý đất đai và môi trường luôn bị đặt vào những tình huống khó khăn giữa việc thu hút đầu tư để tăng trưởng kinh tế với yêu cầu quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

* Trong hơn 20 năm công tác trong lĩnh vực quản lý đất đai, ông đã có dịp tham gia góp ý cho cả 3 Luật Đất đai: 1993, 2003 và 2013. Trong suy nghĩ của ông, Luật Đất đai 2013 có phải là Luật Đất đai đầy đủ và tiến bộ nhất từ trước đến nay mà Việt Nam có được không?

- Đúng như thế. Luật Đất đai 2013 có nhiều điểm mới, theo tôi có thể khái quát qua 3 điểm cải tiến quan trọng. Trước hết, các quy định chi tiết, cụ thể hơn, như quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu về đất đai, hoặc quy định về giá đất (bao gồm: khung giá, bảng giá và định giá đất cụ thể)... Điều này tạo thuận lợi trong việc thực thi pháp luật cho cả cơ quan quản lý và cho người sử dụng đất. Thứ hai là các quy định chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, với điểm “nóng” là thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội. Thu hồi đất làm đường giao thông, trường học… các công trình công cộng thì dễ, nhưng thu hồi đất cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội thì rất rắc rối. Nay chỉ có thể thu hồi với các dự án được Quốc hội, Chính phủ hoặc HĐND tỉnh, thành phố thông qua, khác hẳn cách làm trước đây. Thêm nữa, luật mới đề cập rất rõ ràng năng lực của nhà đầu tư. Điều này rất quan trọng. Trước nay, một số nhà đầu tư “xin” đất vô tội vạ rồi không triển khai, dẫn đến dân khiếu kiện. Có những dự án được giao hàng trăm hécta, sau nhiều năm chủ đầu tư chỉ triển khai được 1-2%. Nay chủ đầu tư bị siết lại về năng lực, đây là đổi mới lớn. Thứ ba, luật quy định thông thoáng hơn về các quyền của người sử dụng đất như mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho người sử dụng đất an tâm đầu tư sản xuất.

* Vậy ông có hài lòng với Luật Đất đai 2013 không?

- Phải hiểu sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật là cả một quá trình, sau rất nhiều “va chạm” với thực tế. Mỗi bộ luật hay quy định sẽ phù hợp với những giai đoạn nhất định, và sự sửa đổi, bổ sung là việc làm hết sức bình thường. Nhưng với tư cách một người làm quản lý nhà nước ở lĩnh vực này, tôi thấy hài lòng với Luật Đất đai 2013. Vấn đề còn lại là trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc triển khai và tổ chức thực hiện.

* Liệu luật mới có làm giảm bớt tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài liên quan đến đền bù giải tỏa, quản lý đất đai xưa nay không?

- Các khiếu kiện từ trước đến nay về đất đai, chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất và giá bồi thường. Hiện tại, các quy định này đã sửa đổi phù hợp hơn. Các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp nhằm bù đắp quyền lợi cho người nông dân mất đất được bổ sung vào Luật Đất đai 2013. Và vì vậy, cá nhân tôi tin rằng, mọi việc sẽ tốt hơn với điều kiện luật phải được tổ chức triển khai tốt trên thực tế.

* Vẫn có ý kiến băn khoăn về quyền sở hữu đất đai thuộc về toàn dân, ông nghĩ thế nào về điều này?

- Theo suy nghĩ của tôi, điều quan trọng là người sử dụng đất có quyền gì trên mảnh đất mà mình đang sử dụng. Mặc dù sở hữu toàn dân về đất đai, nhưng người sử dụng đất có đầy đủ các quyền: chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn... Như vậy là ổn.

* Trên cương vị của mình, ông đã chứng kiến nhiều vụ tai tiếng về ô nhiễm môi trường tại Đồng Nai. Theo ông, nguyên nhân do quy định không đủ mạnh hay do quản lý lỏng lẻo?

- Thời gian qua, đúng là trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ việc vi phạm về môi trường nghiêm trọng, điển hình là trường hợp Công ty Vedan, Nhà máy xử lý chất thải tập trung của Khu công nghiệp Long Thành thuộc Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành... Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trước hết là do những tồn tại của lịch sử, như trường hợp Vedan đầu tư vào Việt Nam từ năm 1989. Lúc bấy giờ chúng ta chưa có Luật Bảo vệ môi trường, chưa có cơ quan quản lý về môi trường, chưa thật sự quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý môi trường thực hiện chưa tốt.

Tuy nhiên, bất kể do nguyên nhân thế nào, với trách nhiệm là cơ quan quản lý môi trường, chúng tôi nhận trách nhiệm về những yếu kém đó và tập trung xử lý một cách quyết liệt các điểm nóng, như: Vedan, Sonadezi Long Thành, AB Mauri, Kim Phong, Tân Phát Tài... Có doanh nghiệp, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh quyết định đình chỉ hoạt động để khắc phục ô nhiễm. Hiện tại, các điểm nóng đều đã khắc phục ô nhiễm và hoạt động trở lại. 

* Đồng Nai là tỉnh đầu tiên phân loại và lập danh sách đen cho các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Điều này có tác dụng không, theo đánh giá của ông?

- Chúng tôi triển khai vấn đề này từ sớm với quy mô lớn, gần như đánh giá về môi trường cho toàn bộ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Và khá bất ngờ, con số cơ sở sản xuất được phân loại gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khá lớn: trên 150 doanh nghiệp. Chúng tôi quyết định công khai tên tuổi những doanh nghiệp nằm trong danh sách đen. Mới đầu, doanh nghiệp phản ứng, nhưng sau đó đã cộng tác với chúng tôi để xây dựng kế hoạch khắc phục ô nhiễm. Rõ ràng là có tác dụng.

Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp đã bỏ ra hơn 1.500 tỷ đồng để khắc phục ô nhiễm và đến nay đã có 129 doanh nghiệp được chứng nhận hoàn thành việc khắc phục và ra khỏi danh sách đen, 31 doanh nghiệp còn lại đang tiếp tục khắc phục. Điều đó cho thấy, khi chúng ta tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, chắc chắn sẽ tạo nên kết quả tích cực.

* Điều ông thấy khó nhất trong quản lý lĩnh vực bảo vệ môi trường là gì?

- Điều khó nhất trong quản lý môi trường là bảo đảm sự hài hòa giữa hoạt động bảo vệ môi trường với sự tăng trưởng kinh tế, và giữa yêu cầu đầu tư cho môi trường với nguồn lực hiện có. Để thuận lợi cho hoạt động bảo vệ môi trường, chúng ta chỉ mong muốn thu hút các dự án có công nghệ sản xuất xanh nhằm giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường, thế nhưng trên thực tế có lúc không phải hoàn toàn như vậy. Tuy nhiên, cũng may mắn là ý thức bảo vệ môi trường ngày càng phổ biến hơn và chúng ta cũng dễ dàng hơn trước khi phải cân nhắc điều đó.

* Dư luận cho rằng, địa chính là một trong những ngành dễ nhũng nhiễu nhất, ông thấy điều này ra sao?

- Theo phân cấp, Sở chỉ quản lý công chức, viên chức tại cấp tỉnh, công chức của Phòng Tài nguyên - môi trường, cán bộ địa chính cấp xã do cấp huyện, xã quản lý, Sở chỉ hướng dẫn về chuyên môn. Về cơ bản, lực lượng công chức quản lý đất đai đã làm được nhiều việc, đóng góp cho công tác quản lý nhà nước về đất đai...

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp nhũng nhiễu, tham nhũng về đất đai, nhất là hiện tượng “tham nhũng vặt”. Nguyên nhân do khối lượng công việc lớn, lực lượng ít, để giải quyết nhanh công việc dễ phát sinh tiêu cực, có khi chỉ 100-200 ngàn đồng, nhưng “không có thì việc không xong”. Thêm nữa, thủ tục đất đai thay đổi liên tục, giấy tờ rườm rà, tạo cơ hội cho “tham nhũng vặt”. Tôi nhận thức rằng, mặc dù Sở Tài nguyên - môi trường không phải là cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ địa chính ở các địa phương, nhưng trong đội ngũ này có hành vi nhũng nhiễu, bị dân phiền trách thì trong đó có trách nhiệm của Sở Tài nguyên - môi trường. Đây là những điều làm chúng tôi trăn trở và sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để tăng cường giáo dục và thường xuyên kiểm tra, xử lý những vi phạm.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều