Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động để bước vào TTP

10:07, 15/07/2013

Việt Nam đã qua 17 vòng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc tham gia vào TTP sẽ mở ra thêm cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng xuất khẩu một cơ hội mới. Theo các chuyên gia kinh tế thì chính các DN cũng nên chủ động chuẩn bị từ bây giờ.

Việt Nam đã qua 17 vòng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc tham gia vào TTP sẽ mở ra thêm cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng xuất khẩu một cơ hội mới. Theo các chuyên gia kinh tế thì chính các DN cũng nên chủ động chuẩn bị từ bây giờ.

TPP là hiệp định đa phương giữa các nước: Canada, Úc, Brunei, Singapore, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ với hai quốc gia đang đàm phán là Việt Nam, Nhật Bản. TPP là hiệp định tự do thương mại đa phương với các nội dung, như: thuế quan, môi trường, dịch vụ tài chính, lao động…

* Thuế xuất khẩu giảm ngay

Theo tính toán của Bộ Công thương, Việt Nam tham gia TPP là để tăng cường lợi thế xuất khẩu hàng hóa. Khi trở thành thành viên thì hàng hóa của Việt Nam sẽ được các nước trong khối TTP giảm hoặc miễn thuế xuất khẩu vào các quốc gia này. Yêu cầu của TPP là xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực, trừ một số các mặt hàng có lộ trình 3 - 5 năm hoặc 10 năm.

Ngành may mặc có lợi thế lớn nếu Việt Nam trở thành thành viên của TTP. Trong ảnh: Công nhân may tại Công ty cổ phần Đồng Tiến.
Ngành may mặc có lợi thế lớn nếu Việt Nam trở thành thành viên của TTP. Trong ảnh: Công nhân may tại Công ty cổ phần Đồng Tiến.

Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hiện nay vào thị trường châu Á - Thái Bình Dương. Nhiều mặt hàng, như: chế biến gỗ, dệt may, giày da, hàng thủ công mỹ nghệ đang được xuất khẩu sang thị trường chính là Mỹ, thành viên của TTP. Khi trở thành thành viên của TTP, lợi thế về xuất khẩu của các DN Việt Nam là rất lớn. Cụ thể như năm 2012, Việt Nam xuất khẩu mặt hàng giày da đạt 7,1 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm 30%.

Cuối tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã tổ chức hội thảo về  “TPP và tác động đến doanh nghiệp dệt may Việt Nam”; ngày 11-7, Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam cũng tổ chức hội thảo “Cơ hội ngành da giày Việt Nam trong việc tiếp cận Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (FTA Việt Nam- EU). Có lẽ thấy được những lợi ích cũng như các mặt khó khăn khi tham gia vào TTP nên các hiệp hội cũng đã chủ động trong việc cung cấp thông tin cho các hội viên của mình.

Hiện tại thuế suất của mặt hàng này khi xuất khẩu vào Mỹ đang là 12%. Nếu hiệp định TPP được ký kết, mặt hàng giày da sẽ được hưởng thuế suất 0%. Tương tự, thuế xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ hiện nay đang là 7% nhưng khi tham gia TPP, hàng dệt may của Việt Nam được hưởng thuế suất 0%. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may của Việt Nam đạt hơn 15 tỷ USD, trong đó khoảng 7 tỷ USD là xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

* Doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Xuất khẩu Đồng Nai, cho rằng tham gia TTP sẽ có rất lợi cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, song các DN cũng cần chủ động trong việc đón nhận hiệp định này. Bởi với một số quy định của TTP nếu DN không tuân thủ sẽ khó được chấp nhận miễn hoặc giảm thuế.

Sản xuất giày xuất khẩu ở Công ty cổ phần Nam Bình Minh.
Sản xuất giày xuất khẩu ở Công ty cổ phần Nam Bình Minh.

Một trong những quy định của TTP là các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối mới được hưởng chính sách ưu đãi. Ở mặt hàng dệt may, giày da hiện nay, phần lớn các nguyên liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc, như vậy theo quy định của TTP thì sản phẩm sẽ không được hưởng ưu đãi thuế suất. Ông Tuấn nói: “Theo tôi, các DN làm hàng xuất khẩu cần chủ động chuyển việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc sang các quốc gia ở khối TTP, để khi Việt Nam trở thành thành viên sẽ được hưởng ngay ưu đãi. Việc thay thế thị trường nguyên liệu sẽ làm DN sản xuất phải tính toán lại chuyện lời lãi hiện tại, đây là vấn đề không dễ nhưng đã tham gia sân chơi thì ở tư thế chủ động vẫn hơn”.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói: “TPP là một sân chơi bình đẳng, không phân biệt các nước phát triển hay đang phát triển, vì vậy sẽ không có chính sách ưu tiên như khi Việt Nam đàm pháp gia nhập WTO, chính vì vậy các DN cần chủ động hơn mới khai thác được thị trường có hiệu quả”.

Vân Nam

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều