Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu đứng nhất nhì để làm gì?

10:07, 14/07/2013

“ Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam trong nhiều năm qua đã rất nỗ lực vươn lên đạt kim ngạch xuất khẩu đứng nhất nhì thế giới như : gạo, tiêu, điều, cà phê, thủy sản…nhưng vì sao giá xuất khẩu luôn nằm ở mức thấp trên thế giới đồng thời nông dân làm ra hàng hóa luôn bấp bênh vể đầu ra , thu nhập thất thường, gặp nhiều khó khăn ?.” , đó là câu hỏi đã được đặt ra từ nhiều năm nay và ngày càng trở nên bức thiết trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn, dấu hiệu phục hồi chậm.

Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam trong nhiều năm qua đã rất nỗ lực vươn lên đạt kim ngạch xuất khẩu đứng nhất nhì thế giới, như: gạo, tiêu, điều, cà phê, thủy sản... nhưng vì sao giá xuất khẩu luôn nằm ở mức thấp trên thế giới, đồng thời nông dân làm ra hàng hóa luôn bấp bênh về đầu ra, thu nhập thất thường, gặp nhiều khó khăn? Đó là câu hỏi đã được đặt ra từ nhiều năm nay và ngày càng trở nên bức thiết trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn, dấu hiệu phục hồi chậm.

Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, nhu cầu và giá nông sản trên thị trường thế giới giữ xu hướng giảm suốt từ giữa năm 2012, đồng thời nguồn cung lại có xu hướng tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xuất khẩu của ngành. Đến đầu tháng 6, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chính (gạo, cà phê, cao su, trà, khoai mì) đều giảm cả về giá và khối lượng. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 6 tháng đầu năm ước đạt 13,53 tỷ USD, giảm 1,7%; trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,59 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2012. Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng nhận định: Tiêu thụ trong nước cũng đang gặp khó khăn, nguyên nhân chính là do xuất khẩu giảm (nhất là hai mặt hàng lúa gạo và cá tra). Sức mua giảm, tiêu thụ chậm, giá thấp đang là trở ngại lớn cho sản xuất, làm giảm thu nhập của nông - ngư dân.

Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn cho rằng, nếu giảm 2 triệu hécta lúa để chuyển sang trồng hoa, cỏ chăn nuôi, cây cảnh, nuôi cá… thì giá gạo sẽ tăng lên gấp 1,5 - 2 lần như hiện nay. Nông dân mới có lãi thật và được hưởng đúng giá trị do mình làm ra. Còn theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn), đã đến lúc Việt Nam phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách triệt để. Kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay chưa phải là giới hạn của nước ta, và Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để đưa xuất khẩu Việt Nam lên 100 tỷ USD (Báo Tuổi Trẻ ngày 8-7-2013).

Cuối tuần qua, về làm việc với các tỉnh trọng điểm về sản xuất lúa, thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long là: An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp, Thủ tướng Chính phủ cho rằng thực trạng giảm sút trong sản xuất nông nghiệp của vùng cho thấy hoạt động sản xuất còn mang tính chất kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún; không gắn kết theo chuỗi giá trị; cơ chế quản lý còn theo lối cũ; quan hệ sản xuất không còn phù hợp với lực lượng sản xuất. Điều này đặt ra đối với vùng là không thể kéo dài mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ mà phải đi lên theo hướng sản xuất lớn; phải đổi mới tư duy, phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phải có liên kết chặt chẽ trong sản xuất...

Không chạy theo số lượng, chạy theo thành tích xuất khẩu mà chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn để nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nông dân là sự lựa chọn đúng đắn nhất. Đó cũng chính là mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10-6-2013.     

Xuân Phú

 

Tin xem nhiều