Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều doanh nghiệp “dùng dằng” bảo vệ môi trường

09:11, 05/11/2012

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai bị xếp vào danh sách “đen” gây ô nhiễm. Có DN sau khi bị phát hiện đã tích cực đầu tư hệ thống xử lý nước, khí thải đạt chuẩn, nhưng cũng không ít DN còn chần chừ trong việc khắc phục.

 

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai bị xếp vào danh sách “đen” gây ô nhiễm. Có DN sau khi bị phát hiện đã tích cực đầu tư hệ thống xử lý nước, khí thải đạt chuẩn, nhưng cũng không ít DN còn chần chừ trong việc khắc phục.

Đến ngày 9-10-2012, toàn tỉnh có 150 DN bị xếp vào danh sách gây ô nhiễm môi trường, trong đó chỉ có 57 DN được chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm. Các DN còn lại, một số đã khắc phục đang đợi thẩm định, hoặc đã đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, khí thải nhưng chưa đạt chuẩn, vẫn còn những thông số gây ô nhiễm môi trường.

* Không để ảnh hưởng thương hiệu

Từ năm 2009 đến nay, Sở Tài nguyên - môi trường thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra các DN trên địa bàn. Những đơn vị xả thải gây ô nhiễm bị xử phạt hành chính được xếp vào danh sách “đen” và cho thời hạn để hoàn thành hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường. Sau khi bị đưa vào danh sách ô nhiễm, nhiều công ty sợ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của mình trên thị trường đã nhanh chóng đầu tư hàng tỷ đồng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, khí thải đảm bảo đạt yêu cầu. Cụ thể như Nhà máy sữa Dielac (Công ty cổ phần sữa Việt Nam), Công ty tôn Phương Nam, Nhà máy thép Biên Hòa (Công ty cổ phần thép Biên Hòa), Xí nghiệp ắc-quy Đồng Nai ở Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1… đã nhanh chóng đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý khí thải, nước thải. Chỉ sau 1-2 năm, các nhà máy này khắc phục xong và được đưa ra khỏi danh sách gây ô nhiễm.

Công ty hữu hạn Sentec Việt Nam ở KCN Hố Nai nằm trong danh sách “đen”,  đến nay đã khắc phục ô nhiễm. Ảnh: H. Giang
Công ty hữu hạn Sentec Việt Nam ở KCN Hố Nai nằm trong danh sách “đen”, đến nay đã khắc phục ô nhiễm. Ảnh: H. Giang

Tuy nhiên, vẫn còn hàng loạt cơ sở bị phát hiện gây ô nhiễm đã 2-3 năm nay, nhưng đến nay vẫn chưa đầu tư đúng mức để khắc phục hậu quả, như: Công ty TNHH Cự Thành (huyện Long Thành), Công ty TNHH Dae You VN (KCN Nhơn Trạch 1), Công ty TNHH công nghiệp Viet Shuen, Công ty hữu hạn công nghiệp Hồng Đạt (KCN Hố Nai). Các doanh nghiệp này có nước thải gây ô nhiễm nghiêm trọng, bị phát hiện vào cuối năm 2009 và  được gia hạn sau 1 năm phải khắc phục xong, nhưng đến nay đã quá hạn gần 2 năm vẫn chưa hoàn thành. Hay hàng loạt bệnh viện có nước thải vượt chuẩn quá thời hạn khắc phục, như: Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện đa khoa huyện Xuân Lộc, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Một số DN gây ô nhiễm cho hay, khi bị đưa vào danh sách “đen” rất ngại vì ảnh hưởng lớn đến thương hiệu. Nhưng vì nhiều nhà máy đã được xây dựng cách đây cả chục năm, máy móc đã xuống cấp, do vậy muốn khắc phục đạt chuẩn cần số tiền lên đến cả trăm tỷ đồng để thay lại máy móc sản xuất và đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải mới. Điều này dường như không thể làm được.

Một số công ty đã có biện pháp khắc phục nhưng vẫn còn những thông số chưa đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường, như: Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam, Công ty dệt may Thế Hòa…

* “Dùng dằng” khắc phục hậu quả

Trong gần 100 cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa xử lý đạt chuẩn để được loại khỏi danh sách đen, không ít DN đã được UBND tỉnh gia hạn nhiều lần. Có những DN sau 2 lần gia hạn vẫn chưa xử lý hết ô nhiễm và đã bị xử phạt hành chính, như: Công ty cổ phần gạch men Chang Yih (KCN Nhơn Trạch 1), Công ty cổ phần gạch men V.T.C (KCN Gò Dầu)… đều có nước thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng đến nay vẫn chưa nộp được hồ sơ đề nghị chứng nhận hoàn thành xử lý xong ô nhiễm.

Công ty phát triển KCN Sông Mây (huyện Trảng Bom) đã quá thời hạn vẫn chưa thi công xong hệ thống thu gom nước thải từ các doanh nghiệp. Ảnh: H. Giang
Công ty phát triển KCN Sông Mây (huyện Trảng Bom) đã quá thời hạn vẫn chưa thi công xong hệ thống thu gom nước thải từ các doanh nghiệp. Ảnh: H. Giang

Ông Võ Văn Chánh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho biết: “Những cơ sở gây ô nhiễm môi trường bị phát hiện đều xử phạt hành chính và cho thời gian khắc phục. Có những DN sau khi được sở hướng dẫn phương án khắc phục thì làm rất nhanh để được ra khỏi danh sách đen, nhưng không ít DN do máy móc thiết bị lạc hậu, thiếu vốn nên chỉ nâng cấp hệ thống sẵn có mà chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt chuẩn. Những trường hợp này, tỉnh gia hạn cho khắc phục. Tuy nhiên, sau 1-2 lần gia hạn mà các DN vẫn chưa khắc phục sẽ bị đình chỉ hoạt động”.

Hương Giang

 

 

 

 

Tin xem nhiều