Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm thị trường cho năm mới

09:01, 02/01/2012

Mặc dù trải qua một năm đầy sóng gió, nhưng các doanh nghiệp (DN) Đồng Nai đã tìm mọi cách vượt qua được khó khăn để tồn tại. Hiện các DN đã và đang ráo riết tìm kiếm thị trường chuẩn bị cho năm mới với những kỳ vọng tốt hơn.

Mặc dù trải qua một năm đầy sóng gió, nhưng các doanh nghiệp (DN) Đồng Nai đã tìm mọi cách vượt qua được khó khăn để tồn tại. Hiện các DN đã và đang ráo riết tìm kiếm thị trường chuẩn bị cho năm mới với những kỳ vọng tốt hơn.

Chị Phan Thị Thanh Trúc, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, DN chế biến gỗ xuất khẩu (KCN Biên Hòa 1) cho biết: “Có thể nói khó khăn trong năm 2011 thì nhiều, còn thuận lợi dường như không thấy đâu!”

* Tìm đường vượt khó

DN Nhất Nam phải nhận cả những đơn hàng không phải sở trường, chấp nhận lỗ để tạo việc làm cho công nhân. Chị Trúc đang tìm hiểu thêm về thị trường Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil, một thị trường sôi động nhưng còn khá “hoang sơ” đối với các DN Việt Nam để tìm kiếm cơ hội. Còn Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico), tìm hiểu các DN của Pháp thông qua tham tán thương mại tại đây nhằm “săn” những DN có tiềm lực tốt cho các dự án của mình.

Ông Trần Văn Thành (trái), chủ DNTN Kiến Phúc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc để có thêm thông tin thị trường. Ảnh: K.Giới
Ông Trần Văn Thành (trái), chủ DNTN Kiến Phúc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc để có thêm thông tin thị trường. Ảnh: K.Giới

Theo nhận xét của ông Dương Nguyên Tường, Đại sứ Việt Nam tại Brazil, tuy thị trường này đang sử dụng những quy định khá nghiêm ngặt của Mỹ nhưng chất “Samba” của người Brazil cũng rất ngẫu hứng, thêm vào đó đất nước Nam Mỹ này lại có tình cảm tốt với Việt Nam từ trước tới nay nên cũng là những thuận lợi để các DN thâm nhập thị trường này. Ban chủ nhiệm CLB các nhà xuất nhập khẩu Đồng Nai cũng đầy trăn trở về tình hình hoạt động của năm 2012 và tất tả trong việc tìm kiếm mở rộng thị trường. Các thị trường láng giềng như: Campuchia, Lào và Trung Quốc là định hướng mở rộng của nhiều thành viên trong CLB. Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Các DN ở thị trường như Lào và Campuchia rất có tình cảm với CLB, chúng tôi đang chuẩn bị thành lập Ban liên lạc để thâm nhập tốt hơn ở những nơi này”.

* Hứa hẹn năm mới

Anh Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm HTX Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) tỏ ra khá mừng khi những phương án cho năm mới của mình có nhiều hứa hẹn. Anh đã có cuộc trao đổi thú vị với ông Vũ Thịnh Cường - Tham tán  thương mại Việt Nam tại Campuchia và ông Dương Văn Cơ - Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Quảng Châu - Trung Quốc về dự kiến xuất khẩu xoài sang hai thị trường này. Qua tìm hiểu, anh Bảo biết được Quảng Châu còn là “cửa ngõ” cung cấp hàng đến các nơi khác của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải. Thương vụ Quảng Châu cũng nhận lời giúp anh trong việc tìm đối tác. Không chỉ vậy, thị trường Hồng Kông anh cũng nhận được sự giúp đỡ để thời gian tới đưa sản phẩm tới đây. “Khi tôi chứng minh được khả năng cung cấp hàng và  sản phẩm đạt tiêu chuẩn thì một số cơ quan thương mại đã đồng ý giúp ngay. Mấy năm vừa qua, tôi đã chuẩn bị cho việc xuất khẩu xoài của HTX” - anh Bảo nói.

 Cùng với niềm vui ấy, anh Nguyễn Thanh Đức, chủ cơ sở sản xuất trứng gà sạch Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) đã thâm nhập được vào thị trường Campuchia. Anh Đức cho biết, sản phẩm trứng gà sạch của cơ sở anh đã được các siêu thị ở Campuchia đón nhận rất tích cực. Hiện anh đang mở rộng ra hệ thống bán lẻ ngoài siêu thị ở đất nước chùa tháp này. Anh Đức tâm sự: “Sản phẩm trứng gà của mình xuất đi các nước khác hơi khó do phải qua nhiều khâu kiểm định rất phức tạp. Riêng thị trường Campuchia thì tương đối dễ chịu và rất có tiềm năng. Chỉ tiếc là hệ thống siêu thị bên đó còn khá nhỏ nên hàng tiêu thụ không được nhiều. Tôi đang tìm các nhà phân phối lớn ở bên đó để đẩy mạnh lượng hàng”.

Năm 2012, anh Đức sẽ đưa vào khai thác thêm 3 trại gà đẻ trứng được nuôi bằng hệ thống tự động có công suất khoảng 420 ngàn trứng/ngày. Như vậy, tổng sản lượng thu hoạch sẽ lên trên 110 ngàn trứng mỗi ngày. Ở DN chế biến gỗ Kiến Phúc (huyện Trảng Bom) đang xuất khẩu sản phẩm bàn ghế sang Hàn Quốc khá tốt sau khi “bỏ chạy” khỏi thị trường Mỹ. Sau một loạt những đơn hàng “đấu” thắng hàng Trung Quốc thì Kiến Phúc cũng  tìm thêm cơ hội để mở rộng thị trường này.

Không chỉ là những DN lớn mà cả DN nhỏ cũng đang tìm kiếm thị trường chuẩn bị cho năm mới. Những tín hiệu vui đã xuất hiện, tạo sự kỳ vọng tốt cho DN khi đã cố gắng vượt qua một năm đầy thách thức.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên: Giúp DN tìm kiếm khách hàng

Do khó khăn về kinh tế, năm 2011 ngân sách Nhà nước dành cho xúc tiến thương mại đã bị cắt giảm tới 2/3. Nếu như năm 2010, ngân sách chi cho xúc tiến thương mại là 172 tỷ đồng thì năm 2011 chỉ còn có 55 tỷ đồng. Trong năm 2012, ngân sách cho chương trình này có thể cũng không tăng bao nhiêu. Tôi nghĩ, Đồng Nai cũng  nên huy động từ nhiều nguồn lực để thực hiện được các chương trình xúc tiến thương mại tốt nhất, giúp DN tìm kiếm được khách hàng.

Ông Đào Trần Nhân - Tham tán công sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ: Ngân hàng của Hoa kỳ đã bật đèn xanh cho DN

Ngân hàng Eximbank của Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào trong top 9 thị trường trọng điểm để ưu tiên cấp tín dụng với lãi suất thấp cho những dự án, công trình hoặc các hợp đồng cung cấp thiết bị cần đến vốn tín dụng dài hạn với lãi suất thấp. Họ đánh giá, trong thời gian qua tốc độ giải ngân vốn cho Việt Nam quá chậm. Theo dự định của ngân hàng này, khoảng tháng 3 - 2012 sẽ đưa một đoàn cán bộ của họ sang Việt Nam tiếp xúc với các DN và các cơ quan để giới thiệu các chương trình tài trợ về xuất khẩu và thông báo cho các DN cách thức tiếp cận vốn. Đây cũng là một thông tin rất tích cực.

Ông Trần Trung Thực - Tham tán công sứ Việt Nam tại châu Âu:  Khó khăn châu Âu cũng là cơ hội

Thời điểm hiện nay chính là cơ hội tốt cho DN Việt Nam sản xuất và xuất khẩu hàng sang thị trường châu Âu. Ở đây các nước đang tháo gỡ khó khăn và thời gian có thể phải kéo dài vài năm nữa, nên định hướng của họ là châu Á. Mặc dù vậy, họ lại rất “sợ” Trung Quốc nên tập trung nhiều vào các nước ASEAN.

Trong kinh doanh, những lúc khó khăn như hiện nay thì họ có nhiều kẽ hở. Nếu DN tìm đúng những kẽ hở đó thì có thể bán cả những sản  phẩm mà trước đây không bán được. Bán hàng của DN trong nước chủ yếu chờ đợi xem có DN nào đến mua thì bán, đó là hình thức bán cho nhà nhập khẩu. Trong bối cảnh hiện nay thì cần tìm đến những nhà bán hàng trực tiếp vào siêu thị hay các hệ thống bán lẻ, như vậy mới hiệu quả. Còn DN tự mang hàng sang các quốc gia đó để bán thì cũng khó, chỉ được ở một số nước Đông Âu.

Ông Vũ Văn Trung – Tham tán thương mại tại Nhật Bản: Nhật Bản đang là thị trường hấp dẫn nhất

“Nhật Bản hiện nay đang thiếu rất nhiều hàng hóa để tái thiết đại khủng hoảng do sóng thần và hạt nhân gây ra. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu hàng từ bên ngoài vào rất lớn. Là quốc gia liên tục 31 năm xuất siêu nhưng năm 2011 lại trở thành nước nhập siêu. Đây cũng là cơ hội để DN Việt Nam đẩy mạnh việc xuất khẩu vào thị trường này. Gần đây, khi nhân công và hàng hóa từ Trung Quốc tăng cao thì Nhật Bản chuyển nhập khẩu hàng từ quốc gia này sang Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Đặc biệt, về hành lang pháp lý thì rất thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào Nhật, đó là Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản được ký kết cách đây 2 năm có tác động rất tích cực”.

Vân Nam  - Vi Lâm

Khắc Giới - Kim Ngân

 

 

 

 

Tin xem nhiều