Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai sẽ là nền kinh tế lớn thứ 3 Việt Nam

Khánh Minh - Phạm Tùng
09:12, 27/04/2024

Trong mục tiêu phát triển của tỉnh thì đến năm 2030, Đồng Nai sẽ xếp thứ 3 cả nước về độ lớn của nền kinh tế, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Với các lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai có thể về đích như mong muốn.

Nhà máy Nestlé Trị An ở Khu công nghiệp Amata (thành phố Biên Hòa) ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nhiều khâu tự động hóa, điều khiển từ xa. Ảnh: Khánh Minh
Nhà máy Nestlé Trị An ở Khu công nghiệp Amata (thành phố Biên Hòa) ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nhiều khâu tự động hóa, điều khiển từ xa. Ảnh: Khánh Minh

Sau Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), Đồng Nai là tỉnh nông nghiệp lạc hậu do chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh. Thế nhưng, chính quyền và nhân dân Đồng Nai đã nỗ lực vượt qua khó khăn, chung tay xây dựng tỉnh ngày một phát triển. Sau 49 năm thống nhất đất nước, Đồng Nai đã trở thành tỉnh công nghiệp và đứng trong tốp đầu cả nước về phát triển kinh tế.

* Quy mô GRDP gần 10 tỷ USD

Trong gần nửa thế kỷ qua, Đồng Nai đã không ngừng vươn lên và trở thành một trong 10 tỉnh, thành có kinh tế phát triển nhất cả nước. Hiện quy mô GRDP của tỉnh gần 10 tỷ USD. Tuy nhiên, Đồng Nai đặt mục tiêu trong gần 7 năm tới sẽ “tăng tốc” để trở thành một trong 3 trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam.

Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp trong thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, triển khai nhanh các dự án hạ tầng giao thông kết nối trong tỉnh, vùng Đông Nam Bộ và các vùng kinh tế khác.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH cho rằng, khi Sân bay Long Thành và Sân bay Biên Hòa khai thác lưỡng dụng đi vào hoạt động; các tuyến đường vành đai 3, 4 - Thành phố Hồ Chí Minh; các tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu và cầu Cát Lái đi vào hoạt động sẽ là động lực phát triển mới của Đồng Nai, cũng như các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, Đồng Nai có nhiều cơ hội trở thành trung tâm dẫn dắt liên kết vùng, kiến tạo, phát triển 3 trục kinh tế chính của khu vực Nam Bộ là Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và trục hành lang kinh tế biển. Trong đó, Đồng Nai sẽ tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động. Đồng Nai sẽ trở thành điểm đến lý tưởng, an toàn cho các nhà đầu tư.

Hiện nay, trong cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh, công nghiệp - xây dựng chiếm gần 60%, thương mại dịch vụ khoảng 32% và nông nghiệp hơn 8%. Trong quá trình phát triển, Đồng Nai luôn lấy người dân làm trung tâm để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng năng suất, đổi mới sáng tạo hiệu quả để nâng cao chất lượng đời sống, môi trường và phúc lợi xã hội. Tỉnh sẽ luôn đi đầu trong kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để đảm bảo tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững. 

Khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt, sẽ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia triển khai nhanh các dự án tại Đồng Nai để đón đầu Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Long Thành và các dự án hạ tầng giao thông đi vào hoạt động. Dự kiến trong tương lai không xa, Đồng Nai sẽ trở thành một thành phố phát triển của Việt Nam, cũng như của khu vực Đông Nam Á.

* Ngưỡng cửa lịch sử để đột phá phát triển

Đối với Đồng Nai, với hàng loạt dự án hạ tầng đang được triển khai đầu tư trên địa bàn, có thể nói, tỉnh đang đứng trước ngưỡng cửa lịch sử để tạo đột phá phát triển. Từ đó, hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 của cả nước.

Sân bay Long Thành giai đoạn 1 theo dự kiến sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2026. Với “vị thế” là dự án đầu tư lớn nhất cả nước từ trước đến nay, Sân bay Long Thành được đánh giá sẽ tạo ra động lực to lớn để Đồng Nai tăng tốc phát triển.

Phó giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, tiến sĩ Đinh Công Khải cho rằng, sự hình thành và phát triển Sân bay Long Thành với ưu thế về vị trí và khả năng kết nối chiến lược với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ và các khu vực đô thị năng động khác đang tạo ra cơ hội mới thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nhiều lĩnh vực mới, nhất là với các lĩnh vực dịch vụ như: logistics gắn với cảng hàng không và đặt trong bối cảnh liên kết vùng là logistics cảng biển, kinh doanh thương mại, bán lẻ, dịch vụ du lịch, đặc biệt là du lịch MICE, dịch vụ giải trí thể thao đẳng cấp quốc tế, dịch vụ bất động sản, văn phòng cho thuê.

PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh ưu tiên của Đồng Nai trong giai đoạn tới là đô thị sân bay, dịch vụ logistics. “Đồng Nai phải là trung tâm hội nhập quốc tế” - PGS-TS Trần Đình Thiên chia sẻ.

Để đón đầu thời cơ phát triển từ Dự án Sân bay Long Thành, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch chung đô thị Sân bay Long Thành và vùng phụ cận. Việc tổ chức thi tuyển quốc tế nhằm thu hút các ý tưởng quy hoạch sáng tạo, độc đáo từ các chuyên gia, nhà quy hoạch trong và ngoài nước. Từ đó, chọn phương án quy hoạch tối ưu, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường.

“Từ kết quả cuộc thi, sẽ xem xét, lựa chọn các ý tưởng hay, đột phá, nội dung quan trọng để đưa vào Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Long Thành đến năm 2045” - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho hay.

Bên cạnh Sân bay Long Thành, theo quy hoạch, Sân bay Biên Hòa cũng sẽ được đầu tư để khai thác lưỡng dụng.

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Sân bay Biên Hòa được đưa vào khai thác hàng không dân dụng là hết sức cần thiết, tạo điều kiện rất lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai cũng như vùng Đông Nam Bộ.

Cùng với đó, động lực phát triển của tỉnh sẽ được gia tăng với mạng lưới các tuyến đường bộ cao tốc, đường vành đai, đường sắt đã và sắp được đầu tư xây dựng.

Khánh Minh - Phạm Tùng

 

Tin xem nhiều