Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất khẩu trái cây tươi đi Trung Quốc: Cần đáp ứng yêu cầu mới

09:09, 23/09/2022

Năm 2022, Trung Quốc ban hành nhiều quy định mới về nhập khẩu các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây tươi. Trong đó, các yêu cầu phải đáp ứng truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và quy định nghiêm ngặt về phòng, chống Covid-19.

Năm 2022, Trung Quốc ban hành nhiều quy định mới về nhập khẩu các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây tươi. Trong đó, các yêu cầu phải đáp ứng truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và quy định nghiêm ngặt về phòng, chống Covid-19.

Vùng sầu riêng Phú An (H.Tân Phú) đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc.
Vùng sầu riêng Phú An (H.Tân Phú) đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc. Ảnh: B.Nguyên

Xuất khẩu trái cây tươi vào thị trường Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn nên mọi thay đổi về chính sách liên quan đến nhập khẩu ở thị trường này đều ảnh hưởng rất lớn đến thị trường rau, quả của Việt Nam.

* Phải xuất khẩu chính ngạch

Sau hơn 4 năm đàm phán và đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, ngày 19-9, Việt Nam chính thức xuất khẩu chính ngạch lô sầu riêng đầu tiên vào thị trường Trung Quốc. Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức phê duyệt 51 mã số vùng trồng, 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

 

Theo Bộ trưởng NN-PTNT LÊ MINH HOAN, cơ hội chỉ thật sự mở ra khi và chỉ khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác; phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất; phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc.

 

Trong đợt đánh giá này, Đồng Nai có 7 mã số vùng trồng gồm: HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (H.Xuân Lộc); HTX Sầu riêng Lò Than, vùng trồng Nhân Nghĩa (H.Cẩm Mỹ); HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú An, Tổ hợp tác sầu riêng Phú Sơn (H.Tân Phú); HTX Nông nghiệp thương mại dịch vụ Xuân Lập, HTX Nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Bình Lộc (TP.Long Khánh) và 3 mã số cơ sở đóng gói gồm: Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thuận Hương (H.Định Quán), Cơ sở đóng gói Thanh Trung, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu An Lộc Phát (TP.Long Khánh).

Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương Liu Tác Sáng cho biết, sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao nên doanh nghiệp chủ động đăng ký cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Vì xuất khẩu chính ngạch sẽ không còn lo tình trạng ùn ứ xe hàng khi Trung Quốc đóng cửa biên giới, giảm rủi ro trong vận chuyển, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định hơn cho trái sầu riêng.

* Tính chuyện đường dài

Toàn tỉnh có hơn 49 ngàn ha cây ăn trái lâu năm. Trong đó, có nhiều loại trái cây có thế mạnh xuất khẩu với diện tích lớn như: xoài, mít, chuối, sầu riêng... Nhưng thời gian qua, hết xoài lại đến chuối, mít… đều cần “giải cứu” vì đầu ra phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, xuất khẩu vào thị trường này chủ yếu bằng đường tiểu ngạch gặp nhiều rủi ro.

 

Phó giám đốc Sở NN-PTNT TRẦN LÂM SINH cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.667ha cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP và tương đương. 108 mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 23,2 ngàn ha và 46 mã số nhà đóng gói xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Úc…

 

Nói về thực trạng này, ông Võ Văn Vịnh, thành viên Ban Quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) đánh giá, trái cây Đồng Nai rất nhiều, ngon nhưng chủ yếu chỉ bán được sang Trung Quốc. Đây chưa thể gọi là xuất khẩu bền vững vì vẫn đi theo đường tiểu ngạch. Trái cây vẫn dán nhãn, mã vạch của Trung Quốc nên khi đến tay người tiêu dùng, không mấy ai biết đây là trái cây Đồng Nai.

Tại hội nghị triển khai xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc diễn ra vào ngày 12-9, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần chuẩn bị cho hành trình đi xa, đem lại giá trị cao cho ngành hàng sầu riêng. Ở đây không phải chỉ bán trái sầu riêng mà còn xây dựng hình ảnh sầu riêng Việt Nam đến thị trường đông dân, khó tính là Trung Quốc. Đồng thời, thông qua câu chuyện trái sầu riêng nhìn lại chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, nhìn lại lợi thế, tiềm năng, rủi ro, thách thức từ bên ngoài.

Đồng Nai đang đẩy mạnh làm mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái chủ lực. Trong ảnh: Thu hoạch chuối xuất khẩu tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán)
Đồng Nai đang đẩy mạnh làm mã số vùng trồng cho các loại cây ăn trái chủ lực. Trong ảnh: Thu hoạch chuối xuất khẩu tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán)

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Chúng ta phải biết dựa vào nhau, nương tựa nhau, thay vì cạnh tranh, chen chúc nhau. Đây là cách để đưa trái sầu riêng phát triển ở thị trường Trung Quốc”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, một lần bất tín là vạn lần bất tin. Do đó, cần xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, bắt đầu từ câu chuyện của trái sầu riêng qua việc chuẩn hóa giống, quy trình, thị trường, kiến thức, tri thức người nông dân… Ngành Nông nghiệp cần phải tập huấn, chuẩn hóa cho người nông dân, tránh tình trạng giả mạo truy xuất nguồn gốc; xây dựng niềm tin và trách nhiệm giữa doanh nghiệp với nông dân dưới sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước..

 


 

Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) Phùng Thanh Tâm: Nông dân tuân thủ các yêu cầu xây dựng vùng trồng đạt chuẩn

Nhiều năm nay, nông dân trồng sầu riêng tại địa phương đã chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ, sản xuất an toàn. Để đạt tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng, nông dân được tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp trên cây sầu riêng; các biện pháp quản lý sâu bệnh hại tại vườn trồng; các biện pháp canh tác, quản lý sau thu hoạch… Bà con đều phải làm sổ nhật ký canh tác, lưu trữ tài liệu, nhờ đó dễ dàng kiểm tra việc sử dụng phân bón sinh học, quy trình phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt một số hoạt chất đã được cảnh báo không được sử dụng từ nước nhập khẩu. Sau khi thu hoạch, nông dân cũng rất chú trọng việc cắt cành, tạo tán, chăm sóc tốt vườn cây để vụ thu hoạch tới đạt năng suất tốt, đảm bảo chất lượng sầu riêng cung cấp cho thị trường xuất khẩu.

Một trong những yêu cầu quan trọng cần thực hiện là tuân thủ các yêu cầu trong phòng, chống dịch Covid-19 tại vườn trồng. Ở đây, các thành viên trong gia đình đều thực hiện tiêm vaccine phòng dịch Covid-19. Người bên ngoài vào vườn cũng đều phải tuân thủ những quy định này.

Đại diện cơ sở đóng gói Thanh Trung (TP.Long Khánh) Võ Đình Vũ: Kiểm soát chặt chẽ khâu đóng gói

Cơ sở phải xây dựng quy trình đóng gói theo yêu cầu của phía Trung Quốc từ khâu nhập hàng, khu chứa nguyên liệu đến kho thành phẩm đều phải đảm bảo vệ sinh. Khu xử lý, bảo quản và khu chức năng phải riêng biệt, được bố trí hợp lý và tách biệt với khu vực sinh hoạt.

Cơ sở phải kiểm soát nguyên liệu sầu riêng từ khâu nhập hàng để loại bỏ những trái không đạt hoặc có dấu hiệu bị sâu, bệnh. Trong quá trình đóng gói, phải tiếp tục lựa chọn, phân loại và làm sạch vỏ quả để loại bỏ quả bị bệnh, thối hoặc biến dạng, lá, thân, tàn dư thực vật và đất. Chải hoặc làm sạch bề mặt quả bằng máy hơi để loại bỏ trứng, bào tử nấm. Vật liệu đóng gói sầu riêng phải sạch, vệ sinh, chưa qua sử dụng và tuân thủ các yêu cầu về vệ sinh và sức khỏe cây trồng của Trung Quốc…

Trên mỗi cuống trái sầu riêng đến thùng đựng đều được dán tem truy xuất nguồn gốc. Thùng đựng phải dán nhãn với đầy đủ thông tin về sản phẩm, nơi sản xuất hoặc mã số vùng trồng, tên hoặc mã số cơ sở đóng gói… Ngay sau khi đóng gói, sầu riêng phải được bảo quản trong kho chứa, tách biệt với những loại quả khác để ngăn ngừa lây nhiễm dịch hại.

Theo đó, để đạt chuẩn được cấp mã số, cơ sở đóng gói phải đầu tư nâng cấp, cải tạo nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc, thiết bị; công nhân làm việc phải có đồ bảo hộ. Dù chi phí đóng gói cũng cao hơn so với trước nhưng cơ sở vẫn nghiêm túc tuân thủ, đảm bảo đúng yêu cầu của nước nhập khẩu.      

     Lê Quyên (ghi)

 


 

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều