Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngọn lửa đam mê vẫn cháy...

09:03, 04/03/2022

Sau nhiều năm cống hiến ở những ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, về hưu là khoảng thời gian để nhiều người, nhất là các chị em phụ nữ dành nhiều thời gian cho bản thân và gia đình. Thế nhưng không ít người dù đã về hưu nhưng vẫn làm việc, tham gia công tác xã hội với tất cả đam mê...

Sau nhiều năm cống hiến ở những ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, về hưu là khoảng thời gian để nhiều người, nhất là các chị em phụ nữ dành nhiều thời gian cho bản thân và gia đình. Thế nhưng không ít người dù đã về hưu nhưng vẫn làm việc, tham gia công tác xã hội với tất cả đam mê...

Bà Hoàng Thị Lài, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, sau khi về hưu đã mở Trường mầm non Hoàng Thị để được làm công việc mình yêu thích
Bà Hoàng Thị Lài, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, sau khi về hưu đã mở Trường mầm non Hoàng Thị để được làm công việc mình yêu thích

Về hưu cũng không ngơi nghỉ

Một trong những lãnh đạo nữ trong ngành Giáo dục sau khi về hưu vẫn tiếp tục cống hiến cho xã hội, cộng đồng, phải kể đến Nhà giáo ưu tú - TS Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Lan. Nghỉ hưu đã 15 năm và cũng chạm tuổi “thất thập” nhưng nhà giáo Thu Lan vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ.

Am hiểu nhiều lĩnh vực, có kiến thức và kinh nghiệm quản lý và giảng dạy, nhà giáo Nguyễn Thị Thu Lan được nhiều đơn vị “săn đón” mời làm việc sau khi về hưu. Với niềm đam mê công việc, nhiều năm giữ chức Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật (KH-KT) tỉnh, nhà giáo Thu Lan đã có không ít đóng góp cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao KH-KT. Một trong những thành tích của bà được cho là “cú hích” tích cực cho công tác nghiên cứu KH-KT đó là bảo vệ thành công việc đề xuất 50-50 hỗ trợ kinh phí cho các cá nhân, tổ chức đầu tư nghiên cứu khoa học và chuyển giao kết quả, ứng dụng vào thực tiễn. “Cú hích” này có tác động tích cực đối với hoạt động sáng tạo KH-KT của tỉnh và làm cho hoạt động này càng trở nên mạnh mẽ.

Không chỉ dừng lại ở công tác lãnh đạo các hội nghề nghiệp KH-KT, với vai trò là một nữ trí thức tiêu biểu của Việt Nam, bà Thu Lan rất quan tâm đến đội ngũ nữ trí thức của tỉnh. Năm 2013, bà đã tập hợp và thành lập được Hội Nữ trí thức tỉnh Đồng Nai và được bầu làm Chủ tịch Hội 2 nhiệm kỳ. Đến nay, Hội đã xây dựng được 9 chi hội, tập hợp được khoảng 400 nữ trí thức, trong đó có 10 nữ tiến sĩ.

Nói đến nhà giáo Nguyễn Thị Thu Lan, nhiều người không khỏi khâm phục nghị lực của một người phụ nữ nhiều “đảm” này. Đương chức thì làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục, nghỉ hưu vẫn nỗ lực, nhiệt huyết với công tác Hội và còn đảm nhận công tác quản lý tại Trường đại học Lạc Hồng trên cương vị là Phó hiệu trưởng. Trò chuyện với chúng tôi, nhà giáo Thu Lan cho hay: “Là người phụ nữ hiện đại, tôi vẫn đam mê công việc, nhưng cũng không xem nhẹ vai trò của mình trong gia đình. Tôi biết cách phân chia thời gian một cách khoa học cho nhiều công việc khác nhau nên vẫn giữ được sự hài hòa giữa công việc xã hội với vai trò làm vợ, làm mẹ, làm bà trong gia đình”. 47 năm làm việc không ngơi nghỉ, đến nay nhà giáo Thu Lan vẫn như cánh chim không mỏi, nỗ lực mỗi ngày để tiếp bước và hoàn thành sự nghiệp “trồng người” mà bà đã lựa chọn và gắn bó.

Còn câu chuyện về cụ bà Văn Thị Hồng Kỳ (85 tuổi, còn gọi là Bảy Kỳ) - nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi P. Phú Bình (TP.Long Khánh) - một vị Chủ tịch Hội Người cao tuổi có tuổi cao nhất trong Hội Người cao tuổi cả nước  vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội như một người “truyền lửa” cho nhiều thế hệ khiến chúng tôi xúc động. Với sự năng động, nhiệt tình và tận tâm, nhiều năm qua cụ Bảy Kỳ đã tham gia rất nhiều vai trò trong công tác Hội Chữ thập đỏ,  từ thiện và nhiều năm làm công tác Hội Người cao tuổi...

84 tuổi, cụ Bảy Kỳ mới thôi giữ chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi P.Phú Bình vào tháng 7-2021. Tuy vậy cụ Bảy Kỳ vẫn tiếp tục bận rộn với các hoạt động xã hội. Ở cái tuổi mà nhiều người già phải “ôm” lắm bệnh tật mãn tính, đi lại, ăn uống khó khăn, tư duy, nói năng chậm chạp... thế nhưng cụ Bảy Kỳ vẫn rất sung sức. 30 năm làm công tác từ thiện, với uy tín và sự tận tâm, cụ Bảy Kỳ đã rất thành công trong công tác vận động các mạnh thường quân đóng góp, giúp đỡ các trường hợp khó khăn, tàn tật. Cụ đã vận động, xây và trao hơn 45 căn nhà tình thương cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; mỗi năm hàng trăm suất học bổng cho trẻ em nghèo hiếu học; các dịp lễ, Tết, cụ Bảy Kỳ đã tự mình bỏ tiền túi, vận động con cái trong gia đình cùng người quen hỗ trợ để mua quà tặng cho người nghèo.

Có dịp trò chuyện với cụ Bảy Kỳ mới thấy “chất lửa” luôn rực cháy. Cách nói chuyện minh mẫn của một người thường xuyên luyện tập dưỡng sinh như cụ Bảy đã truyền cho chúng tôi niềm cảm hứng về tấm gương “chỉ biết cho đi”. Cụ Bảy Kỳ tâm sự: “Sống tới từng này tuổi để làm được những gì mình thích là vui rồi. Giờ làm được gì cho xã hội, cho bà con mình thì làm”.

* Vẫn giữ “lửa” đam mê công việc

Với nhiều người, nhất là phụ nữ sau thời gian làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp, khi về hưu thường tranh thủ thời gian để hưởng thụ, đi du lịch hoặc chăm sóc cháu nội, ngoại... Thế nhưng không ít người vẫn gắn bó với công việc và hoàn thành ước mơ mà mình từng ấp ủ.

Bà Huỳnh Thị Nghĩa, Chánh văn phòng Hội Khuyến học tỉnh(bìa trái) cùng nhà hảo tâm đi thăm và tặng quà cho trẻ em nghèo ở xã Đắc Lua (H.Tân Phú)
Bà Huỳnh Thị Nghĩa, Chánh văn phòng Hội Khuyến học tỉnh(bìa trái) cùng nhà hảo tâm đi thăm và tặng quà cho trẻ em nghèo ở xã Đắc Lua (H.Tân Phú)

Sau những năm tháng hoàn thành nhiệm vụ của mình, bà Hoàng Thị Lài, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy được nghỉ hưu theo chính sách, nhưng trong bà vẫn “cháy” ngọn lửa đam mê công việc. Vốn là một nhà giáo, nhưng việc dạy học của bà “tạm” ngắt quãng sau khi được tổ chức phân công làm công tác Đảng, song ước mơ và tâm huyết với nghề giáo vẫn âm thầm được bà nuôi dưỡng. Bởi thế sau khi về hưu, không dành nhiều thời nghỉ ngơi, bà Lài đã thành lập trường mầm non mang tên Hoàng Thị để “sống lại” đời nhà giáo của mình với những học sinh bé bỏng của mình. 

Không chỉ thế, bà Hoàng Thị Lài còn nhiệt tình tham gia rất nhiều công tác xã hội, đặc biệt bà đã có những đóng góp rất thiết thực trong vai trò là một nữ trí thức của Hội Nữ trí thức tỉnh. Suốt nhiều năm thanh xuân tận tụy với công việc, khi nghỉ hưu, có cơ hội được nghỉ ngơi nhưng bà vẫn tiếp tục hành trình với đam mê công việc. Phong thái khoan thai, nhẹ nhàng và duyên dáng, vẫn năng động và sáng tạo trong mỗi công việc phải làm, bà Hoàng Thị Lài vẫn đang đi về phía ước mơ. Bà  Lài quan niệm: “Đứng lại sẽ là đi lùi kiến thức. Khả năng nghiên cứu, nghe và nhận tri thức không bao giờ là thừa với bất cứ ai, dù ở độ tuổi nào và với lĩnh vực gì”. Điều đó đã cho thấy cách hiểu, cách nghĩ, cách hành động của một người phụ nữ tiến bộ và năng động trong thời hiện đại.

Mỗi người một cách nghĩ, cách làm, nhưng không ít phụ nữ đều có chung một niềm đam mê công việc và cống hiến, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, độ tuổi nào cũng như môi trường làm việc nào, ngay cả xông pha ra tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Vì nghĩ “mùa dịch bệnh làm được điều gì cho người dân thì làm”, BS Nguyễn Thị Minh Chúc (từng công tác tại Bệnh viện Đa khoa Biên Hòa), đã về hưu gần chục năm nhưng vẫn tham gia tuyến đầu chống dịch. Suốt mùa dịch bệnh vừa qua, BS Chúc chạy đi chạy lại từ bệnh viện đến trạm y tế và những khu vực có dịch để tiêm vaccine, lấy mẫu xét nghiệm và tư vấn, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.

BS Chúc chia sẻ, ai bị nhiễm hoặc có người nhà bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hẳn rất lo lắng, hoang mang, nhưng khi được bác sĩ chia sẻ, cảm thông và hướng dẫn cách điều trị cũng như phòng chống lây nhiễm..., người bệnh đã yên tâm hơn. Cũng như nhiều bác sĩ về hưu khác, khi xã hội cần lại tiếp tục khoác áo blouse lao vào tâm dịch, BS Chúc cho biết: “Tuy lớn tuổi nhưng về chuyên môn thì tôi vẫn làm được rất tốt nên khi xã hội cần, tôi không ngại góp chút sức lực cho đời”.

Hay như bà Huỳnh Thị Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH, một vị nữ lãnh đạo vẫn “duyên nợ” với công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em như thời bà còn đương chức. Hiện nay, ngoài vai trò là Chánh văn phòng Hội Khuyến học tỉnh, bà Nghĩa còn là thành viên của Ban bảo trợ trẻ em. Không chỉ đồng hành với những người có trách nhiệm mà bà còn thường xuyên rong ruổi đi thăm những trẻ em nghèo, bệnh tật, trẻ có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời giúp đỡ. “Về hưu cũng nhiều thời gian rảnh rỗi nên xã hội cần đến mình thì mình làm. Như thế cuộc sống ý nghĩa hơn” - bà Nghĩa chia sẻ.

Phương Liễu

Tin xem nhiều