Báo Đồng Nai điện tử
En

Covid làm khó "giấc mộng vua Trần"

09:03, 04/03/2022

Từ rất nhiều năm, giới chơi hoa ở miền Bắc rất mê các loại địa lan Bắc Hà từng một thời nổi tiếng như : Hoàng Vũ, Đại mạc, Thanh Trường, Mạc lan, Cẩm Tố… thì gần đây lại có thêm nhiều giống mới lai tạo như: Hồng Hoàng, Thanh lan, Hồng Vân mỹ nữ…, đặc biệt là 2 loại Hồng lan và Hắc lan cực quý hiếm. Nhưng khoảng 5 năm gần đây, địa lan Trần Mộng mới thực sự gây sốt thị trường hoa lan, nhất là vào dịp Tết.

Từ rất nhiều năm, giới chơi hoa ở miền Bắc rất mê các loại địa lan Bắc Hà từng một thời nổi tiếng như : Hoàng Vũ, Đại mạc, Thanh Trường, Mạc lan, Cẩm Tố… thì gần đây lại có thêm nhiều giống mới lai tạo như: Hồng Hoàng, Thanh lan, Hồng Vân mỹ nữ…, đặc biệt là 2 loại Hồng lan và Hắc lan cực quý hiếm. Nhưng khoảng 5 năm gần đây, địa lan Trần Mộng mới thực sự gây sốt thị trường hoa lan, nhất là vào dịp Tết.

Chợ lan Trần Mộng Tết Nhâm Dần trên quốc lộ D4 Lào Cai
Chợ lan Trần Mộng Tết Nhâm Dần trên quốc lộ D4 Lào Cai

Giấc mộng vua Trần

Giới chơi hoa tương truyền rằng vào thế kỷ XIII, vua Trần Anh Tông - người kiến tạo ra Ngũ Bách Lan viên cực kỳ xinh tươi, trong đêm nằm mộng thấy được xem một loại hoa lan đẹp uy nghi, rực rỡ với mùi hương thanh thoát, nhẹ nhàng. Tỉnh giấc nhà vua vẫn còn ngẩn ngơ. Kỳ lạ thay, ngày hôm đó có người mang tiến vua một chậu lan giống như ngài đã nhìn thấy trong giấc mộng. Từ đó loài lan quý hiếm này được mang tên Trần Mộng...

Cứ tưởng rằng với dáng vẻ uy nghi, bề thế, xum xuê lá cành dài hàng mét, chi chít hàng trăm bông hoa nhỏ trên mỗi cành, lại có đặc tính là bông nở hết trên cành, kéo dài từ cuối đông sang giữa xuân, mà không rụng nụ; địa lan Trần Mộng đầy nét vương giả này phải xuất thân từ chốn cao sang, quyền quý, thế nhưng trong thực tế loại lan này lại sống lẩn khuất trong vùng rừng núi Lào Cai và độc đáo hơn là chỉ có thể phát triển, nở hoa tuyệt đẹp ở đất Sa Pa, nơi vốn là “rốn rét” do quanh năm mây mù, gió lạnh.

Dân chơi lan sành điệu ở Lào Cai cho biết, tuy mang tên Trần Mộng, nhưng loài địa lan này mới được biết đến nhiều trong khoảng 10 năm trở lại đây. Loại thực vật có hoa với hàng trăm giống này mọc tự nhiên trên các mỏm đá trong rừng sâu.

Đầu tiên, có 2 cụ già người Dao ở thôn Tà Chải, xã Tả Phìn chuyên sống về nghề rừng và thu hái lá thuốc đã để ý quan sát và chọn đem về bản mỗi người một giống địa lan có hoa đẹp, thơm, nở vào đúng Tết Nguyên đán thuần giống rồi nhân rộng ra cho bà con trong bản cùng trồng. Thuở đó, không một người Dao và sau đó có cả người Mông biết cây địa lan này có tên Trần Mộng. Hễ xin được giống của cụ Lý Phù Dung thì bà con gọi là hoa “Dung”, còn ai xin được cây giống của cụ Lý Quẩy Chẳn thì gọi là hoa “ Chẳn”.

Lan rừng lên ngôi  

Khi hoạt động du lịch ở Sa Pa phát triển mạnh, thu hút dân du lịch từ các nơi kéo đến tham quan, tìm hiểu và trekking khắp các ngõ ngách của vùng đất sương mù; nhiều người đã ngỡ ngàng khám phá ra trong vườn nhà của đồng bào dân tộc có một loài địa lan quá đẹp nên tìm cách sở hữu.

Thấy lan rừng bán được nhiều tiền, một số thanh niên Dao, Mông sống trên đất du lịch đã nhạy bén thấy được sở thích của “ thượng đế” mê xê dịch, bèn kéo nhau băng rừng vượt suối bứng tất cả “Dung” lẫn “Chẳn” về trồng và ra sức chăm sóc.

Chậu địa lan Trần Mộng đặt tại sảnh nhà ga cáp treo Fansipan
Chậu địa lan Trần Mộng đặt tại sảnh nhà ga cáp treo Fansipan

Phong trào trồng loại địa lan đặc hữu Sa Pa nhanh chóng phát triển. Khởi đầu từ xã Tả Phìn đã lan sang Ngũ Chỉ Sơn, Mường Hoa, Hoàng Liên… và hầu như những xã còn lại ở thị xã miền núi này đều có ít nhiều trồng địa lan Trần Mộng.

 Và 2 giống Dung và Chẳn bấy giờ không được người trồng và mua địa lan Trần Mộng lưu tâm nửa mà họ phân biệt và định giá loài lan này qua 4 màu hoa đặc trưng: vàng chanh, xanh lơ, xanh ngọc, vàng nâu. Loại hiếm và có giá trị cao nhất là hoa màu xanh ngọc. Còn phổ biến nhất là vàng nâu được gọi là dòng Hồng hoàng.

Trong lúc đó, phát hiện ra loài hoa “ độc, lạ” các đại gia ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… lũ lượt đến Sa Pa tìm mua những chậu lan Trần Mộng loại càng “khủng” càng tốt và sẵn sàng chi trả bất cứ giá nào để có được “giấc mộng vua Trần”. Cuộc săn lùng lan Trần Mộng trở nên rầm rộ. Giá của loài địa lan này bị đẩy lên cao ngất ngưởng. Thị trường lan Trần Mộng trong cơn sốt được định giá một cách rất đơn giản: mỗi một cành (địa phương gọi là ngồng dài hơn nửa mét có từ 70-80 búp hoa) tính giá 1 triệu đồng. Đó là giá của giống lan Trần Mộng hồng hoàng, còn Trần Mộng màu xanh ngọc bích thì mỗi ngồng có giá từ 2-3 triệu đồng, tùy theo mức độ hoàn hảo của chậu hoa.

Rất nhiều bà con dân tộc Dao, Mông ở Sa Pa thoát nghèo và chuyển sang khá giả, không ít người còn giàu lên nhờ địa lan Trần Mộng. Ở xã Tả Phìn được xem là “thủ phủ của địa lan Trần Mộng” và đã chọn loại lan này làm mũi nhọn trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, có tất cả 701 hộ dân trong đó có đến 500 hộ trồng trên 20 ngàn chậu địa lan.

Ông Vũ Xuân Quý - Trưởng phòng Kinh tế TX.Sa Pa cho biết: Toàn thị xã có khoảng 100 ngàn chậu địa lan Trần Mộng và vào dịp Tết bà con đưa ra thị trường chừng 30 ngàn chậu. Vào những năm cơn sốt giá Trần Mộng lên cao, người muốn mua loại hoa này phải đặt trước cả 5-6 tháng.

Tránh rét lại đụng Covid

Nhiều bà con dân tộc Dao, Mông ở Sa Pa phất lên nhanh chóng nhờ địa lan Trần Mộng, nhưng lao vào công việc trồng và chăm sóc loại lan đặc hữu này phải chấp nhận những khó khăn, vất vả. Trần Mộng là loại địa lan rất khó tính, chỉ thích hợp nơi có khí hậu mát mẻ, môi trường có độ ẩm cao; rất sợ rét, đặc biệt là rét đậm rét hại thường xuất hiện vào lúc lan đang kết nụ. Mà Sa Pa vào cuối năm thời tiết thường chuyển sang giá lạnh, đêm chỉ còn 5 độ hay có sương muối và băng giá. Do đó, việc tránh rét cho lan là công đoạn rất nhiêu khê và tốn kém. Địa điểm thích hợp để cho địa lan ở Sa Pa tránh rét là khu vực chân núi thuộc xã Tòng Sành, H.Bát Xát - nơi có khí hậu ấm áp.

Tác giả cùng bà con dân bản Sả Séng (xã Tả Phìn, TP.Sa Pa) đứng trước vườn địa lan Trần Mộng
Tác giả cùng bà con dân bản Sả Séng (xã Tả Phìn, TP.Sa Pa) đứng trước vườn địa lan Trần Mộng

Dù đã chọn lựa những chậu lan đạt tiêu chuẩn thương phẩm mới mang đi tránh rét và bón thúc để cho Trần Mộng ra hoa đúng dịp Tết, nhưng việc vận chuyển vài trăm chậu lan tốn một số tiền không nhỏ. Bên cạnh đó, tiền thuê mặt bằng cùng lều bạt cho lan và người tránh rét cũng đòi hỏi chi phí rất lớn. Chưa kể cơm ăn, cơm dở hằng tháng trời sống cảnh xa nhà. Anh Giàng A Kìa cùng 3 người bạn ở Tả Phìn phải chung nhau 12 triệu đồng để thuê đất ở Tòng Sành cho lan Trần Mộng đỡ lạnh. Ông Lý Phù On còn thuê đến 500m2 mặt bằng với giá 15 triệu đồng để đặt 600 chậu địa lan…

Việc tránh rét cho địa lan Trần Mộng được diễn ra như một “quy trình” và người trồng lan ở Sa Pa cũng đã chuẩn bị sẳn sàng để thực hiện việc đó. Nhưng từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thị trường địa lan Trần Mộng trở nên hiu hắt.

Ông Hùng Mèo - chủ một nhà vườn lan nổi tiếng ở Sa Pa, người từng sở hữu đến 1 ngàn chậu lan Trần Mộng, đạt doanh thu hằng năm 7 tỷ đồng cho biết: “Mùa hoa Tết Tân Sửu thật thê thảm. Khách Hà Nội và các thành phố lớn không lên đặt hàng. Những ngày giáp Tết các nhà vườn đành cắt cành Trần Mộng rao bán với giá siêu rẻ, chỉ từ 20-60 ngàn đồng/nhồng địa lan dòng Hồng hoàng”.

Bước vào năm thứ 2 của đại dịch, các nhà vườn, cơ sở kinh doanh địa lan Trần Mộng đã chủ động rao bán dòng lan cao cấp này với giá thật hạ trên các mạng xã hội. Và vào những ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022 vừa rồi, người trồng lan ở Sa Pa đã tự phát hình thành một chợ hoa kéo dài hàng cây số dọc theo hai bên quốc lộ 4D - nối từ thị xã lên TP.Lào Cai.

Theo Phòng Kinh tế TX.Sa Pa: Mùa hoa Tết Nhâm Dần bà con đưa ra thị trường khoảng 30 ngàn chậu địa lan Trần Mộng, nhưng tiêu thụ không đến 15 ngàn chậu, với mức giá chỉ còn khoảng 2-3 triệu đồng chậu có từ 15-20 ngồng, còn bán cành chỉ từ 300-500 ngàn đồng/ngồng. Chậu lan Trần Mộng 100 ngồng có giá cao nhất là 90 triệu đồng trong mùa Tết vừa rồi ở Sa Pa được bán cho chủ một khách sạn ở Lào Cai. Phòng Kinh tế Sa Pa ước tính, tổng doanh thu mùa hoa Tết 2022 đạt 80 tỷ đồng, trong đó riêng địa lan Trần Mộng hơn 70 tỷ đồng...

Bùi Thuận

Tin xem nhiều