Báo Đồng Nai điện tử
En

Hai mươi năm ấy, biết bao nhiêu tình!

02:01, 22/01/2022

Trong những ngày cận Tết cổ truyền của dân tộc, nhà sử học Dương Trung Quốc, nguyên đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị tỉnh Đồng Nai liên tục 4 nhiệm kỳ, đã dành cho Đồng Nai cuối tuần cuộc trao đổi, chia sẻ thẳn thắng, chân tình.

Nhà sử học Dương Trung Quốc tự chụp ảnh có mô hình con thuyền bằng gỗ là sản phẩm thủ công của một cử tri H.Thống Nhất tặng cách đây 20 năm
Nhà sử học Dương Trung Quốc tự chụp ảnh có mô hình con thuyền bằng gỗ là sản phẩm thủ công của một cử tri H.Thống Nhất tặng cách đây 20 năm

Trong những ngày cận Tết cổ truyền của dân tộc, nhà sử học Dương Trung Quốc, nguyên đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị tỉnh Đồng Nai liên tục 4 nhiệm kỳ, đã dành cho Đồng Nai cuối tuần cuộc trao đổi, chia sẻ thẳn thắng, chân tình.

Làm trọn trách nhiệm của người đại biểu nhân dân

 Trước đây, cứ mỗi khi diễn ra kỳ họp Quốc hội, không chỉ cử tri Đồng Nai - nơi ông là đại biểu Quốc hội 4 nhiệm kỳ, mà cử tri nhiều nơi khác, luôn chờ đợi nghe ý kiến phát biểu và chất vấn của ông. Nay dù không là đại biểu Quốc hội, cử tri vẫn muốn nghe ý kiến của ông.

- Tôi không nghĩ như anh, cử tri sau mỗi nhiệm kỳ luôn mong tìm được những nhân tố mới thể hiện những thay đổi, tất nhiên theo chiều hướng tích cực hơn, nói cách khác là thỏa mãn hơn khi thấy những vấn đề cử tri đang quan tâm, hay bức xúc được thể hiện nhiều hơn, sắc sảo hơn… trên diễn đàn Quốc hội.

Còn những nhân tố ta tạm gọi là “cũ”, hiểu theo nghĩa là không gặp lại nữa, như những đại biểu Quốc hội không tái cử như tôi, chỉ có thể là những cảm tình nào đó của cái đã qua.

Đúng, tôi là một trường hợp khá hiếm hoi. Tôi nói vậy vì mình là người làm công việc nghiên cứu lịch sử, trong đó có lịch sử Quốc hội, lại có điều kiện tham gia liên tục 4 nhiệm kỳ mà không thay đổi nơi ra ứng cử (đơn vị số 4 tỉnh Đồng Nai). Thêm nữa, tôi lại là đại biểu Quốc hội (cũng ngày càng hiếm hoi) không phải là đảng viên.

Tôi tự nhận thấy, nếu mình có cái gì khác biệt khi thể hiện quan điểm hay phát biểu các ý kiến tại diễn đàn Quốc hội, trong đóng góp xây dựng pháp luật, giám sát hay quyết định những vấn đề quan trọng… thì đó là một sắc thái riêng của người làm công tác nghiên cứu lịch sử. Lịch sử là một pho kinh nghiệm của ông cha ta hay của thiên hạ, nếu biết đề cập đúng lúc, đúng chỗ thì dễ nhận được sự đồng thuận của dân, cũng như của chính các nhà lãnh đạo.

 Tại các diễn đàn Quốc hội, ý kiến nào ấn tượng của bản thân mà ông còn nhớ?

- Ý kiến đầu tiên tôi nêu trong phiên họp đầu tiên mình tham gia Quốc hội (khóa XI-2002) là: “Tại sao các đại biểu Quốc hội không hát Quốc ca?”. Hồi đó, mở đầu hay kết thúc kỳ họp đều có việc chào cờ. Ngoài dàn quân nhạc cử Quốc thiều thì có một tốp thanh niên nam nữ hát Quốc ca. Phần lớn mọi người thành thói quen chỉ nghiêm trang đứng im.

Ông Dương Trung Quốc sinh ngày 2-6-1947 tại xã Bình Thành, H.Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông là Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; Tổng biên tập Tạp chí Xưa và Nay, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ông ứng cử tại Đồng Nai, là đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV.

Khi nêu vấn đề này tại diễn đàn Quốc hội, tôi còn đưa ra dẫn chứng mà Báo Tuổi Trẻ đăng, như để hưởng ứng ý kiến của tôi là: Ở Đồng Nai, các cháu học sinh trường khiếm thính cũng biết “hát” Quốc ca bằng ngôn ngữ hình thể... Xin mở ngoặc hiện tượng không hát Quốc ca hồi đó là phổ biến đến mức có lần chính Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong một kỳ họp Ủy ban MTTQ Việt Nam (mà tôi cũng tham gia liên tục cho đến nay) kể rằng: đoàn cấp cao ta sang thăm một vương quốc ở Bắc Âu. Khi họ cử Quốc thiều thì từ Vua cho đến quan, đến dân đều đặt tay lên ngực hát nghiêm chỉnh, nhưng đến khi Quốc thiều ta cử lên thì các đại biểu của ta chỉ đứng nghiêm, khiến vị nguyên thủ nước bạn ghé tai hỏi Chủ tịch nước của ta là Quốc ca Việt Nam không có lời à?! Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhắc lại điều ấy cũng là để đòi hỏi chúng ta phải tự sửa mình.

Đó là câu chuyện gần 20 năm trước. Ngay sau đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão đã viết vào chương trình hoạt động của kỳ họp là: “Các đại biểu hát Quốc ca” mỗi khi thực hành nghi thức chào cờ… Phải vài kỳ họp sau, việc làm mà giờ đây ta coi là đương nhiên mới thành nền nếp.

Hay việc các chức danh cao cấp phải “tuyên thệ” khi nhậm chức tôi nêu lên cũng kèm theo dẫn chứng về tập quán “thề thiêng” từng có trong lịch sử, ví như: lời thề (theo truyền thuyết) trên núi Nghĩa Lĩnh của các Vua Hùng; lời thề trước đền Đồng Cổ thời Hoàng đế Lê Thái Tổ, cho đến “lời thề chém đá” của Bác Hồ tại Tân Trào… Cùng với sự đồng thuận chung, Quốc hội đã đưa thành tập quán pháp quy mà nhiều khóa Quốc hội gần đây đã thực hiện…

Hay đến đề nghị của tôi đặt tên hội trường họp toàn thể của Nhà Quốc hội là “Diên Hồng”, nơi họp Thường vụ là “Tân Trào” cũng được Quốc hội chấp nhận như sự nối tiếp truyền thống…

 Tại diễn đàn Quốc hội trước đây, có ý kiến đề xuất nào khiến ông còn trăn trở? Ông nghĩ mình đã làm tròn trách nhiệm của một đại biểu nhân dân?

- Cũng có đề xuất không thành công, ví như: khi bàn đến Luật Đất đai, tôi nói rằng ngay trong thời đại phong kiến, coi “Đất của Vua, chùa của Làng” thì vấn đề ruộng đất tư đã được công nhận và nó góp phần điều chỉnh những xung đột xã hội và kích thích sự phát triển… nhưng cuối cùng thì vấn đề tư hữu đất đai vẫn bị “gác lại”…

Ông Dương Trung Quốc phát biểu tại diễn đàn Quốc hội
Ông Dương Trung Quốc phát biểu tại diễn đàn Quốc hội

Tôi thường tự nhận mình đóng vai trò “người nhắc vở” để khỏi quên những bài học tốt đẹp trong lịch sử của ông cha, kể cả những vấn đề của thời đương đại. Ví như, năm 2003, tôi làm văn bản gửi lãnh đạo và phát biểu tại hội trường về việc năm 1963, Quốc hội mong muốn được tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh tấm Huân chương Sao Vàng đầu tiên thì Bác đã khiêm nhường nói rằng: đất nước chưa thống nhất, toàn quân, toàn dân đang hy sinh phấn đấu, nên chưa thể nhận được và Bác Hồ đề nghị “để đến ngày nước nhà thống nhất” trong niềm vui chung của cả nước “đồng bào miền Nam” sẽ trao huân chương ấy cho Bác. Bài phát biểu này in thành văn bản trong nhiều sách báo, kể cả Hồ Chí Minh toàn tập. Vậy mà đến năm 2002, thì đã 28 năm đất nước thống nhất, dù Bác đã mất, chúng ta đã “quên” làm cái điều mà Bác ao ước lúc sinh thời.

Năm 2003, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, theo tôi là rất linh động, vào đúng sinh nhật của Bác (ngày 19-5-2003) cũng là thời điểm khai mạc kỳ họp đã đọc một bài phát biểu ngắn nhưng làm thỏa mãn mọi người khi nhắc lại: “mong ước của Bác 40 năm trước” và nhấn mạnh rằng “không bao giờ quên”, nhưng giờ đây không có tấm huân chương nào xứng với công lao của Bác Hồ bằng chính sự nghiệp mà toàn Đảng, toàn Quân và toàn Dân đã đạt được cho đến thời điểm này.

Rồi ngay như vấn đề “văn hóa từ chức” nêu ra khi chất vấn Thủ tướng ở Quốc hội, thì tôi cũng không quên nói rằng tập quán này có trong truyền thống dân tộc (việc từ quan, hay chế độ Thái thượng hoàng thời Trần, Vua rời ngai vàng khi còn trẻ để giao quyền bính cho lớp trẻ hơn); cũng như trong lịch sử Đảng có gương ông Trường Chinh - Tổng bí thư thời cải cách ruộng đất từ chức vì sai lầm…, rồi phấn đấu cuối đời trở thành Tổng bí thư thời Đổi Mới được lịch sử ghi nhận, nhân dân kính trọng…

Nhắc lại những câu chuyện có thật này, tôi chỉ cảm thấy mình đã làm trọn trách nhiệm của một đại biểu làm công tác sử học, phát huy sở trường đóng góp vào các hoạt động của Quốc hội. Còn muôn vàn những vấn đề khác Quốc hội bàn đến thì chỉ có cách học hỏi và lắng nghe các vị đại biểu khác hay cử tri am hiểu để mình lựa chọn quan điểm của mình mà thôi…

Tóm lại, trả lời câu hỏi của anh có rất nhiều điều để nói, nhưng chỉ nêu một vài “chi tiết” trong cuộc phỏng vấn ngày Tết này thôi!

Giữ được sự ngay thẳng, trung thực của một người làm báo, làm sử

 Vậy thì điều gì khiến ông gắn bó với Đồng Nai trong 4 nhiệm kỳ liên tục?

- Trước khi được bầu vào Quốc hội, là ứng cử viên - tôi phải khai 4 nguyện vọng liên quan đến nơi mình định ra ứng cử, để Hội đồng Bầu cử cùng MTTQ điều chỉnh cho hợp lý, đặc biệt là với các đại biểu ứng cử từ các cơ quan ở Trung ương như tôi.

Ngày 15-5-2020, nhà sử học Dương Trung Quốc cùng các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV làm việc với lãnh đạo tỉnh và H.Long Thành về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Ngày 15-5-2020, nhà sử học Dương Trung Quốc cùng các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV làm việc với lãnh đạo tỉnh và H.Long Thành về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Tôi đã khai 4 nơi: Hà Nội là nơi sinh ra và sống trọn đời; Bến Tre là quê nội của tôi; Đà Nẵng là nơi tôi có nhiều gắn bó nghề nghiệp và Đồng Nai cũng tương tự, hồi đó tỉnh đang thực hiện dự án phục dựng Văn miếu Trấn Biên, tôi có nhiều cơ hội cùng các giáo sư Vũ Khiêu, Phan Huy Lê vào làm việc với tỉnh. Cuối cùng tôi được sắp xếp vào đơn vị số 4 (gồm các huyện: Tân Phú, Định Quán, ban đầu gồm cả H.Thống Nhất), đấy là địa bàn xa trung tâm tỉnh Đồng Nai nhất và cũng là những huyện thuần nông, nghèo nên ít vấn đề “nóng” hơn những huyện phát triển khác hay TP.Biên Hòa.

Những thay đổi tích cực sẽ là tất yếu

“Tôi gắn bó với Đồng Nai gần 2 thập kỷ nên chứng kiến được những đổi thay. Kết thúc nhiệm kỳ lại đúng vào lúc Đồng Nai đang có những đột phá, với việc triển khai đại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, những nỗ lực chỉnh sửa nhiều vấn đề tồn tại về môi trường, quy hoạch giao thông… nên tôi rất tin dù khó khăn, nhất là ứng phó với đại dịch Covid-19 nhưng những thay đổi tích cực sẽ là tất yếu. Ngay việc sinh hoạt trong Đoàn đại biểu Quốc hội, ngay cả lúc gặp những thử thách về nhân sự, nhưng vẫn giữ được mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, sự quan tâm của các cơ quan lãnh đạo tỉnh và nhất là xu hướng trẻ hóa trong đội ngũ đại biểu Quốc hội cũng là những điều đáng ghi nhận và với tôi là niềm tin về những gì sắp tới”.

Ngót 20 năm liên tục đi trên con đường từ Biên Hòa xuống Dầu Giây rồi rẽ theo quốc lộ 20 đến giáp tỉnh Lâm Đồng, tôi thấy cảnh quan ít có những thay đổi (hạ tầng) so với các huyện khác, tỉnh khác, nhưng đời sống người dân thay đổi trông thấy.

Ví như, 20 năm liền hay đến một điểm dừng chân để ăn sáng (vì đi mất hơn 3 tiếng mới đến nơi tiếp xúc cử tri) thì cái quán ăn ấy 20 năm trước chỉ là gian nhà ở, nay đã là một biệt thự thật sự khang trang… Riêng đường sá - 20 năm có sửa chữa - nhưng dự án thành đường cao tốc lên Tây nguyên mãi không thực hiện được với quy mô tương xứng…

Hỏi rằng vì sao tôi gắn bó ư? Có lẽ vì cái ấn tượng đầu tiên về mảnh đất này. Đó là hôm các ứng cử viên được 10 phút phát trên Đài PT-TH Đồng Nai để tự giới thiệu chương trình hành động nếu trúng cử. Ngỡ ngàng với công việc lần đầu tham gia, tôi nói thẳng với cử tri đại ý là tôi chưa làm đại biểu nên chưa biết hết những việc sẽ phải làm và năng lực của mình làm đại biểu, nên tôi không hứa, vì tôi sợ hứa mà không làm được. Cho nên, tôi xin phép không hứa hẹn gì, nếu hứa thì chỉ hứa một điều là giữ được sự ngay thẳng và trung thực của một người làm báo và làm sử.

Bài vận động rất ngắn, nhưng tôi may mắn là đã quen nói trước cộng đồng người hay trên truyền hình nên có lẽ nói lưu loát và gây được cảm tình của cử tri Đồng Nai chăng? Vì thế cả 4 lần ứng cử một nơi vẫn được bà con bầu không trượt lần nào.

 Ông có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ trong những lần tiếp xúc cử tri Đồng Nai?

- Có một câu chuyện vui, trong lần tiếp xúc cuối cùng, bà con cử tri đã quen thuộc, có vị nêu vấn đề: “Bác làm đại biểu 20 năm mà chẳng thấy mang về cho địa phương các “cơ sở hạ tầng” nào cả?”. Trong lúc chan hòa vui vẻ, tôi cũng nói vui rằng: “Là cán bộ đã về hưu được bầu làm đại biểu, chẳng có nguồn lực nào để đóng góp vật chất, thôi thì nếu có nhu cầu thì chỉ xin đóng góp nguồn nhân lực thôi”. Nghe xong mọi người cười vui vẻ, còn mấy bà mấy chị đấm lưng nhau thùm thụp nói gì tôi nghe không rõ… Đúng là có nhiều vị đại biểu huy động được những nguồn lực đóng góp rất thiết thực như: làm đường, xây trường học, cầu cống…

Nhưng nếu nói về cái điều mình cảm thấy có sự ân hận, bức xúc nhất khi làm đại biểu Quốc hội là chưa làm được nhiều, hay nói đúng hơn là làm được còn ít, chính là việc giải tỏa những bức xúc (chính đáng) của cử tri khi họ tìm đến mình như một niềm tin tưởng. Việc khiếu kiện thường rất phức tạp, làm lâu mình hiểu. Có nhiều cán bộ tốt, luật lệ đúng… nhưng vận dụng hay tác động để bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người dân thì không dễ tí nào. Có những việc kéo dài cả chục năm mới giải quyết  được phần nào…

Theo luật thì đại biểu Quốc hội là đại biểu cho cả nước, tôi lại ở Hà Nội, nên ngoài trách nhiệm với cử tri Đồng Nai thì áp lực đến từ nhiều nơi khác nên càng làm càng thấy cái hạn chế, đôi khi bất lực của mình. Tôi đã từng tâm sự, mình giống một viên thuốc an thần nhiều hơn là thuốc chữa bệnh. Cử tri càng tin tưởng vào mình bao nhiêu thì đôi khi cái kết cục không đáp ứng được khiến cử tri thất vọng về mình bấy nhiêu… Đến nay, khi đã thôi là đại biểu Quốc hội cả nửa năm, tôi vẫn nhận được thư từ khiếu kiện của cử tri gửi đến…

 20 năm, một thời gian có thể nói là dài, xin ông tóm gọn những kỷ niệm, ấn tượng tạm gọi là khó quên với Đồng Nai?

- Đành phải lấy lời của người khác để vận vào mình, đó là câu thơ của Chế Lan Viên “Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. 20 năm đã dài, 20 năm cuối của thời gian cống hiến cuối đời là những gì quý giá nhất mà mình khó có thể quên.

 Trong nhà tôi, đến nay vẫn còn giữ một vật kỷ niệm, đó là một mô hình con thuyền bằng gỗ, sản phẩm thủ công của một cử tri ở Gia Kiệm, H.Thống Nhất tặng tôi khi tôi lần đầu tiên tiếp cận để vận động ứng cử, cách đây đã 20 năm. Và tôi không bao giờ quên lời động viên của vị cử tri ấy: “Tặng bác con thuyền để bác vượt sóng… đến với Đồng Nai”!

 Xin cảm ơn ông và chúc ông luôn mạnh khỏe, tiếp tục có những đóng góp dưới góc độ một nhà sử học, nhà báo, nguyên đại biểu của nhân dân!

Trung Phi (thực hiện)

Tin xem nhiều