Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà văn Văn Thành Lê: Đường văn luôn rộng mở, cứ đi và viết nếu còn có thể

11:10, 29/10/2021

Thuộc thế hệ 8X, được đánh giá là khá đa năng, sáng tạo nên dù số lượng tác phẩm xuất bản chưa quá nhiều nhưng nhà văn trẻ Văn Thành Lê đang tạo được dấu ấn, từ các đề tài thiếu nhi đến viết cho người trưởng thành.

Thuộc thế hệ 8X, được đánh giá là khá đa năng, sáng tạo nên dù số lượng tác phẩm xuất bản chưa quá nhiều nhưng nhà văn trẻ Văn Thành Lê đang tạo được dấu ấn, từ các đề tài thiếu nhi đến viết cho người trưởng thành.

Không những vậy, anh còn cố gắng dõi theo các đồng nghiệp cả tiền bối lẫn đồng trang lứa để khắc họa nên chân dung sống động của họ như cuốn chân dung văn học Lần đường theo bóng (7-2021) do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Với Văn Thành Lê, viết văn đã là “nghiệp”,  và con đường ở dưới chân mình, cứ đi, nếu còn có thể.

Trong vắt cùng trẻ thơ

* Đầu năm nay, anh là thành viên trẻ nhất trong Hội đồng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, anh có thể chia sẻ một chút về điều này?

- Tôi nghĩ chuyện này cũng… giản dị thôi. Trong nỗ lực trẻ hóa của Ban chấp hành Hội Nhà văn thì thành viên các hội đồng và ban chuyên môn cũng đang dần trẻ hơn để theo sát sự vận động của đời sống văn chương đương thời. Hội đồng Văn học thiếu nhi lại càng nên trẻ để gần đối tượng mà mình hướng đến. Có lẽ thế nên tôi cùng những người trẻ khác được “điểm mặt, chỉ tên”. Cùng thế hệ 8X với tôi còn có nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa. Chúng tôi như “thêm tai, thêm mắt” giúp hội đồng trong các hoạt động chuyên môn. Hy vọng trẻ thì tai còn thính và mắt còn nhạy, chứ thực ra tôi cũng có nhiều tóc bạc rồi.

* Trong số 15 đầu sách đã xuất bản, 4 tác phẩm viết cho thiếu nhi của anh tạo được dấu ấn nhất định. Điều gì làm anh trăn trở nhất khi viết cho thiếu nhi?

- Trăn trở nhất là viết sao để được các em chấp nhận, để việc sách của mình không thêm “gánh nặng” cho đơn vị xuất bản, để lâu lâu biên tập viên lại hỏi có gì mới cho thiếu nhi không?

* Tác phẩm Trên đồi, mở mắt và mơ đã in đến lần thứ 6, chạm mốc 10 ngàn bản, hay Bên suối, bịt tai nghe gió ra mắt giữa dịch Covid-19 nhưng đã có tin vui tái bản, vậy để cuốn sách hấp dẫn trẻ và ngay cả phụ huynh, theo anh người viết cần lưu ý điều gì?

- Trả lời rốt ráo được câu hỏi này thì tôi đã mở trường dạy… viết văn rồi, hoặc cứ im đi mà đón độc giả đến với tác phẩm của mình thôi. Văn chương chả có công thức chung nào cả, chỉ là, viết cho các em, tôi cố gắng tránh việc biến mình thành thầy giáo. Không áp đặt, không nặng chuyện răn dạy, nếu có cũng mềm mại, tự nhiên nhất có thể. Để các em thấy ở các nhân vật có hình bóng mình, thế giới truyện kể như là thế giới của các em. Trong vắt, hồn nhiên. Cười là các em. Khóc cũng là các em. Không có lấp ló bóng dáng người lớn cười thay và khóc thay.

* Văn học thiếu nhi luôn là mảnh đất “màu mỡ”, nhưng lâu nay chưa có nhiều dấu ấn, anh nhận định như thế nào về điều này?

- Chả cứ gì văn học thiếu nhi, mà văn học nói chung, để tìm dấu ấn cũng không dễ. Chưa kể, từ trước đến nay chúng ta vẫn luôn miệng nói “trẻ em hôm nay thế giới ngày mai”, “tất cả vì tương lai con em chúng ta”, nhưng cách chúng ta quan tâm đến đời sống tinh thần, cụ thể là văn học sáng tác cho các em, là chưa nhiều. Hình như các nhà văn nhấp nha nhấp nhổm, mang tâm lý sợ mình bé đi khi viết cho trẻ con chăng? Hoặc có người đau đáu với thiếu nhi nhưng lại không chạm tới được các em. Viết cho thiếu nhi không hề dễ. Mặt khác, chúng ta thiếu người đọc văn học thiếu nhi một cách chuyên tâm, nghiêm cẩn, có nghề, mà thừa người đọc, người phán kiểu “nghe hơi nồi chõ” và hẹp bụng.

Nhà văn Văn Thành Lê giao lưu, ký tặng sách cùng các em học sinh. Ảnh: VƯƠNG THẾ
Nhà văn Văn Thành Lê giao lưu, ký tặng sách cùng các em học sinh. Ảnh: VƯƠNG THẾ

Vài năm trở lại đây số lượng tác giả, nhất là tác giả trẻ, viết cho thiếu nhi khá nhiều, nếu theo dõi sát vẫn có thể tìm ra được một số tác phẩm trội hơn, ấn tượng hơn. Điều cần nhất là có một tổ chức đủ uy tín trao cho những cuốn sách hay, để nó có một danh phận và không rơi vào cảnh cá mè một lứa, lẫn vào các sáng tác khác.

Hy vọng một số giải thưởng văn học thiếu nhi đã ra đời/ trở lại, rồi việc nâng cấp Ban Văn học thiếu nhi, được hiểu như thiên về hoạt động phong trào, thành Hội đồng Văn học thiếu nhi hoạt động mang tính chuyên môn, thì việc cổ vũ, tìm kiếm tác phẩm văn học thiếu nhi hay sẽ có dấu ấn rõ ràng hơn trong thời gian tới. 

* Từ thầy giáo - viết văn chuyển qua biên tập viên tạp chí văn nghệ - viết văn, và hiện nay làm việc ở NXB Kim Đồng, anh có nghĩ môi trường hiện tại sẽ là động lực nuôi dưỡng để anh đi tiếp với các em nhỏ?

- Làm việc tại NXB Kim Đồng mở ra cơ hội để tôi được tiếp xúc nhiều, thường xuyên với các sáng tác cho thiếu nhi, đồng thời tôi được tiếp xúc, gần gũi các em nhiều hơn trong những chương trình về trường học, về vùng sâu vùng xa. Từ đó, tôi tôi hình dung rõ hơn, ý thức cụ thể hơn về việc viết cho các em.

Và “đuổi bóng” người lớn

* Nói vậy thì hình như anh đang bỏ quên một người lớn trong mình, như  đã từng thể hiện ở Không biết đâu mà lần, Thừa ra một người hay Sa lan đỏ bãi xanh?

- Tôi từng nói “nếu như viết cho tuổi mới lớn là để được sống với thuở rung động đầu đời, đầy mơ mộng ngác ngơ trong sáng nhất, thì viết cho người lớn để thấy mình của ngổn ngang đương đại, còn viết cho thiếu nhi là cơ hội để “chống lại” Heraclitus, rằng con người có thể tắm nhiều lần trên dòng sông tuổi thơ…” Vậy nên những câu chuyện dành cho người lớn vẫn ngổn ngang trước mắt, không chạy đi đâu được. Dù có muốn thì ta cũng không thể lãng quên những gì đang bủa vây mình.

* Bên cạnh sáng tác, anh còn có Như cánh chim trong mắt của chân trời (2017) và Lần đường theo bóng (7-2021) là 2 cuốn chân dung văn học, được nhiều bạn văn cũng như một số nhà phê bình đồng cảm. Sao anh lại quyết lần đường theo bóng các văn nhân?

- Viết chân dung văn học, bên cạnh việc cố gắng làm sáng rõ các tác giả theo cách cảm và góc nhìn của mình, để người đọc thêm hình dung, đến gần với nhân vật hơn, thì theo từng bài viết, chính tôi đang ghi lại hành trình tự học của mình, từ sáng tác của nhân vật. Thêm nữa, đâu đó còn là nơi để tôi có thể giải bày những quan điểm, nghĩ suy, nhận định cá nhân về những chuyển động trong đời sống văn chương.

Cuốn chân dung văn học Lần đường theo bóng của Văn Thành Lê
Cuốn chân dung văn học Lần đường theo bóng của Văn Thành Lê

* Thế nhưng với người tuổi đời, tuổi nghề còn khá trẻ, sự dấn thân, thậm chí là “dám” viết về những bậc đàn anh, những người đi trước, anh có lo lắng về áp lực, đánh giá (nếu có) của người trong nghề?

- Quả thật 2 cuốn chân dung văn học nằm ngoài hình dung ban đầu của tôi khi bước vào đường chữ. Còn nhớ, chân dung đầu tiên tôi viết là “điền vào chỗ trống” giúp anh bạn nhà báo. Sau lần đó, trước gợi ý viết tiếp, tôi đã phân vân, mình sáng tác còn chưa đến đâu mà bày đặt phán về người khác. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, mình không phán hay xếp hạng bất kì ai. Nghĩ vậy, tôi thấy cũng nhẹ nhàng.

Bên cạnh việc nhìn lên, học hỏi từ các thế hệ đi trước, tôi cũng học và muốn đồng hành với những cây viết thuộc thế hệ mình, trẻ hơn mình. So với thế hệ 7X có những cá nhân, hội nhóm, trào lưu phá cách trong sáng tác, tạo sóng trên văn đàn một thời thì 8X trầm lắng hơn. Nhưng trầm lắng không có nghĩa là không có gì. Tôi mong có thể gọi tên những người đã “có gì” ra theo cách nhìn của mình. Đường văn còn dài, chẳng ai nói trước được ngày mai, nhưng với những chân dung đã dựng, tôi có niềm tin các bạn ấy còn bước tiếp. 8X và 9X là của hôm nay, cớ sao phải chờ hai ba chục năm nữa khi mọi sự đã rồi mới điểm mặt gọi tên.

* Anh có sợ đi nhiều đường, lắm lối rồi sẽ… chả đến đâu?

- Con đường trong văn chương chữ nghĩa lạ kỳ lắm, người viết cứ đi mà chả biết đích ở đâu. Đi cho đến lúc đầu hết nghĩ được và tay hết viết được, gõ được bàn phím. Tôi chỉ sợ đứng yên, chữ nghĩa không cựa quậy được gì thôi, chứ còn cứ đi, nhiều đường hay một lối, nhúc nhích được, là vui. Tất nhiên, chả phải vì thế mà mình cứ đi bừa, đi ẩu (cười).

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

VĂN THÀNH LÊ tên thật là Lê Văn Thành (1986), tác giả 15 tác phẩm gồm truyện, thơ, tản văn, chân dung văn học, hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM. Văn Thành Lê cũng đã nhận nhiều giải thưởng như: giải thơ Báo Mực Tím, giải truyện ngắn Báo Phụ nữ TP.HCM, 2 lần giải thơ Bút Mới Báo Tuổi Trẻ, giải thưởng cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi (NXB Kim Đồng - Hội Nhà văn Đan Mạch)…

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều