Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhộn nhịp "chợ ảo"

10:05, 21/05/2021

Hiện có khá nhiều nhóm mua bán các mặt hàng ở chợ truyền thống nhưng diễn ra trên mạng xã hội. Chẳng hạn: chợ Trảng Dài online, chợ Tam Hiệp - Biên Hòa online, nhóm mua bán Chung cư A2... Các "chợ ảo" thu hút hàng chục ngàn người tham gia.

Hiện có khá nhiều nhóm mua bán các mặt hàng ở chợ truyền thống nhưng diễn ra trên mạng xã hội. Chẳng hạn: chợ Trảng Dài online, chợ Tam Hiệp - Biên Hòa online, nhóm mua bán Chung cư A2... Các “chợ ảo” thu hút hàng chục ngàn người tham gia.

Quản trị viên Nhóm mua bán Lục Quân livestream bán hàng trên “chợ ảo”
Quản trị viên Nhóm mua bán Lục Quân livestream bán hàng trên “chợ ảo”

Hàng hóa đa dạng, giá cả phong phú, không phải đến nơi đông người, chợ online đang là kênh mua sắm được nhiều người ưu tiên. Tuy nhiên việc mua bán trên không gian ảo cũng có những hạn chế, phiền toái nhất định.

* Phong trào “đi chợ ảo”

Hiện nay mua bán online không chỉ diễn ra trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hiện đại mà còn nhộn nhịp trên mạng xã hội. Ðể đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh ăn uống, quán cà phê, những người buôn bán nhỏ lẻ… thông qua các ứng dụng bán hàng qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo. Chỉ cần một vài thao tác, người dùng có thể mua bất cứ loại thực phẩm nào dù đang ngồi quán cà phê, văn phòng hay tại nhà.

Chợ ảo “Trảng Dài online” là nhóm mua bán công khai có hơn 31,5 ngàn tài khoản đăng ký. Chợ có 4 quy tắc mà mọi thành viên tham gia đều phải biết và tuân thủ, đó là: không sử dụng ngôn từ gây thù ghét hoặc bắt nạt; trao đổi lịch sự và tử tế; không được tự quảng bá, spam, đăng liên kết không phù hợp; tôn trọng quyền riêng tư, không tiết lộ nội dung được chia sẻ trong nhóm ra bên ngoài.

Chị Trần Thị Tâm (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) bán hàng trên chợ online
Chị Trần Thị Tâm (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) bán hàng trên chợ online

Chợ Trảng Dài online có bán đầy đủ các mặt hàng từ đồ gia dụng thông thường, thời trang, ẩm thực cho đến hàng công nghệ cao cấp. Ngoài ra, chợ còn có nhiều loại hình dịch vụ mà chợ truyền thống, siêu thị, kể cả các website bán hàng cũng chưa chắc có như: dịch vụ vệ sinh máy lạnh, máy giặt; giúp việc nhà theo giờ; tuyển dụng người làm, đưa đón học sinh…

Ðược lập ra từ năm 2020, Nhóm mua bán Lục Quân hiện thu hút được hơn 20 ngàn người đăng ký. Anh Bùi Duy Tân, quản trị nhóm cho biết, mục đích ban đầu của việc lập nhóm là để quảng bá sản phẩm mình kinh doanh đến bạn bè trên Facebook. Về sau, người này mời người khác, số lượng thành viên tăng nhanh. Nhóm khuyến khích các thành viên đăng tải mặt hàng mình bán, mặt hàng cần mua lên nhóm để giao dịch. Hiện tại, mỗi ngày có khoảng 500-700 bài viết mới, cao điểm hơn 1 ngàn bài/ngày.

Cũng theo quản trị viên Nhóm mua bán Lục Quân, để trở thành diễn đàn mua bán uy tín cho mọi người, nhóm tự đặt ra các quy định là không thu phí bất kỳ bài đăng hay giao dịch nào. Các thành viên trong nhóm không được share livestream (chia sẻ các quảng cáo bán hàng trực tiếp trên mạng) của bài viết khác sang nhóm nhưng được tự livestream trong nhóm. Những mặt hàng cấm, comment không lịch sự, bài viết nói xấu nhau hoặc xâm phạm quyền riêng tư đều bị block khỏi nhóm.

Chỉ tính trên địa bàn TP.Biên Hòa có đến hàng chục “chợ ảo” tương tự như chợ Trảng Dài online. Quản lý các chợ ảo này thường do người đang kinh doanh một hoặc một vài món hàng lập ra. Họ mời những người cùng bán hàng, khách mua hàng ghé thăm và mua sắm trên “chợ ảo”. Cũng tương tự các siêu thị, “chợ ảo” có ngày bán hàng giảm giá, có giờ bán hàng miễn phí tiền vận chuyển, có phiên chợ bán hàng thanh lý… Các buổi bán hàng như vậy khá nhộn nhịp và thường diễn ra vào cuối tuần. Kẻ bán livestream, quảng cáo, chốt đơn nhiệt tình. Còn người mua thì săn sale, chia sẻ, chốt mẫu.

* “Tiện” nhưng chưa hẳn “lợi”

Không phải đi chợ, đến cửa hàng hay ra siêu thị, chỉ cần một chiếc máy tính, điện thoại thông minh hay máy tính bảng có kết nối internet cùng một vài thao tác đơn giản, người tiêu dùng có thể mua bất kỳ loại hàng hóa nào trên “chợ ảo”. Chính sự tiện lợi này, chợ online trên mạng xã hội ngày càng được nhiều bà nội trợ lựa chọn.

Các mặt hàng trên chợ Trảng Dài online
Các mặt hàng trên chợ Trảng Dài online

Chị Phạm Thị Bích, KP.11A, P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) cho biết, khoảng 2 năm nay, việc mua sắm của gia đình chủ yếu đều qua điện thoại di động. Muốn mua gì chỉ cần vào trang web hoặc lên Facebook đặt hàng là có người giao đến tận nhà. Từ quần áo, giày dép, đồ gia dụng đến thực phẩm, đồ ăn uống hằng ngày đều rất đa dạng. “Tôi thấy mua hàng trên chợ online khá tiện. Tôi có thể mua hàng mọi lúc, mọi nơi. Tôi cũng dễ dàng so sánh giá cả giữa chợ online với chợ truyền thống, giữa các chợ online với nhau. Mua mua sắm trên mạng xã hội cũng giúp tôi hạn chế tiếp xúc nhiều người” - chị Bích chia sẻ.

Chị Trần Thị Tâm, thành viên Nhóm mua bán Lục Quân thừa nhận, bán hàng trên chợ online được nhiều hơn và thuận tiện hơn so với bán ở cửa hàng hoặc bỏ mối sỉ. Ðó là người bán không bị trả giá, không bị mua thiếu; đỡ chi phí mặt bằng, điện, nhân công bán hàng. “Khoảng 50% sản phẩm đồ gia dụng, đồ điện tôi bán trên chợ online, 20% bán tại cửa hàng và 30% bỏ sỉ. Phải công nhận, chợ online giúp tôi tiếp cận được khách hàng nhanh và nhiều hơn. Tất nhiên, sản phẩm tôi bán là hàng tốt, có nguồn gốc rõ ràng, không bị khách hàng phàn nàn. Tôi bảo hành sản phẩm theo quy định của nhà sản xuất nên khách cũng yên tâm” - chị Tâm cho hay.

Không thể phủ nhận, “chợ ảo” đang khá thịnh hành với cả người bán lẫn người mua bởi sự tiện lợi mà nó mang lại. Tuy nhiên, kênh mua bán này cũng có những mặt trái và mang lại không ít sự phiền toái. Bởi, người tiêu dùng không thể trực tiếp thử, kiểm tra sản phẩm nên hàng hóa nhiều khi không được như kỳ vọng. Mặt khác, nhiều đối tượng kinh doanh kiểu “chụp giật”, bán hàng “không có tâm” lợi dụng chợ ảo để bán hàng nhập lậu, hàng dỏm, hàng kém chất lượng.

Một quản trị viên “chợ Tam Hiệp - Biên Hòa online” cho rằng, với số lượng hàng ngàn người tham gia, hàng trăm bài viết mới mỗi ngày, việc quản lý, kiểm soát sản phẩm của người bán trên chợ ảo gặp khá nhiều khó khăn. Một số cá nhân tận dụng chợ ảo chào bán sản phẩm, nhưng thực tế khi đến tay người tiêu dùng lại không như quảng cáo cả về hình dáng và tính năng. Ðã có trường hợp người tiêu dùng mua phải hàng kém chất lượng, họ phản hồi lại với người bán nhưng không được giải quyết buộc họ phải gửi hình ảnh, bài viết đến quản trị viên nhờ đăng tin cảnh giác cho người dùng sau.

Ngoài việc quảng cáo, chào bán sản phẩm không đúng với thực tế; kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng, chợ online cũng đối mặt với nhiều vấn đề như: đăng tải hình ảnh, chia sẻ thông tin tiêu cực, câu like. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng giữa những người bán với nhau.

Lê An

Chợ online, nhóm mua trên ứng dụng mạng xã hội Facebook, Zalo về hình thức là “chợ ảo”, chợ tự phát, không có đăng ký kinh doanh, không có quản lý thị trường nhưng lại đang phát triển khá nhiều. “Chợ” do một hoặc vài cá nhân lập ra và thu hút người bán, người mua tham gia giao dịch hàng hóa trên đó.

Mặc dù các chợ, nhóm mua bán này đều có nội quy, quy định đối với mọi thành viên, tuy nhiên, để tránh tiền thật mua hàng giả, tiền mất tật mang, người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ nguồn gốc, chế độ bảo hành của món hàng mình cần mua; điều kiện và điều khoản khi mua hàng trên “chợ ảo”; kiểm tra hàng trước khi thanh toán; chọn địa chỉ mua sắm uy tín để tránh gặp phải những rủi ro không đáng có.

 

 

 

 

Tin xem nhiều