Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi lo đuối nước luôn tiềm ẩn

11:04, 25/04/2021

Chưa đến hè nhưng trên địa bàn Đồng Nai đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm 3 trẻ mầm non tử vong tại hồ chứa nước tưới cà phê ở xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) vào ngày 13-4. Vụ việc khiến nhiều người không khỏi xót xa và lo lắng trước nguy cơ đuối nước, nhất là khi mùa hè đang đến gần.

Chưa đến hè nhưng trên địa bàn Đồng Nai đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm 3 trẻ mầm non tử vong tại hồ chứa nước tưới cà phê ở xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) vào ngày 13-4. Vụ việc khiến nhiều người không khỏi xót xa và lo lắng trước nguy cơ đuối nước, nhất là khi mùa hè đang đến gần.

Một chuyến đò ngang trên sông Cái (TP.Biên Hòa) không có hành khách nào mặc áo phao, dễ dẫn tới nguy cơ đuối nước cho hành khách nếu có sự cố bất ngờ. Ảnh: Đ.Tùng
Một chuyến đò ngang trên sông Cái (TP.Biên Hòa) không có hành khách nào mặc áo phao, dễ dẫn tới nguy cơ đuối nước cho hành khách nếu có sự cố bất ngờ. Ảnh: Đ.Tùng

Hằng năm, trên toàn tỉnh xảy ra nhiều vụ đuối nước ở cả đô thị lẫn nông thôn. Nguyên nhân chính do nhiều người còn chủ quan, lơ là trong phòng ngừa các nguy cơ đuối nước, nhất là các nguy cơ đuối nước đối với trẻ em.

* Nguy cơ khắp nơi

Ông Nguyễn Đức Tài (ngụ P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) nhận định: “TP.Biên Hòa là đô thị có sông Đồng Nai cùng nhiều nhánh suối nên nguy cơ đuối nước xảy ra ở các bờ sông, suối là rất cao. Thậm chí nhiều tuyến đò ngang hoạt động nhưng không buộc khách mặc áo phao, nếu xảy ra sự cố bất ngờ cũng khó tránh khỏi các tai nạn đuối nước xảy ra. Hay nhiều công trình xây dựng có các bể chứa nước nhưng thiếu rào chắn hoặc bảo vệ không để ý để trẻ em vào vui chơi cũng rất dễ xảy ra nguy cơ đuối nước ở trẻ”.

Tính riêng năm 2020, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh và công an các địa phương đã tổ chức 17 vụ tìm kiếm thi thể nạn nhân đuối nước (kết quả đã tìm kiếm được 37 thi thể nạn nhân, đưa 56 nạn nhân đến nơi an toàn). Trước đó, năm 2019, chỉ tính riêng Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông (thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh) đã tham gia cứu nạn 26 lần (8 vụ đuối nước, trôi sông). Tuy nhiên, đó là số vụ việc mà lực lượng chức năng ghi nhận, ngoài ra còn nhiều vụ đuối nước được người dân tự phát hiện và trục vớt.

Cùng quan điểm với ông Tài, anh Phan Anh Minh (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) nói thêm, đuối nước có thể xảy ra ở nhiều nơi, nhiều tình huống không thể lường trước, kể cả người lớn, người biết bơi cũng có thể gặp phải. Không chỉ sông, hồ, ao mà ngay cả các đập thủy lợi, mương, cống thoát nước, hố nước, hồ bơi... đều có thể xảy ra đuối nước. Đặc biệt vào mùa hè, cũng là cao điểm mùa mưa, nước tại các khu vực sông, hồ dâng cao gây ngập tại một số nơi; thậm chí các vị trí cống bị hư nắp, mương thoát nước hở có thể làm người đi đường bị nước cuốn”.

Ngay trong năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra một số vụ tai nạn do nước cuốn trôi khi lưu thông trên đường như: chiều 21-9-2020, một người phụ nữ rơi xuống mương hở (trong lúc đi bộ) và bị nước cuốn tử vong tại xã Gia Tân 1 (H.Thống Nhất). Hay tại đập tràn suối Tà Rua (H.Định Quán - H.Xuân Lộc) chiều 28-6-2020 và chiều 22-9-2020 đã có tổng cộng 3 xe ô tô bị nước cuốn trôi, may mắn tất cả người trên 3 xe đều thoát nạn.

Ông Nguyễn Văn Chiều (ngụ xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc) từng tham gia giải cứu nhiều xe bị trôi ở đập tràn suối Tà Rua cho biết, đập tràn nối 2 xã Xuân Bắc và suối Nho (H.Định Quán). Sau những cơn mưa lớn kéo dài, mực nước tại đập tràn này thường dâng lên cao hơn 2m và chảy rất mạnh, bà con nơi đây không ai dám đi qua đập tràn. Dù địa phương đã cắm bảng cảnh báo không qua đập tràn khi trời mưa lớn nhưng nhiều người không chú ý. Mùa mưa năm nào khu vực đập tràn cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn trôi xe ô tô rất nguy hiểm. Người dân chỉ mong con đường đi qua đập tràn sớm được triển khai xây dựng để đến mùa mưa không còn nỗi lo trôi xe khi qua đây nữa.

* Khắc phục những “lỗ hổng” gây nguy cơ đuối nước

Để hạn chế các vụ tai nạn đuối nước, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh quan tâm xây dựng các chương trình dạy bơi cho trẻ từ học đường, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cảnh báo nguy cơ đuối nước trong các trường học và tại các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước. Đặc biệt cần quan tâm khắc khục những “lỗ hổng” tại các khu vực ao, hồ, sông, suối, mương... có thể gây tai nạn đuối nước bất ngờ.

Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông (thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh) luyện tập cứu người đuối nước
Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông (thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh) luyện tập cứu người đuối nước

Anh Nguyễn Minh Anh (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) đề xuất: “Các ao, hồ tự nhiên trong  khu dân cư do chính quyền địa phương hoặc hộ dân quản lý đều phải được rào lại và cắm biển báo. Các tuyến cống, mương thoát nước trên đường cần liên tục được kiểm tra, thay thế các nắp bị bể, nứt và có phương án lắp các nắp mương hở, bất kể là tuyến mương đó không đi qua khu dân cư. Các khu vực bến nước sát sông phải lắp đặt biển cảnh báo đuối nước, cấm trẻ em vui chơi, tắm sông nếu không có giám sát của người lớn”.

Vị trí mương hở ngay gần nhà chờ xe buýt trên quốc lộ 1 (gần Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) khiến nhiều người lo ngại nguy cơ đuối nước cho trẻ vào mùa mưa sắp tới
Vị trí mương hở ngay gần nhà chờ xe buýt trên quốc lộ 1 (gần Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) khiến nhiều người lo ngại nguy cơ đuối nước cho trẻ vào mùa mưa sắp tới

Về vấn đề này, hiện tại nhiều tuyến suối, bờ sông, gầm cầu đã được UBND các phường, xã cho gắn biển cấm bơi lội, cảnh báo ngập, cảnh báo đuối nước. Tuy nhiên các ao, hồ nước nằm sát đường đi, khu dân cư hiện chỉ mới có một số hồ được các chủ quản lý rào chắn, cắm biển, còn lại hầu như chưa có. Chính quyền các địa phương cũng cho rằng, không thể rào chắn toàn bộ các ao, hồ tự nhiên mà chỉ có thể cảnh báo về nguy hiểm tại đó.

Trẻ em tự do bơi lội tại khu vực một đập thủy lợi thuộc xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) mà không có người lớn giám sát. Ảnh: CTV
Trẻ em tự do bơi lội tại khu vực một đập thủy lợi thuộc xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ) mà không có người lớn giám sát. Ảnh: CTV

Phó chủ tịch UBND P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) Nguyễn Quang Tuyến lưu ý, các gia đình cần cảnh báo cho trẻ các mối nguy đuối nước, nhất là khi dịp hè sắp tới. Trong đó, cần chú ý dặn dò các em sự nguy hiểm khi đến gần các hồ nước, các bờ suối, bờ ao, các công trình xây dựng. Ngay cả khi ra các hồ bơi, cần phải có người lớn, người thân giám sát liên tục, tránh các sự cố đuối nước.

Trong khi đó, lãnh đạo UBND TT.Gia Ray (H.Xuân Lộc) cho biết, trên địa bàn có hồ Núi Le nên thường có nhiều thanh thiếu niên đến vui chơi. Mặc dù địa phương đã cho cắm bảng cảnh báo nguy hiểm tại đây nhưng nhiều người không chấp hành, vẫn xuống hồ tắm dẫn đến một số vụ đuối nước thương tâm. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành của mỗi người dân, nhất là trong giới trẻ về những quy định tại nơi công cộng. Thực tế ao, hồ trong tự nhiên rất nhiều và rộng, không thể rào chắn toàn bộ được.     

Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh khuyến cáo, để phòng tránh tai nạn đuối nước, người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp sau: Khi tiếp xúc với nước phải có phao an toàn; không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi và cứu đuối; không bơi khi trời đã tối, sấm chớp. Ở nơi có bảng chỉ dẫn, cảnh báo nguy hiểm cần tuyệt đối tuân thủ nội dung trên bảng; đối với trẻ em không được tắm ở hồ một mình mà không có người lớn đi cùng. Khi tham gia giao thông đường thủy cần lưu ý về an toàn phương tiện, mặc áo phao cứu sinh và chở đúng số người cho phép.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều