Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiên trì như kỹ thuật viên âm ngữ trị liệu

10:11, 28/11/2020

Những năm gần đây, Khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã có những bước phát triển vượt bậc, nhận được sự đánh giá cao của các đoàn công tác, tổ chức quốc tế và Bộ Y tế.

Những năm gần đây, Khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã có những bước phát triển vượt bậc, nhận được sự đánh giá cao của các đoàn công tác, tổ chức quốc tế và Bộ Y tế.

Nhiều bệnh nhân được điều trị tại Phòng Âm ngữ trị liệu. Ảnh: H.DUNG
Nhiều bệnh nhân được điều trị tại Phòng Âm ngữ trị liệu. Ảnh: H.DUNG

Cùng với lĩnh vực vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, lĩnh vực âm ngữ trị liệu dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng đã và đang góp phần tích cực vào việc giúp bệnh nhân khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng. Để có được thành công đó, không thể không kể tới sự kiên trì, nhẫn nại của các kỹ thuật viên phụ trách phân ngành âm ngữ trị liệu.

* Kiên nhẫn hỗ trợ bệnh nhân

Mới đây, kỹ thuật viên Lê Ngọc Phượng, Trưởng phòng Âm ngữ trị liệu Khoa Phục hồi chức năng cùng các cộng sự là chị Lê Thị Hiền, Đỗ Thụy Quý Nhi đã kiên trì thay phiên nhau điều trị về ngôn ngữ và kích thích phản xạ nuốt cho 3 bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum sau khi ăn pate Minh Chay.

Chị Ngọc Phượng cho biết, cả 3 bệnh nhân đều còn khá trẻ, từ 20-26 tuổi. Do đó, khi biết tin các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum, phải thở máy trong những ngày đầu nhập viện, bản thân chị cảm thấy rất thương cảm. Khoảng sau hơn 2 tháng được điều trị tích cực ở Khoa Hồi sức tích cực chống độc và Khoa Nội thần kinh, 3 nữ bệnh nhân lần lượt được chuyển xuống Phòng Âm ngữ trị liệu Khoa Phục hồi chức năng để được tập phản xạ nuốt và cải thiện ngôn ngữ.

Phân ngành âm ngữ trị liệu thuộc Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được thành lập vào tháng 9-2017, hiện có 1 kỹ thuật viên chính và 2 kỹ thuật viên phụ. Trung bình mỗi ngày các kỹ thuật viên tiếp nhận và điều trị từ 30-35 bệnh nhân.

Sau khoảng 3 tuần phối hợp tập luyện với các kỹ thuật viên, bệnh nhân N.T.N.T. (24 tuổi, ngụ H.Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã bình phục gần như hoàn toàn, có thể nuốt, ăn bình thường bằng đường miệng.

Bệnh nhân N.T.N.T. chia sẻ, những ngày sức khỏe chưa ổn định, còn nằm điều trị ở Khoa Nội thần kinh, chị đã được các nhân viên y tế hướng dẫn tập vật lý trị liệu. Đến khi sức khỏe ổn hơn, được chuyển xuống Phòng Âm ngữ trị liệu để tập mỗi ngày. Tại đây, chị được các kỹ thuật viên hướng dẫn rất tận tình, chu đáo. Ban đầu, chị cảm thấy việc nuốt khá khó khăn, một muỗng nước phải nuốt mấy lần mới hết. Nhưng sau khi được các kỹ thuật viên, đặc biệt là chị Lê Ngọc Phượng hướng dẫn, chị đã nuốt hết muỗng nước chỉ trong một lần.

“Các kỹ thuật viên kiên trì đút cho chúng tôi từng muỗng nước, từng muỗng sữa chua như những người thân trong gia đình. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy rất xúc động. Các chị luôn nhẹ nhàng chỉ bảo, không hề cáu gắt hay tỏ ra khó chịu khi chúng tôi tập luyện chưa tốt” - bệnh nhân N.T. cho hay.

Còn bệnh nhân T.T.G. (26 tuổi, tạm trú tại H.Nhơn Trạch) cũng được các kỹ thuật viên tập phản xạ nuốt, cải thiện ngôn ngữ. Đến khi xuất viện, bệnh nhân đã có những cải thiện rõ rệt, tiếp tục được các nhân viên y tế liên hệ hướng dẫn tập âm ngữ trị liệu tại nhà để có thể ăn bằng miệng.

Riêng bệnh nhân N.T.T., người bị bệnh nặng nhất, ngoài việc kích thích phản xạ nuốt bằng tay, các kỹ thuật viên sẽ kích thích phản xạ nuốt bằng máy để làm mạnh cơ nuốt cho bệnh nhân.

Kỹ thuật viên Lê Ngọc Phượng tập đếm cho một bệnh nhân. Ảnh: H.DUNG
Kỹ thuật viên Lê Ngọc Phượng tập đếm cho một bệnh nhân. Ảnh: H.DUNG

Chị Ngọc Phượng cho biết, thời gian qua, bệnh nhân đến điều trị âm ngữ trị liệu rất đông. Trung bình mỗi ngày, phòng vừa điều trị nội trú lẫn ngoại trú cho khoảng 30-35 bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân bị các bệnh lý tổn thương thần kinh như: tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, bệnh lý liên quan đến tai mũi họng từ các khoa, phòng trong bệnh viện chuyển xuống.

“Để đạt được hiệu quả cao nhất trong điều trị âm ngữ trị liệu, chúng tôi rất cần sự phối hợp chặt chẽ, kiên trì, nhẫn nại của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị. Bởi nếu vì một lý do gì đó mà bệnh nhân bỏ ngang điều trị giữa chừng thì hiệu quả điều trị sẽ không được như mong muốn” - chị Phượng tâm sự.

* Hạnh phúc khi bệnh nhân cải thiện sức khỏe mỗi ngày

2 đối tượng chính điều trị âm ngữ trị liệu tại Khoa Phục hồi chức năng là những người bị rối loạn nuốt và rối loạn về giao tiếp.

Những bệnh nhân bị rối loạn nuốt thường là những người sau khi bị chấn thương thần kinh như: tai biến mạch máu não, bệnh parkinson, u não, liệt dây thanh, u trung thất, chèn ép dây thần kinh số 10.

Đối tượng rối loạn về giao tiếp chia thành 2 dạng là: đối tượng tổn thương thần kinh (bao gồm mất ngôn ngữ, mất điều khiển lời nói, rối loạn ngôn ngữ) và đối tượng tổn thương về dây thanh (như: u tuyến giáp, u thanh quản dẫn đến rối loạn giọng, những người phải nói nhiều như: giáo viên, ca sĩ…).

Mỗi bệnh lý khác nhau sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Chẳng hạn với một bệnh nhân bị mất ngôn ngữ, mất điều khiển hành vi của lời nói, phác đồ điều trị được đưa ra là sẽ điều trị giúp bệnh nhân tăng khả năng hiểu, khả năng diễn đạt bằng lời nói, diễn đạt bằng chữ viết để bệnh nhân hòa nhập với gia đình, cộng đồng. Bằng những hình ảnh trực quan sinh động là các đồ dùng, vật dụng, các loại trái cây, đồ ăn hằng ngày, chúng tôi sẽ luyện lặp đi lặp lại để bệnh nhân lấy lại được mẫu vận động của miệng. Đồng thời tiến hành chạy điện vùng cổ để kích thích vào những nhóm cơ liên quan đến vận động lời nói, khơi dậy khả năng của bệnh nhân.

Kỹ thuật viên Lê Ngọc Phượng cho hay, có nhiều bệnh nhân vì nhiều lý do khác nhau như sau một ca tai nạn giao thông, sau một ca phẫu thuật, tai biến mạch máu não… bỗng nhiên không nói được. Có những người đã bước qua tuổi 60, thậm chí 70 tuổi ngày ngày được con cháu đưa đến bệnh viện tập luyện chỉ với một mong ước duy nhất là có thể tìm lại giọng nói của mình.

Thấu hiểu mong muốn của bệnh nhân và gia đình, các kỹ thuật viên đã thực hiện nhiều phương pháp như: cho chạy điện quanh vùng cổ để kích thích dây thanh quản của bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân tập thổi nước, thổi bong bóng, tập hít hơi, luyện thanh, tập đọc theo từng mức độ khó tăng dần…

Ròng rã nhiều tháng, thậm chí cả năm, có nhiều bệnh nhân đã bình phục, nói được bình thường. Bệnh nhân Dương Đình Nam (64 tuổi, ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) bộc bạch: “Tôi rất cảm kích và biết ơn sự tận tình của cô Phượng và các cô trong Phòng Âm ngữ trị liệu Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Sau khi bị tai nạn giao thông, tôi cứ nghĩ mình sẽ không còn nói được nữa. Nhưng nhờ cô Phượng kiên trì nhẹ nhàng hướng dẫn, xem tôi như người nhà, tôi đã có thể nói được từ câu ngắn đến câu dài, giúp tôi trở về cuộc sống bình thường như bao người khác”.

Chia sẻ về công việc của mình, kỹ thuật viên Lê Ngọc Phượng tâm sự: “Với chúng tôi, không có gì vui và hạnh phúc hơn khi thấy bệnh nhân tiến triển tốt lên từng ngày. Có người tìm lại được giọng nói đã bị “thất lạc” lâu ngày hoặc ăn uống không còn cảm thấy khó chịu. Đó là phần thưởng vô giá đối với những người làm nghề như chúng tôi. Và chúng tôi tự hứa sẽ cần phải cố gắng nhiều hơn, có nhiều cách làm sáng tạo hơn nữa để đem đến cho các bệnh nhân những phương pháp điều trị tiên tiến nhất, hiệu quả nhất”.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều