Báo Đồng Nai điện tử
En

Đam mê ''săn'' ảnh động vật hoang dã

07:11, 21/11/2020

Việc tìm hiểu các loài động vật hoang dã, quý hiếm thông qua hình ảnh hoặc đi đến các khu du lịch sinh thái đã khá quen thuộc với nhiều người. Hiện nay, nhiều người có đam mê khám phá và trực tiếp đi "săn" ảnh các loài động vật hoang dã. Để tổ chức chuyến đi, họ phải lên kế hoạch từ trước, phối hợp với đơn vị quản lý rừng hoặc trạm kiểm lâm.

Việc tìm hiểu các loài động vật hoang dã, quý hiếm thông qua hình ảnh hoặc đi đến các khu du lịch sinh thái đã khá quen thuộc với nhiều người. Hiện nay, nhiều người có đam mê khám phá và trực tiếp đi “săn” ảnh các loài động vật hoang dã. Để tổ chức chuyến đi, họ phải lên kế hoạch từ trước, phối hợp với đơn vị quản lý rừng hoặc trạm kiểm lâm.

 Một nhóm đi “săn” ảnh bò sát lưỡng cư vào ban đêm ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Ảnh: B.MAI
Một nhóm đi “săn” ảnh bò sát lưỡng cư vào ban đêm ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Ảnh: B.MAI

Đam mê này không làm tác động đến môi trường sống của các loài động vật hoang dã mà trái lại, còn góp phần vào việc phát hiện, bảo tồn và lan truyền tình yêu thiên nhiên và thông điệp bảo vệ động vật hoang dã đến nhiều người.

* Thú vui cũng lắm công phu

Anh LamJiang (ngụ TP.Biên Hòa) không phải là nhiếp ảnh gia, cũng không làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu các loài động vật. Thế nhưng, hơn 6 năm qua, đều đặn mỗi tuần anh đều vào rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (H.Vĩnh Cửu) để “săn” hình các loài chim, thú. Có những ngày, anh chụp hơn 10GB hình ảnh, tương đương khoảng 5 ngàn bức ảnh về thú rừng, nhưng cũng có ngày, anh chỉ chụp được vài bức ảnh cây cỏ, hoa lá, không phải chim thú. Nhưng điều đó không làm anh nản chí và từ bỏ đam mê.

Nai rừng là tên bức ảnh về động vật hoang dã của anh LamJiang (ngụ TP.Biên Hòa). Ảnh: LamJiang
Nai rừng là tên bức ảnh về động vật hoang dã của anh LamJiang (ngụ TP.Biên Hòa). Ảnh: LamJiang

Anh LamJiang kể, ban đầu anh thích các loài chim rừng và muốn đi tìm hiểu, càng đi anh càng thấy thú vị nên đam mê. Để có được những bức ảnh về các loài chim, anh sắm máy chụp hình và ống kính chuyên dụng. Vào những ngày cuối tuần, từ 4-9 giờ sáng anh ở trong rừng quan sát, nghe tiếng chim hót và chụp ảnh các loài chim. Đến nay, anh LamJiang chụp được hình ảnh của khoảng 400 loài chim, hơn 100 loài thú, trong đó, có nhiều loài chim quý hiếm lần đầu xuất hiện ở Đồng Nai.

 “Tôi dành phần lớn thời gian cuối tuần đi chụp ảnh các loài chim, một phần vì đam mê, một phần vì muốn chia sẻ tình yêu, vẻ đẹp của loài này đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ” - anh LamJiang nói.

Chim bồng chanh nhỏ, loài chim sống nhiều ở rừng nhiệt đới. Ảnh: B.MAI
Chim bồng chanh nhỏ, loài chim sống nhiều ở rừng nhiệt đới. Ảnh: B.MAI

Theo anh LamJiang, việc phát hiện và chụp được những bức ảnh đẹp, sinh động về các loài chim rừng rất khó khăn, đòi hỏi người chụp phải đầu tư về máy móc, thiết bị hỗ trợ, thời gian và sự kiên nhẫn. Có những loài chim, anh phải đi nhiều lần, theo dõi nhiều giờ mới được tấm hình ưng ý. Chính vì điều này, anh càng yêu quý các loại động vật và muốn nhiều người cùng biết đến tác phẩm
ảnh của mình.

Năm 2017, Hạt kiểm lâm H.Xuân Lộc phát hiện một đàn voọc chà vá chân đen trên núi Chứa Chan. Thông tin về loài nằm trong nhóm động vật nguy cấp quý hiếm 1B lần đầu tiên xuất hiện trên núi ở H.Xuân Lộc gây tò mò cho nhiều người, đặc biệt là những người có đam mê “săn” ảnh động vật.

Bò tót rừng - bức ảnh về động vật hoang dã của anh LamJiang (ngụ TP.Biên Hòa). Ảnh: LamJiang
Bò tót rừng - bức ảnh về động vật hoang dã của anh LamJiang (ngụ TP.Biên Hòa). Ảnh: LamJiang

Ông Phạm Văn Hoàng, nhiếp ảnh gia ở TP.Long Khánh kể, biết thông tin về đàn voọc quý ở trên núi Chứa Chan, ông và các thành viên trong CLB nhiếp ảnh TP.Long Khánh đã lên kế hoạch đi “săn” ảnh. Được sự trợ giúp của Hạt kiểm lâm Xuân Lộc, nhóm đã gặp được đàn voọc chà vá chân đen đến lưng chừng núi (cách mặt đất khoảng 300m). Tuy nhiên, gặp người, đàn voọc di chuyển rất nhanh làm ông không kịp quan sát và ghi lại hình ảnh. Ông phải ngồi lại trên núi chờ đợi khoảng 6 giờ đồng hồ, khi đàn voọc đi ăn chiều mới quan sát được.

“Nơi tôi ngồi cách đàn voọc kiếm ăn khoảng 300m, phải dùng ống nhòm hoặc telezoom (ống kính máy ảnh) mới quan sát được. Tôi đã cố gắng ghi lại các sinh hoạt của đàn voọc bằng hình ảnh, sau đó tặng lại tấm hình này cho Hạt Kiểm lâm và đưa hình đi triển lãm nhằm giới thiệu loài động vật quý đến nhiều người” - ông Phạm Văn Hoàng chia sẻ.

Nhóm bạn trẻ “săn” ảnh động vật hoang dã vào ban đêm Ảnh: B.MAI
Nhóm bạn trẻ “săn” ảnh động vật hoang dã vào ban đêm. Ảnh: B.MAI

Anh Nguyễn Văn Linh, công tác tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết, thông thường mỗi chuyến đi phải có ít nhất 3 người, trong đó một người là thổ địa dẫn đường. Khi đi phải mang theo các thiết bị y tế cần thiết, đồ bảo hộ. Một vật không thể thiếu của người đi “săn” ảnh là cây gậy trên tay. Trong trường hợp khẩn cấp, nó giúp xua đuổi thú dữ, hỗ trợ leo trèo.

* Lan truyền thông điệp bảo vệ động vật

Hiện nay, nhiều khu du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh có dịch vụ cho du khách tham quan, khám phá các loài động vật hoang dã. Điều này, vừa giúp du khách hiểu biết thêm về thiên nhiên, các loài động vật vừa là hoạt động truyền thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật quý hiếm. Đó là, Vườn quốc gia Cát Tiên có dịch vụ tìm hiểu về đời sống của các động vật hoang dã nằm trong Sách đỏ Việt Nam như: tê giác một sừng, trăn gấm… dịch vụ ngắm thú đêm trong rừng; Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai phối hợp với các trường học, khu dân cư thành lập hơn 50 CLB xanh, tổ chức hoạt động tham quan, khám phá và tuyên truyền bảo vệ động vật.

Anh Nguyễn Văn Linh (bìa phải) công tác tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai dẫn đoàn thực tập sinh đi “săn” ảnh động vật hoang dã
Anh Nguyễn Văn Linh (bìa phải) công tác tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai dẫn đoàn thực tập sinh đi điều tra thực địa

Ông Nguyễn Mạnh Điệp, cán bộ Phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết, ngoài các CLB xanh, hằng năm, có nhiều nhóm nghiên cứu, cá nhân liên hệ với đơn vị đi tìm hiểu, khám phá, chụp hình các loài động vật hoang dã. Hoạt động này không tác động đến môi trường sống của các loài động vật mà góp phần vào việc phát hiện loài mới, loài còn ít. Trong nhiều trường hợp, đơn vị còn mời các nhà văn, nhà nhiếp ảnh, những người đam mê “săn” ảnh động vật đi ghi nhận thực tế, có những tác phẩm dạng bài viết, hình ảnh tuyên truyền bảo vệ động vật.

Anh Đặng Văn Bình (ngụ Q.9, TP.HCM) thường xuyên tham gia các chuyến đi quan sát động vật ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho rằng, có những chuyến đi, anh phải đến khu bảo tồn từ chiều hôm trước, chờ đợi đến khoảng 2-3 giờ sáng mới lên đường đi “săn” ảnh động vật. Việc làm này mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí đầu tư nhưng có được những bức ảnh đẹp về loài động vật mình yêu thích đăng lên mạng xã hội cho mọi người cùng chiêm ngưỡng.

Bò tót rừng
Bò tót rừng

 “Mỗi người có một cách thể hiện tình yêu đối với động vật. Tôi chọn quảng bá hình vẻ đẹp của chúng đến mọi người” - anh Đặng Văn Bình chia sẻ.

Anh Phan Minh Hiếu (ngụ TP.Phan Thiết) cho biết, hơn 10 năm qua, anh có khoảng 500 chuyến đi đến các cánh rừng từ Bình Thuận đến mũi Cà Mau. Những chuyến đi đã giúp hiểu được đời sống ngoài tự nhiên, nguồn thức ăn của các loài động vật, đặc biệt là các loài rắn độc, là mối quan tâm của anh. Từ chỗ biết được điều kiện sống, anh Hiếu đã lai tạo và thuần hóa thành công những loài rắn độc mà chưa có ai nuôi được, cung cấp nọc độc cho đơn vị nghiên cứu và phát triển sản phẩm y học.     

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang có nhiều chương trình hành động, chiến dịch bảo vệ các loài động vật hoang dã. Quảng bá vẻ đẹp của các loài thông qua hình ảnh cũng là một trong những cách thể hiện sự quan tâm, tình yêu đối với các loài động vật. Để có những chuyến đi “săn” an toàn, vừa thỏa đam mê cá nhân, vừa truyền thông điệp bảo vệ động vật hoang dã, các cá nhân, tổ chức phải thông qua cơ quan quản lý, đơn vị chịu trách trách nhiệm bảo vệ rừng.

Ban Mai

 

Tin xem nhiều