Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày linh thiêng của nghệ sĩ

06:09, 26/09/2020

Đã thành thông lệ, hằng năm cứ vào ngày 12-8 âm lịch, giới nghệ sĩ cả nước lại tề tựu ở một địa điểm thân thiết để tổ chức lễ giỗ tổ sân khấu.

Đã thành thông lệ, hằng năm cứ vào ngày 12-8 âm lịch, giới nghệ sĩ cả nước lại tề tựu ở một địa điểm thân thiết để tổ chức lễ giỗ tổ sân khấu. Ban đầu đây chỉ là Ngày giỗ Tổ nghề của tuồng (hát bội), cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác nhưng dần dần, cùng với sự phát triển của ngành Sân khấu, ngày này trở thành nơi gặp gỡ, hội tụ của giới nghệ sĩ, không phân biệt loại hình nghệ thuật nào.

Đến nay, vẫn chưa ai biết chính xác Tổ nghiệp của ngành Sân khấu là ai. Cũng có nhiều truyền thuyết về Tổ nghiệp và giới nghệ sĩ vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện Hai ông hoàng mê hát. Tương truyền vị vua nọ vì hiếm muộn nên cầu khấn khắp nơi để mong có mụn con. Lòng thành được đền đáp khi hoàng hậu mang thai và sinh được 2 người con trai. Điều lạ là cả 2 hoàng tử này đều mê ca hát đến nỗi mất ăn mất ngủ và chết trên đường trốn theo gánh hát vào ngày 12-8 âm lịch. Từ đó, ngày này được xem là Ngày giỗ Tổ của bộ môn hát bội và nhiều môn nghệ thuật truyền thống khác.

Cũng không ít giai thoại cho rằng, ông Tổ sân khấu là 3 người: vua, ăn mày và kẻ cướp. Nguyên nhân được lý giải khác nhau nhưng với giới nghệ sĩ, dù ông Tổ nghề của mình có là ai thì họ cũng đều luôn trân trọng, hướng về Tổ nghề với lòng thành kính. Bởi nghệ sĩ là nghề “làm dâu trăm họ”, phải hóa thân vào nhiều dạng nhân vật, nhiều số phận, cuộc đời khác nhau. Sân khấu luôn có “ma lực” và khi nghệ sĩ được khán giả thương và yêu mến, tức là nghệ sĩ đã được Tổ nghề ưu ái.

Trong Ngày giỗ Tổ nghề, các nghệ sĩ kính cẩn thực hiện các nghi thức tưởng nhớ, tri ân đến những bậc tiền bối đã có công khai phá các bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc; cầu Tổ nghiệp phù hộ để tình yêu với nghề không bao giờ tắt. Nghệ sĩ cũng mong ngày càng nhận được nhiều hơn tình yêu thương của khán giả để sống với đam mê và cống hiến hết mình cho bộ môn nghệ thuật mà mình theo đuổi.

Nhiều nghệ sĩ tâm sự rằng mỗi lần dự lễ giỗ Tổ nghề họ lại cảm thấy yêu nghề hơn vì được gặp gỡ, truyền cảm hứng từ những bậc tiền bối đi trước. Bởi đây không chỉ là dịp để nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực biết ơn Tổ nghiệp của mình mà còn được gặp gỡ, trò chuyện với “anh Hai, chị Cả” của nền nghệ thuật nước nhà. Cảm hứng được truyền từ những bậc tiền bối luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp người nghệ sĩ vượt qua những khó khăn, vất vả của cuộc sống đời thường để “cháy” hết mình trên sân khấu.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Civid-19, lễ giỗ Tổ ngành Sân khấu không được tổ chức rầm rộ như mọi năm. Một số địa điểm thường thu hút đông nghệ sĩ đến dự lễ vào dịp này như Đền thờ Tổ nghiệp của nghệ sĩ Hoài Linh sẽ đóng cửa để đảm bảo an toàn cho du khách. Tuy nhiên, ở các sân khấu, tụ điểm giải trí vẫn thực hiện các nghi lễ trong phạm vi cho phép để nghệ sĩ có nơi ngưỡng vọng, bày tỏ lòng thành kính với Tổ nghề và mong muốn hoạt động của giới mình sẽ có nhiều khởi sắc.

Ngày giỗ nghề cũng là dịp để mỗi nghệ sĩ nhìn lại quãng đường đã đi qua và nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa cho chặng đường sắp tới. Chặng đường ấy chắc chắn sẽ rất gian nan, nhiều thử thách bởi sân khấu đang chịu sức cạnh tranh quyết liệt. Người nghệ sĩ nếu không đam mê với nghề, không năng động, sáng tạo và đa năng, sẽ rất khó để trụ vững với nghề. Nói như NSND Giang Mạnh Hà, khán giả bây giờ không phải như khán giả của ngày xưa, bởi họ có nhiều sự lựa chọn để giải trí. Vì vậy, nếu như sân khấu không thực sự có những tác phẩm, chương trình hấp dẫn thì rất khó để thu hút khán giả. Đặc biệt, với những nghệ sĩ đang công tác tại các đoàn nghệ thuật địa phương, nếu không chịu khó đi cơ sở, tạo được “sợi dây” liên kết với khán giả, sẽ không có nhiều cơ hội để tỏa sáng…

Đáng ghi nhận là trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, dù không tổ chức được các chuyến lưu diễn nhưng Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai không nghỉ. Các nghệ sĩ của nhà hát vẫn thường xuyên tập luyện, biểu diễn online để phục vụ khán giả. Hay trước đó là các vở diễn, chương trình thử nghiệm mới lạ, độc đáo được nhà hát tìm tòi thể hiện với mong muốn đem đến cho khán giả những món ăn tinh thần hấp dẫn, thú vị.  Đó cũng là cách để nhà hát làm mới mình, dám đối diện với sự thay đổi nhiều thử thách để cống hiến nhiều hơn cho khán giả.

Ngày giỗ Tổ ngành Sân khấu là một dịp linh thiêng của giới nghệ sĩ cả nước…

Minh Ngọc

Tin xem nhiều