Báo Đồng Nai điện tử
En

Thầy giáo có duyên với nhiều giải thưởng

06:09, 26/09/2020

Đối với nhiều chương trình, hội thi, cuộc thi do ngành GD-ĐT, UBND TP.Biên Hòa, các sở, ngành trong và ngoài tỉnh tổ chức, thầy Trần Trung Hiền, Phó hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa) đã trở nên quá quen thuộc. Bởi lẽ, đều đặn hằng năm, thầy Hiền đều tham gia và đoạt nhiều giải thưởng.

Đối với nhiều chương trình, hội thi, cuộc thi do ngành GD-ĐT, UBND TP.Biên Hòa, các sở, ngành trong và ngoài tỉnh tổ chức, thầy Trần Trung Hiền, Phó hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa) đã trở nên quá quen thuộc. Bởi lẽ, đều đặn hằng năm, thầy Hiền đều tham gia và đoạt nhiều giải thưởng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp và lãnh đạo Sở KH-CN trao tặng bằng khen của UBND tỉnh cho thầy Trần Trung Hiền đoạt giải ba trong cuộc thi Sản phẩm truyền thông KH-CN năm 2016. Ảnh: H.Dung
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp và lãnh đạo Sở KH-CN trao tặng bằng khen của UBND tỉnh cho thầy Trần Trung Hiền đoạt giải ba trong cuộc thi Sản phẩm truyền thông KH-CN năm 2016. Ảnh: H.Dung

Mới đây, thầy Hiền được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích trong công tác GD-ĐT, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; được Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa trao tặng giấy khen vì đạt thành tích xuất sắc trong phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020.

* Bồi đắp tình yêu quê hương cho học sinh qua tranh vẽ

Trước khi được bổ nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương, từ năm 1988, thầy Hiền là giáo viên dạy môn Mỹ thuật, luôn nhiệt tình trong công tác giảng dạy, tác phong sư phạm vững vàng, gương mẫu trước học sinh, thường xuyên giúp đỡ đồng nghiệp. Liên tục trong nhiều năm, thầy Hiền tham dự đầy đủ hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp thành phố, tham gia các hội thi do Sở KH-CN tổ chức và đạt được nhiều giải cao. Phải kể đến trong số đó như: hội thi Sáng tạo kỹ thuật; chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, học tập; cuộc thi Sản phẩm truyền thông KH-CN…

Nội dung xuyên suốt trong các giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm của thầy Trần Trung Hiền là thông qua tranh ảnh để bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9.

Cụ thể, sáng kiến Lồng ghép hình ảnh Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam vào các bài vẽ tranh đề tài của thầy Hiền đoạt giải ba chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập tỉnh Đồng Nai năm 2013. Sáng kiến này bao gồm những bài vẽ trang trí, bài vẽ tranh đề tài gắn liền với cuộc sống của con người, xã hội trong sinh hoạt, học tập, vui chơi của học sinh. Hình ảnh biển đảo quê hương được lồng ghép vào các bài vẽ trang trí đồ vật trải suốt từ lớp 6 đến lớp 9, giúp học sinh hiểu hơn về chủ quyền biển đảo của dân tộc. Từ đó, thêm yêu hơn quê hương, đất nước mình, đặc biệt là khi tình hình biển Đông đang có những diễn biến phức tạp.

Hay bộ tranh vẽ Lồng ghép hình ảnh biển đảo quê hương do thầy giáo Trần Trung Hiền thực hiện cũng nhằm nhấn mạnh đến hình ảnh các chiến sĩ hải quân, lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư  Việt Nam... Qua đó, khắc sâu trong tâm trí học sinh về những hy sinh thầm lặng của các lực lượng trên trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo nói riêng và lãnh thổ Việt Nam nói chung.

Thầy Trần Trung Hiền bên những bức tranh tự vẽ với chủ đề biển đảo quê hương. Ảnh: H.DUNG
Thầy Trần Trung Hiền bên những bức tranh tự vẽ với chủ đề biển đảo quê hương. Ảnh: H.DUNG

Trong khi đó, sáng kiến Làm mẫu vật cho phân môn vẽ theo mẫu từ những vật liệu có sẵn cũng đoạt giải ba trong chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập tỉnh Đồng Nai năm 2015. Mẫu vật ở đây là những chai nhựa đã qua sử dụng, những hộp, lon đã thải bỏ hoặc những miếng xốp, giấy bìa cứng không sử dụng. Thầy Hiền đã tái chế các vật dụng này thành những mẫu vật như: trái cam, quýt, xoài, táo, bưởi... làm những hình khối như: hình vuông, hình tròn, chữ nhật, thoi... những kiểu dáng lọ hoa đơn giản... Việc tái chế các sản phẩm đã qua sử dụng để làm những vật gần gũi với đời thường góp phần giáo dục học sinh biết bảo vệ môi trường, không vứt bỏ rác thải bừa bãi, sống có trách nhiệm hơn với môi trường xung quanh, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, thân thiện.

Những sáng kiến này đã giúp thầy Hiền đoạt giải nhì cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; giải ba cấp tỉnh và giải nhì cấp quốc gia cuộc thi Dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho học sinh trung học do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Em Đoàn Như Ái từng được học môn Mỹ thuật của thầy Trần Trung Hiền tại Trường THCS Hùng Vương bộc bạch, mỗi khi đến tiết học môn Mỹ thuật của thầy Hiền, cả lớp đều hào hứng vì được thưởng thức những bức tranh đẹp, có ý nghĩa. Cũng từ những bức tranh của thầy Hiền, các em hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo, từ đó thêm yêu hơn vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

* Nâng cao giá trị môn học

Thầy Trần Trung Hiền cho hay, môn Mỹ thuật trong trường THCS nói chung và trong trường phổ thông nói riêng thường được xem là môn học năng khiếu. Đặc thù của bộ môn là thường xuyên sử dụng các phương pháp trực quan, cho học sinh xem tranh, ảnh và hướng dẫn học sinh vẽ tranh. Do đó, để tiết học thêm sôi nổi, hứng thú, bản thân giáo viên phải luôn sáng tạo để đưa ra các phương pháp giảng dạy lôi cuốn nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của người học. Giáo viên không chỉ đóng vai trò đơn thuần là người truyền đạt kiến thức mà còn trở thành người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động độc lập hoặc theo nhóm nhỏ để học sinh tự lực nắm bắt nội dung học tập, chủ động đạt các mục tiêu kiến thức, kỹ năng, thái độ theo yêu cầu của chương trình.

Theo thầy Hiền, thông qua môn Mỹ thuật, giáo viên muốn học sinh đạt được những kỹ năng sau: kỹ năng cảm nhận thẩm mỹ (giúp các em làm quen và hiểu được giá trị nghệ thuật của các tác phẩm, từ đó nâng cao nhận thức về cái đẹp một cách toàn diện và phong phú); kỹ năng tư duy hình tượng (giúp cho học sinh suy nghĩ, tưởng tượng, phân tích, đánh giá về tác phẩm trên cơ sở hiểu biết về cái đẹp, hiểu biết tư tưởng, tình cảm của tác giả trong bối cảnh lịch sử, xã hội nhất định); kỹ năng quan sát (giúp học sinh biết cách quan sát khi đứng trước một tác phẩm, hay một đối tượng thẩm mỹ, làm cho vốn sống và sự hiểu biết của các em thêm phong phú. Đồng thời, rèn luyện và phát triển ở học sinh khả năng biết quan sát từ tổng thể đến chi tiết, khái quát về tác phẩm và biết đánh giá tác phẩm đó); kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; kỹ năng thực hành; kỹ năng đánh giá…

4 năm qua, với vai trò là Phó hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương, thầy Hiền luôn là một trong những người tiên phong trong sáng tạo các đồ dùng dạy học để tham gia các cuộc thi, hội thi; động viên, khích lệ các giáo viên trong trường mạnh dạn, sáng tạo và tham gia các hội thi, cuộc thi để có thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy. Do không lập gia đình riêng nên toàn bộ thời gian trong ngày của thầy Hiền cũng dành hết cho trường lớp.

Thầy Phạm Văn Đông, Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương chia sẻ: “Thầy Trần Trung Hiền là một trong những giáo viên luôn gương mẫu trước đồng nghiệp, học sinh, tác phong giản dị, khiêm tốn, trung thực, có lối sống lành mạnh. Thầy Hiền thực hiện rất tốt cuộc vận động Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo, mang rất nhiều thành tích về cho nhà trường, là tấm gương sáng để nhiều đồng nghiệp và học sinh noi theo”.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều