Báo Đồng Nai điện tử
En

Hỏa hoạn đe dọa vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới tại Brasil

07:08, 21/08/2020

Ngày 18-8, Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia (INPE) của Brasil cảnh báo các đám cháy đang lan rộng tại Pantanal, vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới nằm tại hai bang miền Tây của Brasil, và đe dọa sự sống của các loài có nguy cơ tuyệt chủng tại vùng này.

Ngày 18-8, Viện Nghiên cứu vũ trụ quốc gia (INPE) của Brasil cảnh báo các đám cháy đang lan rộng tại Pantanal, vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới nằm tại hai bang miền Tây của Brasil, và đe dọa sự sống của các loài có nguy cơ tuyệt chủng tại vùng này.

Khói bốc lên từ hỏa hoạn ở vùng Pantanal, bang Mato Grosso, Brasil ngày 1-8
Khói bốc lên từ hỏa hoạn ở vùng Pantanal, bang Mato Grosso, Brasil ngày 1-8

Báo cáo công bố cùng ngày của INPE cho biết, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 8, đã ghi nhận 3.121 vụ hỏa hoạn tại Pantanal, cao gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Cơ quan Nghiên cứu quốc gia Brasil cảnh báo với tốc độ hiện tại, quy mô các đám cháy có thể lên mức cao nhất trong lịch sử kể từ khi thu thập số liệu này vào năm 1998.

Lực lượng cứu hỏa địa phương cho biết, công tác kiểm soát và chống hỏa hoạn có quy mô lớn ở Pantanal hiện nay là vô cùng khó khăn, bởi lửa lớn liên tục bốc lên tại nhiều khu vực.

Theo số liệu của Chính phủ Brasil, từ tháng 1 tới tháng 7 vừa qua, khoảng 8.500km2, tương đương với 6% diện tích vùng Pantanal đã bị lửa tàn phá. Trong khi đó, Báo Folha de Sao Paulo của nước này khẳng định phần lớn vùng đất ngập nước Pantanal, nơi được coi là “thánh địa” của loài vẹt đuôi dài lam tía (Anodorhynchus hyacinthinus) đã phải liên tiếp hứng chịu các trận hỏa hoạn trong năm nay.

Các chuyên gia dự báo thời tiết cho rằng lượng mưa dưới trung bình và nhiệt độ cao hơn mức bình thường trong suốt 30 ngày qua có thể là nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng các đám cháy tại Pantanal.

Trong những năm gần đây, Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và các chuyên gia môi trường thế giới đang lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa ngày càng gia tăng với vùng này do các hoạt động nông nghiệp, phá rừng, đô thị hóa và sự xây dựng tràn lan các đập thủy điện.

TTXVN

Tin xem nhiều