Báo Đồng Nai điện tử
En

Xứ sở của các làng nghề

05:07, 10/07/2020

Trong Địa chí Đồng Nai có viết, các nghề thủ công truyền thống ở Biên Hòa hồi cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XX gồm có: "khai thác gỗ, nghề mộc nổi tiếng ở chợ Đồn; nghề đóng ghe xuồng ở Phước Thiền; đan lát mây tre, lá buông ở Long Thành; nghề làm đường ở Tân Triều; làm gốm và làm gạch ngói ở Tân Vạn, Bửu Long; khai thác đá ong ở Bình Ý, Tân Mai, Vĩnh Cửu…".

Trong Địa chí Đồng Nai có viết, các nghề thủ công truyền thống ở Biên Hòa hồi cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XX gồm có: “khai thác gỗ, nghề mộc nổi tiếng ở chợ Đồn; nghề đóng ghe xuồng ở Phước Thiền; đan lát mây tre, lá buông ở Long Thành; nghề làm đường ở Tân Triều; làm gốm và làm gạch ngói ở Tân Vạn, Bửu Long; khai thác đá ong ở Bình Ý, Tân Mai, Vĩnh Cửu…”.

Làng gốm Tân Vạn là một trong những làng nghề có từ lâu đời ở Đồng Nai với nhiều sản phẩm gốm nổi tiếng
Làng gốm Tân Vạn là một trong những làng nghề có từ lâu đời ở Đồng Nai với nhiều sản phẩm gốm nổi tiếng. Ảnh: Nguyễn Cao Quý

Chỉ với vài dòng ngắn ngủi, cuốn sách Địa chí Đồng Nai đã hé lộ một điều rất quan trọng, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa đã là nơi có nhiều ngành nghề thủ công và làng nghề rất phát triển. Ngày nay, một số làng nghề vẫn còn đó, còn nhiều nghệ nhân hằng ngày cần mẫn gìn giữ, truyền lửa tinh hoa cho thế hệ sau.

* Phong phú làng nghề truyền thống

Nhắc đến làng nghề truyền thống ở Đồng Nai, nhiều người sẽ nhớ ngay đến làng gốm Tân Vạn, Hiệp Hòa. Sản phẩm gốm xưa đẹp về kiểu dáng, họa tiết và cả chất men, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Năm 1903, Trường Bá nghệ Biên Hòa được thành lập (nay là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai), sau nhiều lần thử nghiệm đã chế tạo thành công gốm mỹ nghệ. Từ năm 1925-1955, gốm mỹ nghệ được đem đi dự triển lãm quốc tế, giành được nhiều huy chương vàng ở Paris, Indonesia, Bangkok… Chất men độc đáo của gốm Biên Hòa đã tạo nên sự khác biệt với các dòng gốm khác, để dòng gốm này vẫn còn chỗ đứng trong đời sống hôm nay.

Đồng Nai còn được xem là cái nôi của nghề điêu khắc, khai thác đá gia dụng ở Nam bộ. Trải qua hàng trăm năm, hiện nay tại P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) vẫn còn tồn tại nghề điêu khắc - chế tác đá. Nhà văn Nguyễn Thái Hải cho biết, núi Bửu Long ở Biên Hòa được bà con người Hoa thuộc bang Hẹ khai thác từ hồi Trần Thượng Xuyên mới đưa họ đến đất Bàn Lân sinh sống. Ở đây, người thợ đá không chỉ khai thác đá để xây dựng mà còn điêu khắc đá thành những tác phẩm nghệ thuật hình lân, hình đầu rồng, các loại tượng. Họ xây dựng miếu thờ ông Ngũ Đình là tổ nghề đá dưới chân núi, sau này họ thờ thêm cả ông Lỗ Ban tổ nghề mộc và ông Quốc Tri tổ nghề sắt, gọi tên miếu là miếu Tổ Sư.

Là tỉnh công nghiệp hiện đại nhưng Đồng Nai vẫn luôn chú trọng bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống vốn có. Nhiều năm nay, Đồng Nai đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống bằng việc đa dạng hóa các sản phẩm đặc sắc gắn với hoạt động du lịch. Qua đó, một số nghề truyền thống có cơ hội phát triển, hình thành nên những điểm tham quan hấp dẫn phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, nghề dệt tơ lụa vùng Biên Hòa - Đồng Nai nổi tiếng khắp cả nước, Trịnh Hoài Đức ghi chép trong Gia Định thành thông chí: “Người ta có thể nhìn thấy lãnh, là, vải, lụa ở khắp nơi trong xứ Đồng Nai - Gia Định, nhưng nhân dân H.Phước An trấn Biên Hòa sản xuất được thứ lãnh đen mềm, láng, tốt nhất nước”. Bên cạnh dệt tơ lụa, Đồng Nai còn là địa phương nổi tiếng bởi nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mạ ở Tà Lài (H.Tân Phú). Dệt thổ cẩm không chỉ được ghi vào sử sách mà còn đi vào thơ ca, nhạc họa.

Mặc dù số lượng nghệ nhân biết dệt thổ cẩm ngày càng hiếm nhưng sản phẩm dệt thổ cẩm được giới thiệu đến du khách ở Tà Lài vẫn rất đa dạng và phong phú. Đồng bào dân tộc không ngừng cải tiến mẫu mã, hoa văn trang trí cho sản phẩm. Hiện tại, việc bảo tồn và phát triển thổ cẩm không chỉ còn gói gọn ở từng gia đình người Mạ mà là sự ý thức, trách nhiệm của địa phương với mong muốn nghề dệt thổ cẩm truyền thống ngày càng phát triển, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc.

Thợ làm gốm ở Biên Hòa - Đồng Nai. Ảnh: L.Na
Thợ làm gốm ở Biên Hòa - Đồng Nai. Ảnh: L.Na

TS Nguyễn Quang Cần, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Đồng Nai cho biết, bởi vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai dồi dào các nguyên vật liệu từ tự nhiên nên các làng nghề thủ công truyền thống rất phát triển. Cùng với nghề gốm, chế tác đá, dệt vải, còn có các nghề như: mộc, gạch ngói, đất nung, dệt chiếu, đúc đồng, rèn sắt, làm giấy, chạm bạc, làm lọng, làm giày, làm nón… Ban đầu, người nông dân tranh thủ lúc nông nhàn làm thêm nghề thủ công. Dần dần chuyên môn hóa trong các ngành nghề thủ công nên đã xuất hiện nhiều thợ thủ công có chuyên môn cao và tách khỏi nông nghiệp. Những sản phẩm nổi bật mà các làng nghề cung cấp trước khi được xuất khẩu đã có mặt ở hầu hết các chợ, mà chợ Biên Hòa giữ vai trò là trung tâm.

* Gìn giữ và phát huy

Với các nghề truyền thống, nghệ nhân chính là linh hồn, là “báu vật” sống nắm giữ tinh hoa của làng nghề. Nhiều nghệ nhân vẫn sống ở làng, sống với nghề. Tiếng thoi đưa của dệt vải, tiếng chạm, khắc đá vẫn đang vang lên. Tuy nhiên, hiện nay nghề truyền thống đứng trước những khó khăn, người trẻ không mặn mà. Nhiều thanh niên làng nghề bỏ làng ra phố làm việc trong những nhà máy, xí nghiệp để kiếm sống. Nhiều làng nghề đứng trước nguy cơ thất truyền, “cha truyền - con không nối”. Do vậy, việc quan tâm kịp thời tới các nghệ nhân sẽ giúp họ tiếp tục có những cống hiến, sản sinh ra những sản phẩm mang đặc trưng của vùng đất Đồng Nai.

Nghề dệt vải truyền thống của đồng bào Mạ ở Tà Lài, H.Tân Phú ngày nay vẫn được gìn giữ, phát huy
Nghề dệt vải truyền thống của đồng bào Mạ ở Tà Lài, H.Tân Phú ngày nay vẫn được gìn giữ, phát huy

Nghệ nhân gốm Hoàng Ngọc Hiến (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Trong xu thế cạnh tranh của nhiều sản phẩm công nghiệp như hiện nay, chúng ta phải nhìn vào thực tế là không ít sản phẩm làng nghề truyền thống bị mai một, kể cả nghề gốm thủ công. Chúng ta tự hào về vùng đất có bề dày lịch sử hơn 320 năm hình thành và phát triển, nhưng không thể tự hào suông. Tự hào phải gắn trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát huy. Tôi cho rằng, nghệ nhân cần “tiếp lửa” để có thêm những động lực mới để theo đuổi, tích cực truyền nghề và lan tỏa nghề truyền thống trong cộng đồng”.

Bên cạnh việc “tiếp lửa” cho nghệ nhân, ở mỗi làng nghề truyền thống, các cấp chính quyền cần nhìn vào thực chất, có chính sách dài hơi để khuyến khích, hỗ trợ… nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm. Tăng cường hơn nữa các hình thức thông tin, quảng bá sản phẩm, giới thiệu trên các phương tiện truyền thông về nét đặc trưng Biên Hòa - Đồng Nai cũng như các giá trị văn hóa, lịch sử ẩn chứa trong các sản phẩm làng nghề truyền thống. Xây dựng chương trình khôi phục, phát triển làng nghề với chương trình phát triển dịch vụ du lịch; đẩy mạnh hoạt động các tour du lịch về các vùng quê, làng nghề...

Mặc dù trong xu thế phát triển của xã hội hôm nay, nhiều nghề truyền thống ở Biên Hòa - Đồng Nai đã không còn, nhưng vẫn còn một số nghề như: làm gốm, dệt vải… đang thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. Họ tìm về những làng nghề, tìm hiểu văn hóa truyền thống, sự ra đời, phát triển của nghề truyền thống. Nhiều nghệ sĩ Đồng Nai tìm về làng nghề để chụp lại, ghi lại những khoảnh khắc mà các nghệ nhân đang cần mẫn lao động, bám làng, bám nghề. Vẻ đẹp của những tác phẩm nghệ thuật góp phần sinh sôi vẻ đẹp và sự sáng tạo khác, để cùng lan tỏa.

Ly Na

Tin xem nhiều