Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người mẹ thứ hai

09:03, 06/03/2020

Không chỉ làm công tác chuyên môn, hằng ngày, các điều dưỡng ở Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai còn chăm sóc cho cả những đứa trẻ bị bỏ rơi...

Không chỉ làm công tác chuyên môn, hằng ngày, các điều dưỡng ở Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai còn chăm sóc cho cả những đứa trẻ bị bỏ rơi...

Điều dưỡng Phan Thị Kim chăm sóc một trẻ sơ sinh vào viện cách đây 2 tháng khi bé chỉ nặng 1,2kg
Điều dưỡng Phan Thị Kim chăm sóc một trẻ sơ sinh vào viện cách đây 2 tháng khi bé chỉ nặng 1,2kg. Ảnh: B.Nhàn

Mỗi ngày, Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh tiếp nhận và chữa trị từ 30-40 trẻ. Các bé điều trị ở đây đều là những trường hợp chào đời không được khỏe mạnh, phần lớn là trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc dị tật bẩm sinh... Đặc biệt hơn, còn có nhiều trẻ bị bỏ rơi.

* Những vòng tay yêu thương

Khoa có 4 phòng bệnh, chỉ có 1 phòng dành cho các bé đã điều trị ổn nên người nhà có thể chăm sóc. 3 phòng còn lại, tất cả các công việc như tắm, thay tã, cho ăn, dỗ dành bé đều do điều dưỡng thực hiện. Khi ấy, những điều dưỡng, bác sĩ của khoa trở thành người thân của các bé. Họ không chỉ chữa bệnh, chăm sóc trẻ bằng tinh thần trách nhiệm mà còn bằng tình yêu thương của người mẹ.

Cần sự chia sẻ, cảm thông

Bác sĩ Trần Thị Bích Phượng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh nhận định: Điều dưỡng của khoa không chỉ làm công tác của điều dưỡng mà còn phải kiêm bảo mẫu. Do đó, công việc của điều dưỡng của khoa sẽ nhọc nhằn hơn. Ngay cả việc cho trẻ ăn sữa, các điều dưỡng phải tỉ mỉ, mất nhiều thời gian hơn. Riêng đối với những trẻ bị bỏ rơi, các bé rất thích được ẵm bồng, chơi cùng điều dưỡng nên họ phải thực sự yêu trẻ mới làm việc được ở khoa.

Điều dưỡng của khoa phải trực thường xuyên, họ rất cần nhận được sự chia sẻ từ gia đình để tiếp tục công việc cao cả này.

2 năm trước, một bé gái đã được người dân tìm thấy bên lề đường và đưa vào Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai. Lúc đó bé mới chỉ khoảng 2 tuần tuổi; do bị bỏ rơi ở lề đường, bé gái bị mất nước, người teo tóp. Các y, bác sĩ đã tiến hành tiêm kháng sinh, truyền dịch và tầm soát HIV và kết quả, bé bị nhiễm HIV. Bé được các y, bác sĩ ở đây đặt tên là L.

Suốt 9 tháng liền, các y, bác sĩ của khoa vừa chữa bệnh vừa chăm sóc và chứng kiến sự lớn lên của bé L. Ròng rã 2 tháng đầu tiên, một mình điều dưỡng Nguyễn Thị Hoài Phương chăm sóc bé L. Sau đó, khoa cử mỗi điều dưỡng chăm bé 1 tháng. Bé L. lớn lên trong sự chăm sóc, yêu thương của những người điều dưỡng. “Dường như bé biết phận mình bị bỏ rơi nên rất ngoan. Bé chỉ khóc và đòi bế, dỗ dành khi ngủ dậy. Sau đó, bé sẽ tự chơi với một số đồ chơi để chúng tôi làm việc. Chính bé lại là người mang lại niềm vui cho chúng tôi mỗi ngày” - chị Phương nói.

Do vậy, khi bé L. được chuyển đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Q.Thủ Đức. TP.HCM), ai cũng thương nhớ. Đến bây giờ, các y, bác sĩ của khoa vẫn luôn nhắc và giữ liên hệ với nơi nuôi bé L.

* Không ngại vất vả

Điều dưỡng Trần Thị Kim Tuyền đã làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh được 9 năm. Đến nay, chị không thể nhớ hết được những đứa trẻ mà chị đã chăm sóc như con của mình. Trong đó, trẻ nhẹ cân nhất chỉ nặng 0,6 kg. “Khi nhận bé vào khoa, tôi chỉ sợ rớt khi ẵm bé. Nhất là mỗi lần lấy ven, tôi thấy đau lòng vô cùng bởi bé non tháng, ven rất mỏng, chỉ như sợi tóc. Chăm sóc những trẻ bình thường khi bệnh vất vả một thì chăm những bé này vất vả gấp mười lần” - chị Tuyền nói.

Các bé sinh non, nhẹ cân còn không biết lấy tiếng khóc hay hành động để thể hiện nhu cầu của mình. Đau đớn, các em cũng chỉ nằm chảy nước mắt. Nuôi trẻ nhiều năm, chị Tuyền cũng đã đoán biết được nhu cầu của các bé. Những đêm trực, họ ngủ rất ít và thường xuyên phải tỉnh giấc để chăm sóc các bé.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hoài Phương chăm sóc trẻ tại bệnh viện
Điều dưỡng Nguyễn Thị Hoài Phương chăm sóc trẻ tại bệnh viện

Năm 2008, chị Phan Thị Kim bắt đầu công việc tại Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh. Trung bình, mỗi ngày, chị Kim chăm sóc riêng 5-7 trẻ, chủ yếu là trẻ sinh non, nhẹ ký lại mắc nhiều bệnh nặng. “Các bé rất hay tỉnh dậy giữa đêm đòi ăn hoặc tiêu, tiểu. Cũng như con của mình, nghe tiếng khóc của các bé, tôi không thể bỏ mặc, dù mệt cũng dậy để chăm bé” - chị Kim nói.

Chị Kim nhớ lại, gần 2 năm trước, một người đàn ông mang vào khoa một bé bị đa dị tật hiếm gặp. Bé được cha mẹ đặt tên Nguyễn Hoàng H. Da toàn thân của bé đều bị khô, nứt nẻ, đóng sừng, bong vảy, chảy nước rất hôi. Các ngón chân, ngón tay gần như không rõ rệt, mắt bé bị dị tật, lật ngược mi lên trên, không như bình thường. Hầu họng của bé bị dị tật nên bé H. không biết bú. Bộ phận sinh dục cũng bất thường.

Có lẽ thấy bé không bình thường như những đứa trẻ khác nên người cha đã quay lưng bỏ đi ngay khi giao bé cho các y, bác sĩ. Dù để lại số điện thoại, nhưng nhiều lần, điều dưỡng của khoa gọi điện đều không có người nghe máy. Do da toàn thân của bé đều bong tróc, rỉ nước nên có mùi rất hôi. Nhưng mỗi ngày, các điều dưỡng vẫn thay nhau tắm, bôi thuốc cho bé. Có những thời điểm, cứ 1 tiếng, họ phải thay drap 1 lần cho bé H. vì nước rỉ mủ nhiều.

“Chăm sóc bé H. rất cực vì bệnh lý quá hiếm gặp. Bé hết rỉ dịch lại rỉ máu với mùi tanh hôi nồng nặc. Chúng tôi phải chăm sóc bé thường xuyên. Tuy nhiên, hơn 2 tháng sau, bé mất vì bệnh quá nặng. Tôi thực sự bị ám ảnh và thương xót cho bé” - chị Kim tâm sự.

* Điều dưỡng kiêm bảo mẫu

Theo bác sĩ Trần Thị Bích Phượng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, có nhiều cặp vợ chồng còn quá trẻ; có em mới chỉ 17 hay 18 tuổi đã lỡ dại mang thai. Và sau khi sinh con, họ đã bỏ con lại bệnh viện. Vài tháng trước, một cặp vợ chồng đưa một bé gái nặng 1,2kg vào bệnh viện rồi bỏ đi. Các y, bác sĩ đã chăm sóc và liên hệ với gia đình nhiều lần. Một lần may mắn, ông nội bé đã nhận điện thoại và bắt cặp vợ chồng này lên nhận con về nuôi. “Lúc đó, khoa có 4 bé bị bỏ rơi, tôi ẵm cả 4 bé để họ nhận diện đâu là con mình. Bằng linh cảm người mẹ, họ đã nhận ra con mình. Lúc này, bé đã gần 3kg” - bác sĩ Phượng kể.

Điều dưỡng Phương chia sẻ, những bé bị bỏ rơi đều được y, bác sĩ dành nhiều tình cảm hơn. Họ đều tranh thủ thời gian rảnh để chơi với các bé vì các bé không được may mắn như nhiều trẻ khác. “Khi đưa các bé bị bỏ rơi vào các trung tâm cô nhi, chúng tôi cũng nhớ lắm vì có thời gian dài chăm sóc các bé. Có nhiều trường hợp, bé quay lại khoa khám bệnh, nhận ra và theo chúng tôi. Đó cũng là niềm an ủi, tình cảm đặc biệt giữa chúng tôi và các bé” - điều dưỡng Phương tâm sự.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều