Báo Đồng Nai điện tử
En

Họa sĩ điêu khắc Võ Tùng Niên: Nét tượng,tiếng đàn reo ca

10:02, 28/02/2020

1. Tôi gặp họa sĩ Võ Tùng Niên lần đầu vào một ngày mùa mưa năm 1981. Trong Phòng Kỹ thuật của Công ty hợp doanh Gốm số 2 Đồng Nai (gọi tắt là Công ty Gốm 2), một người đàn ông trạc ngoài ba mươi, dáng người thấp, vầng trán cao, đuôi mắt dài, hàng ria mép giống nghệ sĩ Lý Cai trong phim Ván bài lật ngửa, đang chăm chú phác thảo mẫu gốm.

1. Tôi gặp họa sĩ Võ Tùng Niên lần đầu vào một ngày mùa mưa năm 1981. Trong Phòng Kỹ thuật của Công ty hợp doanh Gốm số 2 Đồng Nai (gọi tắt là Công ty Gốm 2), một người đàn ông trạc ngoài ba mươi, dáng người thấp, vầng trán cao, đuôi mắt dài, hàng ria mép giống nghệ sĩ Lý Cai trong phim Ván bài lật ngửa, đang chăm chú phác thảo mẫu gốm. Bước vào Phòng Trưng bày sản phẩm của công ty, những bình gốm lớn, đĩa gốm vẽ chân dung Bác Hồ, Lênin, Fidel Castro, Chêghêvara, Che Guevara, Brezhnev, Lê Duẩn… và các phong cảnh Đồng Nai: hồ Long Ẩn, cầu Ghềnh, sông Đồng Nai… được trưng bày.

Họa sĩ điêu khắc Võ Tùng Niên và các tác phẩm của ông
Họa sĩ điêu khắc Võ Tùng Niên và các tác phẩm của ông

Võ Tùng Niên kể: Những năm đầu sau giải phóng, nhiều mới mẻ và phức tạp, ở Công ty Gốm 2 việc thực hiện các chủ đề chính trị, vẽ chân dung các lãnh tụ, các nhà lãnh đạo quốc gia, quốc tế trên các sản phẩm gốm đều được giao cho anh - họa sĩ chuyển ngành từ bộ đội. Năm 1980, tỉnh Đồng Nai đem ra tặng Trung ương cặp bình gốm lớn cao hơn 2m vẽ hình anh hùng vũ trụ Liên Xô Gorơbatcô và anh hùng Phạm Tuân trên con tàu vũ trụ là do họa sĩ Võ Tùng Niên thiết kế và thể hiện mẫu vẽ. Khi Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai vừa được thành lập (tháng 12-1979), Võ Tùng Niên tích cực tham gia các hoạt động của Hội và được kết nạp vào Hội, thuộc lớp hội viên lứa đầu. Những năm ấy đội ngũ sáng tạo nghệ thuật của Đồng Nai còn thưa thớt, không khó để kể ra những tên tuổi họa sĩ ở Đồng Nai hồi ấy: Văn Lương, Lê Quang, Thanh Thanh, Nam Ngữ, Sĩ Nguyên, Mai Công Trực, Tạ Tiến... Võ Tùng Niên cũng được nối vào danh sách ấy.

Năm 1985, kỷ niệm 10 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, tỉnh Đồng Nai tổ chức nhiều hoạt động văn học - nghệ thuật phong phú. Họa sĩ Võ Tùng Niên gửi tác phẩm tham gia và góp phần tích cực vào thành công của Triển lãm Mỹ thuật Đồng Nai lần thứ 1.

2. Sinh ra ở một miền quê giàu truyền thống văn chương, nghệ thuật, nơi có điệu hát văn huyền hoặc, chú bé Niên bộc lộ năng khiếu nghệ thuật từ rất sớm. Học xong cấp 2 (hiện nay là THCS) Võ Tùng Niên ghi nguyện vọng vào học mỹ thuật. Lúc đó, anh được nhận vào Đoàn Văn công H.Trực Ninh, tỉnh Nam Định và được Đoàn cử đi học trung cấp nhạc dân tộc tại Hà Nội. Khóa học 3 năm dạy nghiệp vụ âm nhạc và còn dạy thêm nghề làm nhạc cụ dân tộc. Võ Tùng Niên thành thạo biểu diễn trống chèo, sáo, nhị và làm được các nhạc cụ dân tộc: nhị, sáo, tiêu, đàn tam, đàn tứ.

Tốt nghiệp khóa học, Võ Tùng Niên được chuyển về công tác tại Đoàn Văn công Xí nghiệp Cơ khí miền Nam. Tuy đã có duyên, có nghề với đàn, trống, sáo tiêu, nhưng tiếng gọi của màu sắc, hình khối vẫn cứ giục giã trong anh. Cho nên khi Trường cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội gọi ra học theo nguyện vọng đề đạt của anh những năm trước thì Võ Tùng Niên chia tay Đoàn Văn công lên Trường cao đẳng Mỹ thuật học ngay. Tốt nghiệp Khoa Điêu khắc Trường cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, Võ Tùng Niên về công tác tại Đoàn Chèo Nam Hà. Làm việc chưa ấm chỗ, năm 1971 Lệnh Tổng động viên đã đưa chàng họa sĩ, nhạc công, nghệ nhân đa tài vào bộ đội, vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Võ Tùng Niên được điều về Phòng Tuyên huấn Quân khu 7 chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam bộ. Cũng ở đây anh gặp cô diễn viên Đội Tuyên văn Đoàn 600, Quân khu 7 Phạm Thị Bích Nhuần là người cùng quê và sau thành “người bảo trợ” suốt đời anh.

3. Năm 1990, Võ Tùng Niên xin nghỉ việc ở Công ty Gốm số 2 Đồng Nai, hưởng chế độ nghỉ trợ cấp một lần. Những năm ấy, đất nước đã bước vào công cuộc đổi mới nhưng vẫn còn muôn vàn khó khăn. Ra ngoài làm tự do, họa sĩ Võ Tùng Niên không bỏ nghề. Anh nhận nặn tượng, đắp phù điêu, vẽ tranh, vẽ chân dung, thiết kế quang cảnh, trang trí các công trình tập thể, nhà ở tư nhân. Anh tâm sự: Làm cho tư nhân, cho các cơ sở, đơn vị đặt hàng thì phải chiều theo thị hiếu, yêu cầu của khách hàng nhưng cũng chỉ nên đến một giới hạn nhất định, chất lượng nghệ thuật luôn phải giữ. Với trình độ thẩm mỹ của số đông, tả thực là phương pháp sáng tác được áp dụng nhiều. Thuận lợi nhất là khi được làm tượng, vẽ tranh cho những đơn vị lớn, những mạnh thường quân am hiểu nghệ thuật, cho phép nghệ sĩ được tìm tòi sáng tạo, tiếp cận mỹ thuật hiện đại.

Võ Tùng Niên tham gia thực hiện các công trình tượng đài lịch sử lớn của các địa phương, các đơn vị ngoài tỉnh như: Tượng đài Chiến thắng Đăc Tô - Tân Cảnh (Kon Tum) - tác giả Mai Ngọc Chính, thể hiện: Võ Tùng Niên; tượng đài Tội ác giặc Pháp ở Phan Rí (Bình Thuận); tượng đài Du kích Tuy Phong cùng tác giả Hồ Thái Thiết (Bình Thuận); tượng đài Bác Hồ ở Học viện Lục quân Đà Lạt; tượng đài Bác Hồ ở Sở Công an (Bình Thuận)…

Ở trong tỉnh, anh có những tác phẩm, công trình nghệ thuật tiêu biểu là: Nhà bia tưởng niệm Đại đội Lam Sơn, Phù điêu Chiến thắng của Lữ đoàn 22 xe tăng, tượng đá Gia đình dương xỉ ở Vườn tượng Trấn Biên, tượng Bác Hồ với các cháu thiếu nhi, các tượng Xẩm chợ, Đấm chiêng, nghệ nhân Hà Thị Cầu, các phù điêu tại Trường cao đẳng Trang trí mỹ thuật tỉnh… Với vốn sống của người lính đã trải qua chiến tranh và phong cách hội họa giàu chất thơ, Võ Tùng Niên còn được tín nhiệm giao minh họa trên tạp chí Văn nghệ Đồng Nai nhiều năm trước đây. Những tác phẩm văn, thơ về đề tài người lính và chiến tranh cách mạng được Võ Tùng Niên minh họa luôn có độ tinh tế, biểu cảm, không có những sai sót.

Anh dự các trại sáng tác, triển lãm mỹ thuật, các cuộc thi văn học - nghệ thuật và được ghi nhận bằng các giải thưởng: giải khuyến khích Hội Mỹ thuật Việt Nam với tác phẩm Lên nương (tượng), Giấy khen Hội Mỹ thuật Việt Nam với tác phẩm Niềm cảm xúc; giải nhất Giải thưởng Văn học - nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần 1 với tác phẩm Năng động (phù điêu); giải nhì Giải thưởng Văn học - nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần 2 với tác phẩm Cô gái Châu Mạ (tượng); giải nhì (giải cao nhất) Giải thưởng Cuộc vận động sáng tác chủ đề “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2010 của tỉnh với tác phẩm Bác Hồ với các cháu thiếu nhi (tượng)... Thử sức ở lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật, Võ Tùng Niên cũng “rinh” được giải thưởng: giải nhì Triển lãm ảnh của CLB Nhiếp ảnh Liên đoàn Lao động tỉnh năm 1996...

Những năm gần đây tại KP.4, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa xuất hiện nhóm dân ca Hương Việt với nhiều nhạc công, “nghệ sĩ” cao tuổi mà vẫn “đàn ngọt, hát hay” làm sôi động cả một vùng phố. Nhóm còn đi giao lưu, biểu diễn ở các khu phố, phường, địa phương khác để lại nhiều dư âm. Nghề xưa nghiệp cũ không dễ bỏ. Họa sĩ Võ Tùng Niên vừa là nhạc công (nhị, trống), ca sĩ (hát văn) và “ông bầu” của nhóm. Bà Phạm Thị Bích Nhuần (vợ ông) cũng là ca sĩ chính của nhóm. Ngoài 70, râu tóc đã bạc trắng theo thời gian, nhưng dáng vóc vẫn còn nhanh nhẹn, khỏe khoắn, đôi mắt vẫn lấp lánh đam mê. Sau những giờ phút tiêu dao, thư giãn cùng tiếng đàn, lời ca, họa sĩ Võ Tùng Niên lại miệt mài với những sáng tạo nghệ thuật mới.

Phước Long Giang

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích