Báo Đồng Nai điện tử
En

Ít việc, công nhân xoay xở với cuộc sống

03:09, 26/09/2022

Hơn 3 tháng nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng sụt giảm đơn hàng trầm trọng, thị trường xuất khẩu hàng hóa chững lại dẫn đến thiếu việc làm. Một số DN sản xuất cầm chừng và cho công nhân (CN) nghỉ ngày thứ bảy hoặc giảm giờ làm, không tăng ca.

Hơn 3 tháng nay, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng sụt giảm đơn hàng trầm trọng, thị trường xuất khẩu hàng hóa chững lại dẫn đến thiếu việc làm. Một số DN sản xuất cầm chừng và cho công nhân (CN) nghỉ ngày thứ bảy hoặc giảm giờ làm, không tăng ca.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khảo sát về việc làm, thu nhập, đời sống công nhân tại các doanh nghiệp dệt may
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam khảo sát về việc làm, thu nhập, đời sống công nhân tại các doanh nghiệp dệt may. Ảnh: T.MY

Trước thực trạng trên, nhiều gia đình CN càng thêm khó khăn, phải xoay xở mọi cách mới đủ chi phí trang trải cuộc sống.

Xoay xở đủ đường

Những năm trước đây, thời điểm này là dịp CN có cơ hội tăng thu nhập do DN tập trung sản xuất hàng Tết. Tình hình tuyển dụng lao động cũng diễn ra sôi nổi để tăng tốc sản xuất hàng hóa cuối năm. Song năm nay lại khác, tình trạng CN ít việc, thiếu việc diễn ra ở nhiều DN. Một số DN do không có đơn hàng sản xuất buộc phải đóng bớt xưởng sản xuất và sắp xếp cho CN nghỉ luân phiên để chờ đợi đơn hàng trở lại như trước đây.

Anh LÊ VĂN TÍ, làm việc tại Công ty TNHH Gỗ Lee Fu Việt Nam (TP. Biên Hòa) cho hay, trước đây, dù tăng ca vất vả nhưng thu nhập hằng tháng của anh khoảng 7 triệu đồng/tháng. Từ đầu tháng 7-2022, anh không còn tăng ca, thu nhập chỉ còn khoảng 5 triệu đồng/tháng. Trừ các chi phí thuê trọ, sinh hoạt, ăn uống, anh không còn dư đồng nào để phòng thân...

Gần 3 tháng nay, chị Lê Thị Minh, làm việc tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) chỉ làm việc 4 ngày trong tuần. Công việc ít, thu nhập giảm khiến gia đình chị Minh gồm 4 người phải dè sẻn chi tiêu. Chị Minh cho hay, trước đây, công việc ổn định và tăng ca đều, thu nhập của chị khoảng 8 triệu đồng/tháng, nhưng nay không tăng ca, thu nhập còn khoảng 6 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm chung công ty và cũng chung hoàn cảnh.

“Tôi vừa trở lại với công việc từ tháng 4 sau thời gian nghỉ thai sản. Tưởng chừng công việc ổn, 2 vợ chồng tiết kiệm để Tết này về quê. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7, DN giảm đơn hàng và cho CN làm việc 4 ngày trong tuần khiến thu nhập của tôi cũng giảm hẳn. Hiện tôi và chồng đều có thâm niên 6 năm gắn bó với công ty nên không mạo hiểm nhảy việc thời điểm cuối năm. Chỉ mong công ty sớm có lại đơn hàng và việc sản xuất sẽ ổn định hơn” - chị Minh chia sẻ.

 Còn anh Lê Văn Hải, quê Bình Thuận, làm việc tại Công ty TNHH MTV May mặc Ngày vinh quang (H.Xuân Lộc) cho hay, mới đây, khi nhận được thông báo từ Ban giám đốc công ty là sẽ giải thể DN vào cuối tháng 10-2022, anh và hàng trăm CN vô cùng bất ngờ và hụt hẫng. Mất việc vào thời điểm này đang khiến anh đối mặt nhiều vấn đề bởi rất khó tìm việc mới vào những tháng cuối năm trong khi cuộc sống vô vàn nỗi lo. Nhất là chi phí đầu năm học của con và chi phí thuê trọ.

Hiện các DN đông CN như Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu), Công ty CP Taekwang Vina Industrial (TP.Biên Hòa) vẫn đang đối mặt tình trạng thiếu đơn hàng do ảnh hưởng từ lạm phát tăng cao tại thị trường Âu, Mỹ và buộc phải cho CN nghỉ làm ngày thứ bảy hoặc thứ hai. Tình trạng trên khiến NLĐ bị giảm thu nhập, phải tính toán chi tiêu mới đủ lo cho cuộc sống xa quê.

“Thắt lưng buộc bụng”

Tìm đến các khu nhà trọ sau giờ tan ca, có thể thấy, bữa cơm CN ngày càng đơn giản hơn. Việc ít, thu nhập giảm, nhiều gia đình CN phải “thắt lưng buộc bụng” và xoay xở đủ cách mới đủ trang trải cuộc sống. Họ hy vọng, trong tháng 10 tới, công việc khởi sắc hơn để không phải thấp thỏm lo lắng những khoản chi phí phát sinh trong cuộc sống.

Anh Lê Văn Tí, có thâm niên 7 năm làm việc tại Công ty TNHH Gỗ Lee Fu Việt Nam (TP.Biên Hòa) cho hay, từ đầu năm đến nay, thu nhập hằng tháng của anh không đủ để gửi về quê cho vợ nuôi con. Nguyên nhân do DN khó khăn về đơn hàng nên cho CN tạm ngừng việc. Công ty sắp xếp cho CN đi làm 14 ngày đầu tiên và hưởng mức lương 180 ngàn đồng/người/ngày. Từ ngày 15 trở đi nghỉ việc và không có lương. Trước đó, công ty đã tạm ngừng hợp đồng với 700 lao động trong thời gian 1 tháng để đợi có đơn hàng trở lại.

Chị Lê Thị Minh, làm chung công ty với anh Tý cũng bộc bạch, hiện với khoản thu nhập ít ỏi từ lương cơ bản, chị phải tằn tiện hết sức. “Vào đầu năm học mới của con, tôi cố gắng lắm mới mua được cho con được bộ sách, vở và đồng phục đi học. Còn các khoản thu đầu năm của 2 con gần 4 triệu đồng tôi vẫn chưa đóng do hơn 4 tháng nay, công ty ít việc, CN không có việc. Việc làm không đều, thu nhập giảm hơn nửa so với trước đây nên tôi phải loay hoay đủ đường với hy vọng cuối năm, công việc sẽ ổn trở lại”.

Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa Nguyễn Thị Tuyết cho biết, trên địa bàn khu công nghiệp, một số DN do giảm hoặc không có đơn hàng sản xuất đã bố trí cho lao động nghỉ việc thứ hai hoặc thứ bảy hằng tuần. Đặc biệt, các DN sản xuất gỗ đang gặp nhiều khó khăn và lực lượng lao động trong ngành này cũng bị ảnh hưởng không kém. Công đoàn Khu công nghiệp đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở bám sát tình hình thực tế đời sống CN và tìm giải pháp để sớm ổn định việc làm cho CN. Tránh để tình trạng khi có đơn hàng trở lại nhưng thiếu lao động, quan trọng là có giải pháp để giữ chân lao động lành nghề.

Tại H.Trảng Bom, hiện rất nhiều DN gỗ đã tạm đóng cửa, thu hẹp sản xuất để chờ đơn hàng trở lại. Do đó, hàng chục ngàn lao động trong ngành này đang thấp thỏm lo lắng về việc làm, đời sống của mình. Nhiều lao động cho biết, 2 năm dịch bệnh đã làm cho cuộc sống họ khốn khó, nay lại trong tình trạng thiếu việc làm. Nếu tình hình sản xuất, kinh doanh của DN tiếp tục chững lại, CN không có việc làm đến cuối năm hoặc không còn tăng ca thì Tết năm nay, nhiều lao động chấp nhận tiếp tục đón Tết xa quê sau nhiều năm không về quê ăn Tết do dịch bệnh.

Thảo My

Tin xem nhiều