Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường đối thoại tại nơi làm việc

09:10, 28/10/2019

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Công đoàn chú trọng tham gia xây dựng và thực hiện quy chế đối thoại tại doanh nghiệp.

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Công đoàn chú trọng tham gia xây dựng và thực hiện quy chế đối thoại tại doanh nghiệp (DN).

Công nhân Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3) trong giờ làm việc
Công nhân Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3) trong giờ làm việc

Theo đó, việc đối thoại tại nơi làm việc được xây dựng cơ bản đã bám sát nội dung và sát với tình hình thực tế tại DN như: nguyên tắc, nội dung đối thoại, hình thức đối thoại, trách nhiệm của các bên tham gia đối thoại, số lượng, thành phần tham gia đối thoại, quy định người lao động (NLĐ) được đề xuất nội dung đối thoại và những nội dung cần đối thoại.

* Không ít DN còn thờ ơ

Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hồ Thanh Hồng, để đảm bảo việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến đoàn viên, NLĐ, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã chủ động phối hợp với chủ DN tổ chức đối thoại với NLĐ định kỳ nhằm đánh giá các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến việc làm, đời sống, thu nhập của NLĐ cũng như diễn biến tình hình quan hệ lao động tại các DN. Đồng thời, tập huấn kỹ năng đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể cho đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở.

Thông qua các buổi đối thoại đó, Công đoàn và DN đã kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, giải quyết những vướng mắc, đề xuất chính đáng của NLĐ, góp phần ổn định tư tưởng, tinh thần NLĐ; tạo môi trường làm việc thân thiện, dân chủ, trách nhiệm và hiệu quả góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong DN. Đây cũng là cơ hội để DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, ổn định việc làm, tăng thu nhập cho NLĐ.

Từ đầu năm đến nay, các DN có tổ chức Công đoàn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đối thoại tại nơi làm việc 1.349 cuộc. Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hồ Thanh Hồng, những tháng cuối năm, các DN cần tăng cường các buổi đối thoại, nắm bắt kịp thời mong muốn của NLĐ, không để tranh chấp lao động xảy ra ảnh hưởng đến sản xuất và sự ổn định lao động tại DN.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều DN thờ ơ, chưa chú trọng thực hiện. Theo quy định của Nghị định 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở, đối thoại định kỳ tại nơi làm việc do chủ sử dụng lao động chủ trì, phối hợp với đại diện tập thể lao động tại cơ sở thực hiện 3 tháng/lần để trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh; việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và thỏa thuận khác tại nơi làm việc... Tuy nhiên, các DN cố tình không thực hiện hoặc giao khoán cho Công đoàn hoặc thực hiện mang tính đối phó.

Bên cạnh đó, thông qua các cuộc thanh, kiểm tra cho thấy, vẫn còn nhiều DN chưa tổ chức đối thoại tại nơi làm việc một cách bài bản mà thường lồng ghép trong các cuộc họp để giảm chi phí. Về phía NLĐ, do hiểu biết pháp luật lao động còn hạn chế nên không quan tâm đến việc đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.

* Cần những cuộc đối thoại thực chất hơn

Theo ông Kiều Minh Sinh, Trưởng ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh, đối với các DN lớn có đông công nhân, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài, việc tổ chức đối thoại giữa ban giám đốc với đại diện NLĐ được thực hiện khá thường xuyên. Tuy nhiên, trình tự, nội dung thực hiện trao đổi giữa hai bên vẫn chưa đúng quy định của một buổi đối thoại, trong đối thoại vẫn còn mang tính hình thức, đối phó, chưa có sự tham gia đóng góp ý kiến từ phía NLĐ trong việc tìm ra các giải pháp để giải quyết các kiến nghị, nội dung đối thoại chưa phong phú, lặp đi lặp lại. Vì vậy, các buổi đối thoại vẫn chưa đạt hiệu quả tối đa.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hồ Thanh Hồng cho rằng, để làm tốt công tác đối thoại, cần nhiều giải pháp, trong đó, cán bộ Công đoàn cơ sở phải thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tổng hợp ý kiến NLĐ để chuẩn bị tốt nội dung đối thoại. Cùng với đó, phải phân loại, lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên các nội dung dự kiến đối thoại; gửi nội dung đối thoại cho người sử dụng lao động; đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên tham gia đối thoại; tìm hiểu thực tế yêu cầu, điều kiện cụ thể và lý lẽ phân tích đảm bảo tính thuyết phục khi đối thoại.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Elite Long Thành Hồ Hoàng Anh cho hay, cuối năm thường dễ xảy ra xung đột do liên quan đến vấn đề lương, thưởng Tết. Cán bộ Công đoàn cần khéo léo thuyết phục DN đối thoại, công bố lương, thưởng sớm nhằm ổn định tư tưởng, tinh thần làm việc của NLĐ.

Còn theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Công Ký, để có cuộc đối thoại thực chất, trong quá trình đối thoại, ngoài các ý kiến tập hợp, DN phải để NLĐ nói lên tiếng nói, mong muốn của mình, được thảo luận nhằm phát huy tính dân chủ và được DN giải đáp thỏa đáng. Kết thúc buổi đối thoại phải có kết luận từng nội dung cụ thể và thể hiện vào biên bản đối thoại, trong đó ghi rõ những nội dung đã thống nhất, thời gian, biện pháp thực hiện, những nội dung còn có ý kiến khác nhau chưa thống nhất và thời điểm tiếp tục bàn bạc, giải quyết. Sau đối thoại, Công đoàn cần tích cực giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nội dung đã cam kết nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

Thực tế, tại nhiều cuộc họp giao ban các cấp Công đoàn gần đây, nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở cũng đã cho biết những khó khăn trong việc đối thoại tại nơi làm việc. Nguyên nhân do DN không hợp tác tổ chức dẫn đến những mâu thuẫn nhỏ phát sinh thành mâu thuẫn lớn và đỉnh điểm xảy ra tranh chấp lao động, người chịu thua thiệt vẫn là DN. Nếu DN chịu hợp tác, bỏ thời gian khoảng 30 phút để tập hợp công nhân, chia sẻ với NLĐ thì không những tạo sự đoàn kết, ổn định lao động mà mọi kiến nghị của NLĐ sẽ được DN biết để trao đổi, xử lý kịp thời.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) Đặng Tuấn Tú cho hay, việc DN chủ động đối thoại với NLĐ rất cần thiết vì khi DN hiểu được NLĐ muốn gì và đáp ứng kịp thời, họ sẽ có được đội ngũ NLĐ gắn bó, tâm huyết với công việc. DN có thể đối thoại bất cứ lúc nào có thời gian chứ không nhất thiết theo định kỳ hoặc có xung đột mới đối thoại. Những buổi đối thoại không chỉ gắn kết giữa DN với NLĐ mà còn nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của NLĐ, từ đó, DN và công nhân hiểu nhau hơn, mối quan hệ lao động trở nên hài hòa, ổn định.

Đại diện Công đoàn Công ty TNHH Minh Thành (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) nắm bắt nguyện vọng công nhân tại xưởng sản xuất
Đại diện Công đoàn Công ty TNHH Minh Thành (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) nắm bắt nguyện vọng công nhân tại xưởng sản xuất

Còn theo anh Phạm Hồng Thư, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Spitfire Controls Việt Nam (KCN Amata, TP.Biên Hòa), để việc đối thoại tại cơ sở mang lại hiệu quả thực sự, tổ chức Công đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn để các DN chủ động tổ chức đối thoại định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức hội nghị đối thoại bảo đảm chất lượng, tránh hình thức, đối phó. Ngoài ra, cần chú trọng bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ Công đoàn trong tuyên truyền, vận động và phối hợp với DN tổ chức các buổi đối thoại đúng quy trình, chất lượng.

* Nhân rộng những cách làm hay

Thời gian qua, nhiều DN tập trung đông lao động trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với Công đoàn đối thoại với NLĐ tại nơi làm việc định kỳ 3 tháng/lần. Một số DN đối thoại thường xuyên hơn bằng cách xuống xưởng làm việc nắm bắt ý kiến, bức xúc của NLĐ trong ngày và giải quyết kịp thời, góp phần phát huy dân chủ. Bên cạnh đó, DN có thời gian chia sẻ với tâm tư, đời sống NLĐ.

Tại Công ty TNHH Fujitsu (KCN Biên Hòa 2), DN có trên  2 ngàn lao động và 100% đã ký hợp đồng lao động. Đặc biệt, đều đặn 3 tháng/lần, DN tổ chức đối thoại định kỳ với NLĐ. Các ý kiến của công nhân tại buổi đối thoại được DN ghi lại, nếu ý kiến nào hợp lý sẽ bổ sung vào các chế độ phúc lợi.

Công nhân Nguyễn Thị Mây, Công ty TNHH Fujitsu cho hay: “Hơn 10 năm gắn bó với công ty, tôi rất hài lòng về các chế độ chích sách nơi đây. Đặc biệt là DN luôn lắng nghe ý kiến và đối thoại trực tiếp với NLĐ. Tại các buổi đối thoại, chúng tôi được nêu ý kiến, vướng mắc của mình. Do đó, khi được đáp ứng, công nhân yên tâm làm việc và hiệu quả công việc cũng tăng lên”.

Công ty TNHH Elite Long Thành (KCN Lộc An - Bình Sơn, huyện Long Thành) được Công đoàn huyện đánh giá là DN thực hiện tốt việc đối thoại tại nơi làm việc. Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty Hồ Hoàng Anh cho hay, mỗi ngày chủ DN dành 30 phút nghỉ buổi trưa để xuống xưởng đối thoại với NLĐ. Với cách làm này, DN nắm tình hình lao động trong ngày và xử lý chứ không để kéo dài.

Còn tại Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch) nơi có 2,8 ngàn lao động chuyên sản xuất các loại dụng cụ chơi golf, quy chế dân chủ được thực hiện theo đúng trình tự và quy định. Theo đó, DN sắp xếp thời gian để cùng Công đoàn tổ chức đối thoại trực tiếp với NLĐ. Các buổi đối thoại, NLĐ thường thắc mắc những vấn đề như: môi trường làm việc, bữa ăn ca và các chế độ, chính sách được DN ghi nhận, giải quyết ngay. Những vấn đề cần thẩm định công ty sẽ cho kiểm tra và thời gian giải quyết kịp thời.

Bài, ảnh: Lan Mai

Tin xem nhiều