Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng để Tết mất vui vì ngộ độc thực phẩm

09:01, 13/01/2022

Hàng chục tấn thịt, sản phẩm từ gia súc, gia cầm bốc mùi hôi thối, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm được các ngành chức năng liên tiếp phát hiện trong những tuần gần đây cho thấy, vì lợi nhuận, nhiều người vẫn bất chấp quy định của pháp luật, tìm cách mua bán thực phẩm bẩn

Hàng chục tấn thịt, sản phẩm từ gia súc, gia cầm bốc mùi hôi thối, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm được các ngành chức năng liên tiếp phát hiện trong những tuần gần đây cho thấy, vì lợi nhuận, nhiều người vẫn bất chấp quy định của pháp luật, tìm cách mua bán thực phẩm bẩn, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang tới gần, nhu cầu mua bán thực phẩm tăng cao. Nếu như số thực phẩm bẩn này không được ngành chức năng tịch thu và tiêu hủy, mà trà trộn vào các quán ăn thì hậu quả người tiêu dùng sẽ lãnh đủ.

Theo đánh giá của ngành chức năng, trong thời gian qua, các vi phạm liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) diễn biến khá phức tạp. Một trong những nguyên nhân là do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên công tác kiểm tra chuyên ngành VSATTP của lực lượng chức năng cũng hạn chế hơn. Mặt khác, một số địa phương trong tỉnh là “thủ phủ” chăn nuôi, giết mổ heo nên hoạt động của các cơ sở giết mổ heo trái phép vẫn diễn ra, không đảm bảo VSATTP. Đây cũng là những điểm cung cấp nguồn thịt và sản phẩm từ động vật không đảm bảo VSATTP ra thị trường.

Trong khi đó, nguồn thực phẩm bẩn, giá rẻ được các đối tượng dễ dàng cung cấp cho các chợ tạm, chợ cóc, các quán ăn bình dân mọc nhan nhản trên địa bàn. Ngoài việc gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tiền bạc của người tiêu dùng, hành vi mua bán thực phẩm bẩn còn gián tiếp ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nếu không may xảy ra các vụ ngộ độc tập thể trong doanh nghiệp.

Để ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm nói chung, dịp Tết Nguyên đán nói riêng, ngoài việc ra quân thực hiện cao điểm kiểm tra các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng cũng cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ngoài xử lý hành chính, nếu cần thiết cũng phải xem xét xử lý hình sự đối với các vụ vi phạm quy định về an toàn thực phẩm nghiêm trọng; công khai tên các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm… Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngăn chặn các sự vụ cố ý gây mất VSATTP, góp phần phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Song song đó, ngành chức năng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về trách nhiệm đảm bảo VSATTP đến cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cũng như cách lựa chọn, bảo quản thực phẩm an toàn; cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đến người tiêu dùng vào thời điểm Tết đến, Xuân về.

Ngoài ra, để Tết không bị mất vui bởi ngộ độc thực phẩm, mỗi người tiêu dùng cần thận trọng hơn khi chọn mua thực phẩm, nhất là khi mua thực phẩm qua mạng xã hội; cần lựa chọn mua ở nơi có uy tín, sản phẩm phải có nhãn mác, còn hạn sử sụng, tránh ẩm mốc, ôi thiu; bảo quản thực phẩm phải đúng cách; giữ vệ sinh khi chế biến, ăn uống. Trong trường hợp đi ăn ở quán, hay ăn tiệc, cần ăn chín, uống chín, rửa tay sạch sẽ, đảm bảo đúng nguyên tắc 5K để vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa đảm bảo sức khỏe để đón mừng Xuân mới.

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều