Báo Đồng Nai điện tử
En

Chìa khóa để phát triển bền vững đất nước

09:11, 23/11/2021

Phát biểu khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại thủ đô Hà Nội cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra luận điểm quan trọng: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" nhằm nhấn mạnh vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của cách mạng và của cả dân tộc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại thủ đô Hà Nội cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra luận điểm quan trọng: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” nhằm nhấn mạnh vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của cách mạng và của cả dân tộc. Người nhiều lần nhắc nhở: phải làm cho văn hóa bồi đắp những tình cảm tốt đẹp như lòng yêu nước, tình yêu thương con người, yêu chân - thiện - mỹ; yêu tính trung thực, chân thành, thủy chung, ghét những thói hư tật xấu, những sa đọa biến chất...

Hai năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai đã diễn ra từ ngày 16 đến 20-7-1948 tại tỉnh Phú Thọ, khi cả nước đang trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây được xem là “hội nghị Diên Hồng” đầu tiên về văn hóa - nơi Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ nội hàm và đích đến của “nền văn hóa mới của nước Việt Nam mới”; thực sự là ánh sáng soi đường tập hợp đông đảo lực lượng văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong thư gửi hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa xác định nhiệm vụ của văn hóa là “chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới”.

75 năm từ hội nghị toàn quốc đầu tiên về văn hóa, nhất là 35 năm đất nước đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chiến lược về văn hóa, trong đó luôn nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (năm 1998) khẳng định: “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện”. Nghị quyết số 33, khóa XI năm 2014 đặt ra mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Trong đó: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh là trọng yếu, thường xuyên…”.

Rõ ràng, Đảng ta luôn xem văn hóa là chìa khóa để phát triển bền vững đất nước, nhất là khi thế giới bước vào giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng, văn hóa là bản sắc, tinh hoa phải được giữ gìn và phát huy hơn bao giờ hết ở mỗi quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có lúc, có nơi, văn hóa chưa phát triển xứng tầm, đúng theo tinh thần “soi đường” mà Bác Hồ đã chỉ đạo. Chính vì vậy,  Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được tổ chức lần này, diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thử thách từ đại dịch Covid-19 được kỳ vọng sẽ thổi một luồng sinh khí mới nhằm cổ vũ, động viên các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đây còn là dịp để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nguyễn Phượng

Tin xem nhiều