Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh viện "mạnh", bệnh nhân tin

08:06, 16/06/2020

Năm 2008, Bộ Y tế phê duyệt và triển khai Đề án 1816 về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Năm 2008, Bộ Y tế phê duyệt và triển khai Đề án 1816 về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đề án này hướng tới một mục tiêu nhân văn hơn là đảm bảo sự công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của các vùng, miền trong cả nước. Đồng thời, đào tạo chuyên môn tại chỗ cho đội ngũ y, bác sĩ các bệnh viện tuyến dưới, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân địa phương.

Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vừa lọt vào tốp 10 cơ sở y tế xanh do cộng đồng bình chọn. Ảnh: T.L
 

Đến nay, sau 12 năm, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đã chuyển giao cho các trung tâm y tế tuyến huyện hơn 200 kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu. Qua đó, giảm tình trạng bệnh nhân ở các huyện phải chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh hoặc các bệnh viện ở TP.HCM để điều trị. Trong đó, phải kể đến như các kỹ thuật về sọ não, sản khoa, chạy thận nhân tạo, mổ bắt con…

Giám đốc Trung tâm Y tế H.Trảng Bom Nguyễn Đức Phước cho biết, từ tháng 8-2019 đến nay, trung tâm triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Kỹ thuật này được chuyển giao từ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Từ 2 bệnh nhân ban đầu, đến nay trung tâm đã chạy thận, điều trị cho 12 bệnh nhân, đa số là ở trong huyện. Việc triển khai được kỹ thuật này ở H.Trảng Bom giúp người dân vốn đã nghèo khó, sức khỏe kém không phải tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để đến bệnh viện tuyến trên điều trị như trước kia.

Song song với việc chuyển giao những kỹ thuật cao cho các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến dưới, từ năm 2013 đến nay, 3 bệnh viện tuyến tỉnh là: Nhi đồng Đồng Nai, Đa khoa Đồng Nai, Đa khoa Thống Nhất cũng tiếp nhận kỹ thuật cao, kỹ thuật mới từ các bệnh viện ở TP.HCM như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Nhi đồng 2, Viện Tim TP.HCM… theo Đề án Bệnh viện vệ tinh. Đáng lưu ý, từ cuối năm 2017, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã triển khai thành công kỹ thuật mổ tim hở, là kỹ thuật rất khó trong điều trị bệnh tim. Đến tháng 3-2018, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũng bắt tay thực hiện chuyên khoa này. Đến nay, cả 2 bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện được hơn 80 ca phẫu thuật tim hở cho người lớn và 2 trẻ em. Đội ngũ bác sĩ phẫu thuật tim của cả 2 bệnh viện đã trưởng thành hơn qua từng ca mổ, đem đến niềm hy vọng cho bệnh nhân mắc bệnh tim trong tỉnh.

Theo TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, phát triển các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu để tạo dựng được lòng tin đối với nhân dân, để cứu sống được nhiều bệnh nhân, hạn chế tối đa việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên là yêu cầu đặt ra đối với tất cả các cơ sở y tế trong tỉnh. Để phù hợp với tình hình của từng đơn vị, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế căn cứ vào tình hình thực tiễn của đơn vị để đề xuất nhu cầu chuyển giao kỹ thuật với đơn vị tuyến trên phù hợp chứ không thực hiện trọn gói như trước kia. Qua đó, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong tỉnh.

Thực hiện chỉ đạo này, nhiều đơn vị như Trung tâm Y tế H.Nhơn Trạch, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã hợp tác với các chuyên gia đầu ngành, bệnh viện ở TP.HCM để thực hiện khám, chữa bệnh tại đơn vị. Điều này nhận được sự hưởng ứng, đồng tình cao từ phía người bệnh.

Xuân Trường

Tin xem nhiều