Báo Đồng Nai điện tử
En

"Xoay vốn" cho phát triển hạ tầng

08:09, 08/09/2019

Mấy năm gần đây, điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, đầu tư công theo xu hướng hạn chế và cắt giảm, các nguồn vốn vay dài hạn như ODA hạn hẹp.

Mấy năm gần đây, điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, đầu tư công theo xu hướng hạn chế và cắt giảm, các nguồn vốn vay dài hạn như ODA hạn hẹp. Trong khi đó, vấn đề đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các công trình giao thông lại là yêu cầu bức thiết của mọi địa phương, nên các hình thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP) như BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) trở thành những biện pháp “xoay vốn” có hiệu quả.

Trên thực tế, dù khung pháp lý còn chưa hoàn thiện, có xảy ra một số dự án sai phạm, thất thoát tại vài địa phương, song công bằng mà nói, đầu tư hạ tầng theo hình thức BT hay BOT đã giúp nhiều địa phương có những công trình lớn, giải tỏa phần nào nhu cầu bức thiết trong phát triển kinh tế - xã hội.

Từ ngày 1-1-2018, Quyết định 23/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT tự động hết hiệu lực. Điều này đã làm “tê liệt” mọi dự án BT trên cả nước, trong đó có Đồng Nai.

Mãi đến gần đây, giữa tháng 8-2019, Nghị định 69/2019 của Chính phủ thay thế cho Quyết định 23/2015 mới được ban hành, song lại chưa có hướng dẫn thực hiện nên các dự án đầu tư theo hình thức này phải “nằm chờ”. Chưa kể, những nội dung của nghị định mới mặc dù đã được nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định mới nhằm hạn chế các điểm yếu của quy định cũ, song theo nhiều chuyên gia, vẫn sẽ có những vướng mắc khác về đấu giá đất, đấu giá dự án… và hiển nhiên, sẽ cần thêm thời gian chờ tháo gỡ.

Trong bối cảnh đó, với hơn 10 dự án, công trình trọng điểm có tính bức thiết, cần sớm tìm nguồn vốn đầu tư, trong đó TP.Biên Hòa chiếm nhiều nhất là 6 dự án, thì việc Đồng Nai tìm cách chuyển hướng đầu tư công được xem là cách làm phù hợp. Tỉnh thực hiện đấu giá những khu đất công có giá trị và xin phép Chính phủ dùng số tiền đấu giá đó đầu tư ngược lại cho những công trình cấp thiết, dĩ nhiên tất cả đều phải chấp hành đúng quy định pháp luật và thực hiện đúng các thủ tục liên quan.

Xét ở tương lai gần, chỉ có cách làm này mới có thể gỡ khó cho các dự án, khơi thông dòng vốn để đầu tư hạ tầng kịp thời. Từ đầu năm 2019 đến nay, 7 khu đất công đã được đấu giá thành công, đã thu về hơn 6,3 ngàn tỷ đồng, cao hơn 2,4 ngàn tỷ đồng so với mức giá khởi điểm. Một cách làm thông minh khác nữa là trước khi đấu giá, các khu đất được bổ sung, cập nhật đầy đủ các loại quy hoạch như: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông… nhằm mục đích nâng tầm giá trị; đồng thời có cơ sở để kiểm soát quá trình thực hiện dự án sau khi mua đất của nhà đầu tư. Dĩ nhiên, những khu đất nào sẽ được đấu giá, những khu nào giữ lại cho lâu dài cũng được tính toán cẩn trọng để vừa có thể khơi thông dòng vốn cho đầu tư hạ tầng trước mắt, vừa giữ gìn được quỹ đất cho mai sau.

 Vi Lâm

 

Tin xem nhiều