Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần hài hòa lợi ích

08:09, 20/09/2019

Chưa bao giờ việc xây dựng bảng giá đất cho một giai đoạn 5 năm lại được đánh giá là khó khăn như hiện tại. Nguyên nhân là trong vòng 2 năm qua, Đồng Nai được cho là một trong những điểm nóng nhất của "cơn sốt" giá đất khu vực phía Nam.

Chưa bao giờ việc xây dựng bảng giá đất cho một giai đoạn 5 năm lại được đánh giá là khó khăn như hiện tại. Nguyên nhân là trong vòng 2 năm qua, Đồng Nai được cho là một trong những điểm nóng nhất của “cơn sốt” giá đất khu vực phía Nam. Sự triển khai đồng loạt của những “siêu dự án” hạ tầng giao thông như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây -Liên Khương, Dầu Giây - Phan Thiết, cầu Cát Lái, đường Vành đai 3... đã đẩy giá đất trên thị trường lên rất mạnh. Tiêu biểu, có nơi giá đất đã tăng cả chục lần so với 1-2 năm trước.

Theo quy định, bảng giá đất là do từng địa phương xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt, dùng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; thuế sử dụng đất; phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai...

Vậy nên giá đất được quy định trong bảng giá ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách (vì là căn cứ để thu tiền sử dụng đất và các loại thuế, phí), ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế của người dân và doanh nghiệp (khi thực hiện các nghĩa vụ về đất) và sâu xa hơn, nó ảnh hưởng đến tiến độ các dự án lớn, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nếu không được tính toán một cách hài hòa, hợp lý.

Về thực chất, bảng giá đất mà Đồng Nai xây dựng cho giai đoạn 2020-2024 sẽ khó đáp ứng tiêu chí “áp sát giá thị trường” bởi nếu theo đúng “giá thị trường” hiện nay - vốn đang chịu ảnh hưởng bởi cơn “sốt đất” - thì hẳn là Đồng Nai sẽ có một bảng giá đất cao chót vót mà khó người dân hay doanh nghiệp nào chịu nổi mức tăng. Chưa kể, giá thị trường có thể sẽ “hạ nhiệt” khi “cơn sốt” đất qua đi và các nhà đầu tư bất động sản muốn bán đất nhanh để thu hồi vốn. Do đó, chọn một mức giá hợp lý, vừa phải để Nhà nước vẫn thu được thuế mà người dân, doanh nghiệp không bị ảnh hưởng quá nhiều là cách làm đúng đắn. Theo nguyên tắc, sau một thời gian công bố, bảng giá đất vẫn có thể được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Về lâu dài, Chính phủ cần có những biện pháp quản lý hữu hiệu bằng chính sách và quy định pháp lý rõ ràng cho thị trường bất động sản, tránh những đợt tăng giá quá “nóng”, những “cơn sốt” đất diễn ra khắp nơi thì các địa phương mới dễ dàng hơn trong việc xây dựng, hoạch định những bảng giá đất vừa sử dụng được lâu dài hơn, vừa hài hòa, cân đối được lợi ích của các bên.        

Vi Lâm

Tin xem nhiều