Báo Đồng Nai điện tử
En

Thích nghi để tồn tại

09:09, 16/09/2019

Những khó khăn và yếu kém của mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ đang bộc lộ một cách rất rõ ràng ở giai đoạn này, khi các sản phẩm chăn nuôi đang cạnh tranh từng chút một về năng suất, giá bán, chất lượng và sự cam kết về an toàn dịch bệnh.

Những khó khăn và yếu kém của mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ đang bộc lộ một cách rất rõ ràng ở giai đoạn này, khi các sản phẩm chăn nuôi đang cạnh tranh từng chút một về năng suất, giá bán, chất lượng và sự cam kết về an toàn dịch bệnh.

Thực ra từ cách đây vài chục năm, khi những tập đoàn chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên đặt chân đến Đồng Nai và bắt đầu phổ biến mô hình chăn nuôi công nghiệp, nhiều ý kiến đã dự đoán về một tương lai ảm đạm cho mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống. Và đúng như vậy, từ chỗ chiếm tỷ lệ chủ đạo trong ngành chăn nuôi Đồng Nai, đến nay mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ đã dần thu hẹp và chỉ còn chiếm 6-7% tổng đàn.

Xét về giá thành và năng suất, một hộ chăn nuôi quy mô vài chục đến vài trăm con heo khó lòng cạnh tranh với một trang trại nuôi vài ngàn, thậm chí vài chục ngàn con heo được đầu tư bài bản từ khâu giống, thức ăn, an toàn dịch bệnh… Những yếu kém, tồn tại rất dễ thấy: nuôi ít, giá thành cao, dễ nhiễm bệnh do thiếu những phương pháp phòng vệ an toàn, chưa kể thị trường tiêu thụ lại bấp bênh và nhỏ lẻ.

Dịch tả heo châu Phi lan rộng trong cả năm qua, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất vẫn là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Thực tế tại nhiều địa phương như: Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc… cho thấy, hàng ngàn hộ nuôi heo đành phải bỏ nghề do bị dịch bệnh tấn công, buộc phải tiêu hủy đàn heo và hiện đang lúng túng trong việc chuyển đổi ngành nghề. Còn hàng ngàn hộ chăn nuôi heo khác cũng đang đối mặt với nguy cơ sẽ mất đàn heo, mất nghề mưu sinh do dịch bệnh vẫn tiếp tục lan nhanh.

Đây là bài toán nan giải với nhiều địa phương, không riêng Đồng Nai vì dù quy mô nhỏ lẻ, song dù sao đó cũng là nghề mưu sinh của hàng chục ngàn hộ gia đình, không thể không quan tâm hỗ trợ. Tuy vậy, về lâu dài, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có lẽ phải tự tìm hướng đi để thích nghi và tồn tại. Trong đó, hướng đi khả thi nhất hiện tại vẫn là các hộ gia đình phải liên kết với nhau để cùng tham gia chăn nuôi sạch, liên kết giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm của mình, ít nhất là về giá bán.

Một hướng đi khác mà nhiều hộ gia đình đã làm được là nghiên cứu, phát triển những dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao, “nhắm” đến những người tiêu dùng ưa chuộng các dòng sản phẩm hữu cơ, sạch, an toàn và hợp khẩu vị. Ví dụ, nhiều hộ gia đình và cơ sở nhỏ ở Đồng Nai đã làm các sản phẩm như: gà thảo dược, heo thảo mộc, trứng gà omega, các sản phẩm chế biến từ thịt heo đặc sản như: xúc xích, lạp xưởng, giò chả… và gây dựng nên thương hiệu của riêng mình, dù quy mô nhỏ.

Những sản phẩm của các hộ gia đình hoặc cơ sở nhỏ nói trên được thị trường đón nhận và trả giá cao, cho thấy một hướng đi đáng suy nghĩ cho chăn nuôi hộ gia đình, mặc dù cũng không dễ dàng. Tuy nhiên, muốn giữ nghề mưu sinh giữa thời buổi cạnh tranh gắt gao thì thay đổi tư duy, tìm hướng đi mới để thích nghi và tồn tại là điều không thể tránh.             

Vi Lâm

Tin xem nhiều