Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

03:07, 01/07/2022

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là một trong 6 dự án luật được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua. Đây là luật liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, được cử tri và nhân dân rất quan tâm.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là một trong 6 dự án luật được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua. Đây là luật liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, được cử tri và nhân dân rất quan tâm.

KP.Hiệp Đồng, TT.Định Quán (H.Định Quán) họp bàn triển khai việc thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: H.THẢO
KP.Hiệp Đồng, TT.Định Quán (H.Định Quán) họp bàn triển khai việc thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19. Ảnh: H.THẢO

Từ việc nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri và các cơ quan có liên quan, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tích cực tham gia phát biểu thảo luận tại kỳ họp để đóng góp cho dự án luật quan trọng này.

* Nhiều điểm mới

Trình bày tờ trình dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc xây dựng luật nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua đó, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 7 chương, 74 điều, quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở...

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho hay, dự thảo luật có nhiều điểm mới gồm: quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; quy định hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm.

Trong đó, về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, dự thảo luật mở rộng phạm vi và đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã; mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề nhân dân bàn và quyết định trực tiếp... Đối với thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, dự thảo luật bổ sung các hình thức công khai thông tin, lấy ý kiến thông qua hệ thống thông tin nội bộ; bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền...

Dự thảo luật cũng quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện; đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của HĐND, UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; quy định kết quả thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên người đứng đầu cơ quan, đơn vị; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong bảo đảm các biện pháp thực hiện và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam nói chung và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam cấp xã nói riêng; trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở...

* Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

Bà Hồ Thị Hương (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi cảm thấy phấn khởi khi được biết tới đây sẽ ban hành một đạo luật nhằm hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân. Tôi mong các quy định của luật cần bám sát thực tiễn, làm sao để việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân một cách hiệu quả và thực chất nhất”.

Trên cơ sở nắm bắt ý kiến của cử tri và các cơ quan liên quan của tỉnh, các ĐBQH tỉnh đã tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng dự án luật này. Góp ý thảo luận tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh, cho rằng các cấu trúc của dự thảo luật đã đáp ứng được phần nào, thể hiện quan điểm của Đảng, tinh thần của Hiến pháp trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh đó, đại biểu Trịnh Xuân An đã tập trung phân tích làm rõ thêm 2 phạm trù lớn là: dân chủ và cơ sở trong dự án luật. Đồng thời nhấn mạnh, cần đánh giá rất kỹ tính khả thi để tránh quy định mang tính chất để liệt kê và nghị quyết hơn là văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục việc rà soát, hoàn thiện để nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan đến luật này…

Tại Đồng Nai, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được quán triệt triển khai nghiêm túc trong chính quyền các cấp. Qua đó, phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ông Phạm Năng Lãm, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng KP.4, P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cho biết, nhờ thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” mà từ việc làm đường đến sửa nhà văn hóa, triển khai các công trình điện nước… cũng như các hoạt động, phong trào trên địa bàn khu phố đều nhận được sự đồng thuận, chung tay góp sức của người dân. Nhiều năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, nhất là khó khăn do đại dịch Covid-19, song khu phố vẫn luôn đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà cấp trên giao. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo ổn định.

Cùng với những kết quả tích cực, nổi bật mà Đồng Nai đã đạt được, tại buổi làm việc với Đoàn công tác liên ngành Trung ương về việc thực hiện nội dung “dân giám sát, dân thụ hưởng” mới đây, đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh cũng đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và giải quyết kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân.

Hồ Thảo

Tin xem nhiều