Báo Đồng Nai điện tử
En

Vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội

11:12, 03/12/2021

Thảo luận tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 6, khóa XI, các đại biểu cho rằng, vừa qua dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp, Đồng Nai đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận...

[links()]Thảo luận tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 6, khóa XI, các đại biểu cho rằng, vừa qua dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy trên địa bàn Đồng Nai trong thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế sau giãn cách xã hội, tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Huy Anh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Huy Anh

* Những kết quả đáng ghi nhận

Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà, GRDP của Đồng Nai trong năm 2021 tăng 2,29%, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong các năm gần đây, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì mức tăng này là kết quả tích cực, thể hiện việc triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện tốt mục tiêu phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, GRDP bình quân đầu người năm 2021 của tỉnh ước đạt 118,45 triệu đồng (tương đương 5.179,5 USD).

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tất cả các lĩnh vực và mọi mặt đời sống xã hội bị tác động tiêu cực. Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ chia sẻ, đối với ngành Nông nghiệp, dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt đây là năm đầu tiên sau thực hiện đường lối đổi mới đất nước thì ngành Nông nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng chung của tỉnh. Trong năm 2021, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh ước đạt hơn 45,2 ngàn tỷ đồng (tăng hơn 3% so với năm trước). Ngay từ đầu năm nay, Sở đã ban hành văn bản hướng dẫn, đề nghị các địa phương rà soát đề xuất cập nhật các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030. Theo đó, định hướng đến năm 2025 hình thành 98 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh với quy mô gần 19 ngàn ha.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: Huy Anh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: Huy Anh

Trong xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai tiếp tục dẫn đầu cả nước. Hiện toàn tỉnh có 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 71 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên… Nhìn chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản đang từng bước được phục hồi, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại sau thời gian ngừng hoạt động để phòng, chống dịch. Dự ước từ nay đến hết năm 2021, toàn tỉnh tiêu thụ được 105 ngàn tấn lúa; 120 ngàn tấn trái cây; 50 ngàn tấn rau, củ; 13.500 tấn thủy sản và trung bình mỗi tháng cung ứng ra thị trường khoảng 33.500 tấn thịt heo. “Những con số nói trên tiếp tục khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế” - Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ nhận định.

Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trên lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng gặp nhiều khó khăn. Với sự tập trung cho công tác an sinh xã hội, tỉnh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ để nhân dân yên tâm, đồng lòng chống dịch cùng cấp ủy, chính quyền địa phương. Đến ngày 24-11-2021, tỉnh đã phê duyệt trên 2.305,6 tỷ đồng cho các đối tượng theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.

Cùng với đó là triển khai việc học trực tuyến, học qua truyền hình và các hình thức khác. Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho hay, ngày 13-9-2021, Đồng Nai bắt đầu năm học mới bằng hình thức dạy trực tuyến. Quá trình học đã gặp khó khăn vì nhiều học sinh không có thiết bị học tập. Để khắc phục việc này, ngành đã phối hợp với MTTQ và các đơn vị, địa phương kêu gọi, vận động ủng hộ chương trình Sóng và máy tính cho em, đến nay đã tiếp nhận 12.296 thiết bị điện tử để chuyển đến cho học sinh, do vậy về cơ bản học sinh đã có thiết bị học trực tuyến. Số học sinh còn lại, ngành tiếp tục phối hợp vận động để trang bị thiết bị học trực tuyến cho các em. Việc dạy và học trực tuyến cơ bản đi vào ổn định, đáp ứng được tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. So với học trực tiếp thì không thể so sánh được nhưng bối cảnh hiện nay không có hình thức nào an toàn bằng học trực tuyến.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu  thảo luận tại Tổ thảo luận số 4
Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng phát biểu thảo luận tại Tổ thảo luận số 4

Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ngành Giáo dục đã tham mưu cho tỉnh có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 trường tổ chức cho học sinh học trực tiếp, Sở đang tổ chức các đoàn đi kiểm tra để có báo cáo cụ thể.

Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, tỉnh đã liên tục thực hiện các đợt cao điểm đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông; đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hoạt động lợi dụng không gian mạng để đăng tải, chia sẻ các thông tin sai sự thật về tình hình an ninh trật tự và dịch bệnh Covid-19. Triệt phá nhiều tổ chức tội phạm băng nhóm (63 băng, ổ, nhóm), “tín dụng đen”, tội phạm cờ bạc, ma túy, phạm pháp hình sự, vi phạm pháp luật về kinh tế, môi trường…

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, dân vận đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến ngày 26-11, các Đảng bộ trực thuộc tỉnh đã kết nạp được 1.967 đảng viên (đạt 104,1%), trong đó kết nạp 145 quần chúng ưu tú xung phong, tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19; nâng tổng số đảng viên toàn tỉnh lên 86.771 đảng viên. Toàn tỉnh đã thi hành kỷ luật 5 tổ chức Đảng và 407 đảng viên (giảm 0,04%)…

* Cần những giải pháp sát thực tế

Các đại biểu dự hội nghị nhận định, dịch bệnh Covid-19 có thể còn kéo dài, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh, phức tạp và nguy hiểm hơn. Để thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, đoàn thể năm 2022, các đại biểu cho rằng cần có những giải pháp bám sát tình hình thực tiễn của tỉnh.

Ủy viên Ban TVTU, Bí thư Huyện ủy Long Thành Dương Minh Dũng đề xuất, tỉnh cần đánh giá kỹ việc cho học sinh trở lại trường học tại các địa phương để có sự thống nhất, đồng bộ trong toàn tỉnh. Vì hiện nay có địa phương cho học sinh đi học lại, có địa phương chưa thực hiện. Riêng đối với học sinh mầm non, chưa địa phương nào tổ chức học tại trường, do đó sớm có giải pháp ở bậc học này để cha mẹ yên tâm đi làm, nhất là giai đoạn này khi các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, đang rất cần lao động.

Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Cẩm Mỹ Từ Nam Thành cho rằng, Đồng Nai đã tiến hành tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi, do vậy tỉnh nên mạnh dạn cho tất cả học sinh đã tiêm đủ 2 mũi đi học trực tiếp. Bởi tình hình dịch bệnh còn kéo dài, khó có phương án hoàn hảo trong lúc này, nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở để đảm bảo việc khám, chữa bệnh cho nhân dân và phòng, chống tốt dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh có thể còn kéo dài.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề xuất chương trình công tác năm 2022 của Tỉnh ủy bổ sung giải pháp tập trung cho phát triển nhà ở xã hội, khu nhà trọ, nhất là xây dựng nhà ở cho công nhân trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Năm 2022, tỉnh đề ra chỉ tiêu hoàn thành và đưa vào sử dụng 200 căn nhà ở xã hội là khá thấp, cần điều chỉnh chỉ tiêu này để đến năm 2025 đạt chỉ tiêu 2.500 căn theo nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra.

Một số ý kiến tại hội nghị cho rằng, dự thảo Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2022 xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 5,5-6% so với năm 2021, trong khi Nghị quyết đại hội XI Đảng bộ tỉnh đã xác định tăng tưởng kinh tế bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2025 là 8%/năm. Do đó, việc đề ra chỉ tiêu phát triển kinh tế từng năm phải bám vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh XI để có giải pháp thực hiện đạt chỉ tiêu cho cả nhiệm kỳ.

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà phát biểu thảo luận tại Tổ thảo luận số 3. Ảnh: Huy Anh
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà phát biểu thảo luận tại Tổ thảo luận số 3. Ảnh: Huy Anh

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà chia sẻ, trong tình hình hiện nay cần xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng. Tăng trưởng không chỉ tạo nền tảng vững chắc cho ổn định kinh tế mà còn bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, góp phần chống tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển. Động lực tăng trưởng là tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau, từ giải ngân vốn đầu tư công, tăng xuất khẩu, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Do đó, để tăng trưởng như mục tiêu đề ra cần sự phấn đấu cao của các cấp, ngành.

Cùng với các giải pháp cho lĩnh vực kinh tế - xã hội, hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, dân vận. Để góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu năm 2022, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà nêu, mỗi cán bộ, đảng viên tự giác thực hiện tốt việc nêu gương trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tăng cường giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên trên địa bàn tỉnh.

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Trung Nhân đề xuất, nên nghiên cứu lại việc đề ra chỉ tiêu tỷ lệ đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh bị thi hành kỷ luật dưới 0,6%/năm so với tổng số đảng viên của Đảng bộ. Khi đề ra chỉ tiêu này, nếu nơi nào chạy theo thành tích sẽ không tích cực đấu tranh, phát hiện và xử lý vi phạm, do đó nơi nào số đảng viên vi phạm kỷ luật do cấp ủy chủ động phát hiện thì phải khích lệ, từ đó các cấp ủy, tổ chức Đảng không vì thành tích mà xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần đưa công tác xây dựng Đảng đi vào thực chất.

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Địa phương II, Văn phòng Trung ương Đảng Đinh Văn Vượng nhận định, về thu ngân sách, Đồng Nai đã thu được 58.716 tỷ đồng, đạt 124% dự toán năm và đạt 117% so với cùng kỳ (vượt kế hoạch 24%, cao nhất so với các địa phương khác trong vùng). Ngoài kết quả nổi bật về thu ngân sách, Đồng Nai còn đạt nhiều kết quả tích cực về phòng, chống dịch Covid-19; trong đó số người tử vong thấp so với một số tỉnh, thành phố có diễn biến phức tạp; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và đảm bảo an ninh trật tự.

Vấn đề hiện nay là tỉnh quan tâm hơn nữa tới y tế xã, phường; tỉnh có thể xây dựng đề án chính sách thu hút đội ngũ nhân lực y tế về cơ sở và tăng biên chế cho y tế tuyến cơ sở.

Dương An


Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh BÙI QUANG HUY:

Cần có giải pháp cho học sinh trở lại trường

Trong dự thảo báo cáo của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh chưa đề cập đến các giải pháp cho học sinh trở lại trường học sau một thời gian dài học trực tuyến. Nếu để học sinh tiếp tục học trực tuyến như hiện nay sẽ là một thiệt thòi lớn cho các em, bởi một lượng lớn kiến thức các em sẽ bị thiếu hụt. Bên cạnh đó, việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh cũng không được chu đáo.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy NGUYỄN THỊ THU VÂN:

Coi trọng đầu tư công với các dự án văn hóa - xã hội

Trong kế hoạch đầu tư công của tỉnh từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ đầu tư tới 41 ngàn tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư công được lấy từ đấu giá đất. Tỷ lệ nguồn vốn đầu tư công được bố trí cho các công trình về hạ tầng giao thông chiếm tới 79%. Do đó, cần coi trọng cả đầu tư công đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội một cách tương xứng. Điều này phù hợp với tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Quá trình triển khai các dự án trọng điểm cần chú trọng tái định cư cho người dân bị thu hồi đất, đồng thời phải quản lý hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.

Chánh án TAND tỉnh VÕ VĂN PHƯỚC:

Cần quản lý tốt hoạt động mua bán đất đai

Đến nay, hoạt động giao dịch đất đai đã không chỉ còn dừng lại ở phân lô bán nền mà đã phát triển ở mức cao hơn, đó là “phân mẫu bán sào”. Điều này đòi hỏi việc quản lý đất đai tại các địa phương cần phải chặt chẽ hơn, đồng thời phải hoàn thiện được các quy định về quản lý đất đai.

Bên cạnh đó, ông Phước cũng bày tỏ mối lo ngại, đó là mỗi dịp Tết đến lại xảy ra tình trạng đốt pháo nổ, pháo sáng, gây mất an ninh trật tự và an toàn tính mạng của người dân. Để hạn chế tình trạng đốt pháo trong dịp Tết sắp tới, ông Phước đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm địa bàn, xử lý nghiêm tình trạng mua bán, tàng trữ pháo trái phép.

Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp Sonadezi ĐỖ THỊ THU HẰNG:

Chuẩn bị tốt cho chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1

Phải nhanh chóng hoàn thiện và phê duyệt đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 để triển khai. Từ kinh nghiệm thực tế cho thấy, bình thường giải phóng mặt bằng để triển khai một khu dân cư đã rất khó và rất lâu. Trong khi đó, chúng ta lại đang tính toán để chuyển đổi công năng của một khu công nghiệp đang hoạt động là điều không dễ dàng. Cần có phương án khi di chuyển các doanh nghiệp một cách đồng bộ để doanh nghiệp không bị đứt gãy chuỗi sản xuất.

Công Nghĩa (ghi)


Tin xem nhiều