Báo Đồng Nai điện tử
En

'Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta'

10:11, 05/11/2021

Trong bài viết Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về giây phút Người bắt gặp chủ nghĩa Lênin: "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên.

Trong bài viết Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về giây phút Người bắt gặp chủ nghĩa Lênin: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó, Người hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế 3 trong lựa chọn con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.

Người dân và lực lượng khởi nghĩa diễu hành tại Saint Petersburg chúc mừng thành công của cuộc cách mạng ngày 7-11-1917
Người dân và lực lượng khởi nghĩa diễu hành tại Saint Petersburg chúc mừng thành công của cuộc cách mạng ngày 7-11-1917

1. Hiệp ước Patenôtre năm 1884 đánh dấu sự kiện người Pháp hoàn thành việc bình định và xâm lược Việt Nam. Kể từ khi người Pháp xâm lược Việt Nam đã xuất hiện nhiều tư tưởng yêu nước cũng như đã có nhiều phong trào yêu nước nổ ra với mục đích giành độc lập cho dân tộc nhưng đều thất bại.

Theo con đường phong kiến có đại biểu là các vị vua: Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân; theo con đường của các sĩ phu có các đại biểu tiêu biểu như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can; con đường của giai cấp nông dân có đại biểu tiêu biểu là cụ Hoàng Hoa Thám; con đường cứu nước theo con đường tư sản với lãnh tụ tiêu biểu là Nguyễn Thái Học. Ngoài ra, còn nhiều xu hướng chính trị, yêu nước khác nhau.

Thế nhưng, tất cả các phong trào yêu nước ấy - dù bằng bất cứ hình thức nào - cuối cùng đều thất bại. Không phải cha ông chúng ta không yêu nước! Không phải cha ông chúng ta không có lòng dũng cảm! Thế nhưng, lòng yêu nước, sự dũng cảm của các sĩ phu Nho học khi ấy không thể thắng vũ khí của quân thù. Tất cả các phong trào yêu nước khi ấy đã không thể tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.

2. Tiếp nối các bậc tiền bối, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Trong khi các bậc tiền bối đi sang Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… để tìm đường cứu nước thì Nguyễn Tất Thành đi sang phương Tây.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917) đã thức tỉnh các dân tộc thuộc địa trên thế giới, thức tỉnh những người nô lệ khắp năm châu. Từ thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga, Quốc tế Cộng sản - Quốc tế III do V.I.Lênin sáng lập ra đời. Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên Báo Nhân đạo. Sự kiện lịch sử trọng đại này được xem là dấu mốc ghi dấu ấn quyết định con đường cách mạng Việt Nam.

Kể từ khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi từ bến cảng Nhà Rồng (năm 1911) cho đến khi bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin cuối năm 1920 là gần 10 năm. Khoảng thời gian gần 10 năm ấy là chỉ dấu quan trọng để thấy rằng tìm một con đường cứu nước phù hợp với điều kiện lịch sử, hoàn cảnh Việt Nam là cả một quá trình dò đường đầy gian nan và thử thách.

Cũng trong bài viết Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Lúc bấy giờ tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình; trước đó, tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lênin viết (…). Còn như Đảng là gì, Công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì thì tôi không hiểu (…). Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

3. Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ngày 21-9-1969, tạp chí Đất nước tại Sài Gòn đã đăng bài viết của một vị giáo sư Công giáo là Lý Chánh Trung với tiêu đề Nói chuyện với người đã khuất. Bài viết có đoạn: “…Trong một bài báo viết năm 1968, linh mục Trương Bá Cần đã giải đáp rõ ràng câu hỏi: “Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm một giải pháp cho quê hương, nhưng không còn giải pháp nào khác ngoài giải pháp Ðệ tam Quốc tế (NV - Quốc tế III). Chúng ta đã thấy sự tin tưởng của Phan Bội Châu và các đồng chí ở sự giúp đỡ của Trung Hoa và Nhật Bản bị phản bội. Ở Âu châu, không một quốc gia, không một đảng phái nào có chủ trương chống thực dân, ngoài Nga sô (NV - Liên Xô) và Cộng sản Ðệ tam Quốc tế. Vì thế mà ở Ðại hội của Đảng Xã hội Pháp năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu cho việc sát nhập Đảng Xã hội Pháp vào Ðệ tam Quốc tế... Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn Mác - Lênin bởi vì không còn một sự lựa chọn nào khác”.

Có thể khẳng định rằng, Nguyễn Ái Quốc tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin và truyền bá vào Việt Nam, song đã tiếp thu một cách sáng tạo và thực hành một cách đầy sáng tạo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn và lịch sử Việt Nam. Việc Nguyễn Ái Quốc bắt gặp chủ nghĩa Mác - Lênin và lựa chọn chủ nghĩa Mác - Lênin là sự lựa chọn của lịch sử, bởi khi ấy chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin mới có thể giúp chỉ ra con đường đấu tranh để đất nước Việt Nam giành được độc lập, giúp cho dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ, lầm than. Và hiện nay, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là kim chỉ nam chỉ đường cho sự phát triển của đất nước Việt Nam.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” một lần nữa khẳng định: “Luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin”. Đây là quan điểm nhất quán và sự lựa chọn nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam, là sự kế thừa và phát triển những giá trị mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh để lại.

  Hồng Phúc

Tin xem nhiều