Báo Đồng Nai điện tử
En

Chất vấn những vấn đề chưa đáp ứng mong muốn của cử tri

03:12, 04/12/2018

Trong 3 ngày: 5, 6 và 7-12, Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa IX sẽ diễn ra nhằm xem xét, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh năm 2018

Trong 3 ngày: 5, 6 và 7-12 tại trụ sở Khối nhà nước tỉnh sẽ diễn ra Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh khóa IX. Đây là kỳ họp thường lệ cuối năm theo luật định nhằm xem xét, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh năm 2018 và đề ra các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2019.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (giữa) và đoàn công tác giám sát dự án đường vào cảng Phước An, huyện Nhơn Trạch
Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (giữa) và đoàn công tác giám sát dự án đường vào cảng Phước An, huyện Nhơn Trạch

Trước thềm kỳ họp, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh sẽ thảo luận và xem xét thông qua 20 nghị quyết gồm: 7 nghị quyết thường kỳ, 6 nghị quyết chuyên đề, 3 nghị quyết về hoạt động của HĐND tỉnh, 3 nghị quyết về công tác nhân sự và 1 nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.

* Chất vấn về nội dung trọng tâm

Ông Phạm Ngọc Tuấn: “Mục đích việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát của HĐND tỉnh, giúp người được lấy phiếu phấn đấu, rèn luyện và đây cũng là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ”.

 Qua xem xét, thẩm tra các báo cáo về tình hình thực hiện các  mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai năm 2018, ông nhận định cơ bản về bức tranh kinh tế - xã hội Đồng Nai trong năm qua ra sao?

- Trong năm 2018 với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự nỗ lực quyết liệt của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, Đồng Nai cơ bản hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng; đến nay đã có 25/28 chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết đề ra.

 Theo đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh từng bước chuyển dịch phù hợp so với nghị quyết. Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển khá tốt. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên quan tâm tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh. Công tác xúc tiến đầu tư được chú trọng, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực, thu hút đầu tư nước ngoài tăng so với mục tiêu đề ra và phù hợp định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, tập trung vào các lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Đồng Nai đã thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Năm 2018 này cũng là năm Đồng Nai ghi thêm một dấu ấn đặc biệt với kết quả hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở 133/133 xã trong toàn tỉnh; nhiều công trình trọng điểm, quan trọng đã hoàn thành, đặc biệt là các công trình trong lĩnh vực giao thông, chống ngập khu vực nội ô Biên Hòa, khắc phục được những tồn tại từ nhiều năm trước.

 Theo ông, khó khăn nhất của Đồng Nai trong năm 2018 là gì?

- Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, khó khăn, trong đó tổng sản phẩm trên địa bàn tăng so với năm 2017, là tỷ lệ đạt nhưng ở mức đạt thấp so với chỉ tiêu đề ra; thu ngân sách đặc biệt là thu nội địa còn nhiều khó khăn mặc dù các cơ quan, đơn vị chức năng đã cố gắng, nỗ lực; công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn thiếu so với nhu cầu và đạt thấp so với mục tiêu Nghị quyết của HĐND tỉnh đã đề ra; ngành chăn nuôi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; dịch bệnh diễn biến phức tạp trong khi công tác phòng, chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn... Những vấn đề trên sẽ được đại biểu thảo luận, tìm ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

 Chất vấn và trả lời chất vấn là vấn đề được cử tri rất quan tâm. Kỳ họp này sẽ tập trung chất vấn những vấn đề gì? Tại sao lại chọn những vấn đề đó để chất vấn, thưa ông?

Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa IX sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 25 chức danh do HĐND tỉnh bầu, trong đó có 7 chức danh của HĐND tỉnh và 18 chức danh thuộc UBND tỉnh.

- Chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp, đến thời điểm này Thường trực HĐND tỉnh đã nhận được 11 câu hỏi chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh và giám đốc các sở, ngành tại kỳ họp. Nội dung chất vấn thuộc 6 lĩnh vực: đầu tư, an toàn vệ sinh thực phẩm, an minh trật tự, tài nguyên - môi trường, giao thông - vận tải và thu ngân sách.

Thường trực HĐND tỉnh đã xin ý kiến đại biểu để tiến hành chất vấn 5 nội dung về tình hình an ninh trật tự; an toàn thực phẩm; quản lý môi trường; hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, kinh doanh hàng gian, hàng giả.

Sở dĩ có sự chọn lựa trên là vì qua giám sát của HĐND tỉnh nhận thấy 5 vấn đề trên mặc dù đã được UBND tỉnh chỉ đạo, các ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện nhưng vẫn chưa đáp ứng với mong muốn của người dân nên cử tri vẫn còn nhiều ý kiến phản ảnh. Chính vì vậy, chất vấn với mục đích là để thúc đẩy việc triển khai thực hiện.

* Lấy tín nhiệm các chức danh do HĐND tỉnh bầu

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh sẽ tham gia lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

An toàn thực phẩm là một trong những vấn đề được cử tri rất quan tâm. Trong ảnh:  Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra đột xuất một cơ sở sản xuất bún khô ở xã Long An, huyện Long Thành tháng 5-2018.
An toàn thực phẩm là một trong những vấn đề được cử tri rất quan tâm. Trong ảnh: Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra đột xuất một cơ sở sản xuất bún khô ở xã Long An, huyện Long Thành tháng 5-2018.

- Đối với việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND tỉnh bầu, đây là lần lấy phiếu thứ 3 kể từ trước đến nay của HĐND tỉnh các cấp và là lần duy nhất của nhiệm kỳ 2016 -2021.

 Lấy phiếu tín nhiệm là nhiệm vụ rất hệ trọng và có ý nghĩa trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử. Đến thời điểm hiện nay, Thường trực HĐND tỉnh đã chuẩn bị chu đáo, luôn tích cực, bám sát các quy định về lấy phiếu tín nhiệm. Các đại biểu HĐND tỉnh đã nghiên cứu các văn bản quy định để hiểu đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung, trình tự, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm đối với 25 chức danh do HĐND tỉnh bầu, trong đó có 7 chức danh của HĐND tỉnh và 18 chức danh thuộc UBND tỉnh; đảm bảo đại biểu nhận thức sâu sắc trách nhiệm thay mặt nhân dân địa phương thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm đối với các vị được HĐND tỉnh bầu một cách dân chủ, khách quan, thận trọng, công tâm, chính xác và thực chất.

 Các mức lấy phiếu tín nhiệm ra sao? Với những chức danh có số phiếu tín nhiệm thấp, HĐND tỉnh có hình thức xem xét, đánh giá ra sao, thưa ông?

- Có 3 mức độ đánh giá là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Theo quy định thì người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND tỉnh đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để HĐND tỉnh bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó. Nếu có từ 2/3 trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND tỉnh bỏ phiếu tín nhiệm.

Chính vì vậy, việc bỏ lá phiếu vào thùng phiếu của đại biểu tại kỳ họp tuy đơn giản nhưng ý nghĩa vô cùng quan trọng. Khi thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu không nên dựa vào những thông tin không chính thức, thông tin bên ngoài, phải kiểm soát thông tin về người được lấy phiếu tín nhiệm mà mình tiếp nhận được, tuyệt đối tránh tình trạng để cho những vấn đề mang tính cá nhân chi phối.

 Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Phượng (thực hiện)


Ông Lê Hữu Phúc, cán bộ hưu trí ở KP.11A, phường Tân Phong (TP.Biên Hòa): Trả lời chất vấn thẳng vào trọng tâm

Chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những nội dung quan trọng trong kỳ họp HĐND tỉnh. Thông qua hoạt động này, đại biểu HĐND tỉnh thể hiện được năng lực và trách nhiệm của mình trước cử tri. 

Vì vậy, để phần chất vấn đạt hiệu quả, người trả lời chất vấn cần trả lời thẳng vào trọng tâm câu hỏi, không nên giải trình lòng vòng né tránh. Trong quá trình trả lời, nếu nội dung chất vấn đề cập đến những tồn tại thuộc lĩnh vực mình phụ trách thì cần thẳng thắn nhận trách nhiệm và đưa ra các giải pháp khắc phục trong khoảng thời gian xác định; sau kỳ họp phải tập trung giải quyết tốt những nội dung được chất vấn đúng yêu cầu và thời gian như đã hứa.

 
TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế: Thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, khắc phục những tồn tại, hạn chế theo kết luận giám sát của HĐND tỉnh, thời gian tới, Sở Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, ngành sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, định kỳ và đột xuất; kiểm nghiệm, hậu kiểm việc thực hiện và xử lý về an toàn thực phẩm các tuyến, công khai các vi phạm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm…

Nga Sơn - Hạnh Dung (ghi)

Tin xem nhiều